Mỹ ứng phó trước sự "trỗi dậy" của đồng Nhân dân tệ

Chính sách mới - Ngày đăng : 09:16, 09/07/2015

Việc lên giá nhanh chóng đồng USD là chính sách chủ động của Mỹ khiến Trung Quốc "hụt hơi" trong việc bảo toàn số lượng tài sản.
Mỹ ứng phó trước sự

Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đã làm tăng giá trị của đồng USD. Đồng USD lên giá có tác động chủ quan và khách quan, đặc biệt là những thay đổi trong hệ thống tiền tệ thế giới với sự thiếu ổn định trong hệ thống tiền tệ châu Âu, sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ (NDT).

Đọc E-paper

Việc Trung Quốc quyết liệt và ráo riết đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa đồng NDT gần như đang tạo ra một cơ cấu cạnh tranh mới trong cơ cấu hệ thống tiền tệ quốc tế, trong đó có cơ cấu thanh toán và dự trữ.

Lý thuyết không gian tiền tệ tối ưu cho thấy các đồng tiền mới xuất hiện thường có sức chuyển đổi cao, như đồng EUR lên giá mạnh sau khi ra đời, vì vậy sự lên giá USD là để ngăn chặn sự "trỗi dậy" của đồng NDT.

Giả định, cuộc chiến tranh tiền tệ bùng phát, đồng NDT khó có thể tạo lòng tin nhanh chóng, đó là chưa nói khi USD đang mạnh lên đáng kể.

Đồng thời, việc ra đời Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo, cũng khó có khả năng tạo lợi thế cho Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến cơ cấu và số lượng, cường độ giao dịch tiền tệ quốc tế.

Dù Mỹ và Nhật Bản không tham gia sáng lập AIIB thì USD vẫn không thể thiếu trong cơ cấu dự trữ tiền tệ quốc tế của tổ chức này.

Sự lên giá mạnh của USD trở thành lực cản lớn đối với quá trình vận hành AIIB, làm cho ngân hàng này thành một tổ chức tín dụng thực hiện chủ yếu các mục đích thương mại, thay vì một định chế tài chính - chính trị khu vực và toàn cầu trong thời gian ngắn như các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong đợi.

USD tăng giá còn là cách thức để Mỹ bảo vệ lợi ích của đồng minh trước những toan tính của Trung Quốc đối với hệ thống tiền tệ thế giới trong bối cảnh các đồng minh thân cận có xu hướng yếu đi tương đối so với các nền kinh tế đang lên và xuất hiện tình trạng cạnh tranh giữa các chủ thể để sắp xếp lại trật tự của hệ thống tiền tệ thế giới.

Có thể Trung Quốc đã có ý định thay đổi cơ cấu dự trữ tiền tệ quốc tế bằng việc sử dụng các loại tài sản khác hơn là USD mà Trung Quốc đang có ý định thay thế ngấm ngầm.

Sự lên giá nhanh chóng của USD có thể làm cho Trung Quốc bị thiệt hại đáng kể về lợi ích khi có sự chuyển dịch cơ cấu tài sản trong chiến lược quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc bắt đầu bằng sự điều chỉnh cơ cấu tài sản đảm bảo.

Việc lên giá nhanh chóng đồng USD là chính sách chủ động của Mỹ đã làm cho Trung Quốc "hụt hơi" trong việc bảo toàn số lượng tài sản, đặc biệt là vàng trong quá trình chuyển USD sang vàng, thậm chí dự trữ dầu mỏ theo kiểu các "chiêu đầu cơ” để kiếm lợi.

Đồng Việt Nam (VND) được bảo đảm giá trị không phải bằng vàng, USD hay các đồng tiền mạnh khác mà bằng chính sách tiền tệ hợp lý.

Trong điều kiện có những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực, việc đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại và sự "trỗi dậy" của đồng NDT, Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá.

Cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi mối quan hệ Mỹ - Trung với những điều chỉnh chiến lược tiền tệ, lãi suất để tận dụng các cơ hội và dự báo trước sự thay đổi đột ngột của tỷ giá.

Ngoài ra, nên nghiên cứu, xây dựng các mô hình tỷ giá mới dựa trên cơ sở kết hợp với sức mạnh tài chính hùng hậu của Mỹ với sức mạnh thương mại khổng lồ của Trung Quốc để tận dụng các tác động tích cực của hai trụ cột của nền kinh tế thế giới.

Hai khía cạnh nước ta cần quan tâm là "Chính sách xoay trục của Hoa Kỳ sang châu Á" và "Sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua chiến lược quốc tế hóa đồng NDT và việc thành lập Ngân hàng AIIB".

>Vì sao nhân dân tệ mất giá?

>Nhân dân tệ cố gắng phá ưu thế của USD

>Trung Quốc cho giao dịch vàng quốc tế bằng nhân dân tệ

>Ngân hàng Thế giới phát hành trái phiếu Nhân dân tệ

PGS - TS. NGUYỄN THƯỜNG LẠNG - Đại học Kinh tế Quốc dân (HẢI VÂN ghi)