"Vẽ" lại thị trường truyền hình Việt Nam
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:14, 13/07/2015
Gần 20 năm xã hội hóa truyền hình tại Việt Nam, số lượng nhà đầu tư có lúc lên đến 40 - 50 nhưng nay chỉ còn khoảng 10 cái tên trụ được. Cuộc chơi đang xuất hiện những gương mặt mới hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ.
Vẽ lại thị trường
Đầu tháng 6/2015, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC - Trung tâm tại TP.HCM và Công ty CP Truyền thông View Media (VMC) ra mắt kênh truyền hình hoàn toàn mới mang tên View TV trên tần số phát sóng của kênh VTC8, thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Hướng đến gia đình trẻ, khán giả trong độ tuổi từ 18 đến 45, View TV định hướng là kênh thông tin và giải trí tổng hợp.
Phía sau View TV có Enter Asia, một trong những cái tên khá nổi tiếng trong ngành truyền hình Nhật Bản. Chủ sở hữu kênh truyền hình mới này cũng là cái tên khá mới: Huy Huỳnh.
Sau nhiều năm học và làm việc trong ngành truyền hình tại Mỹ, Huy Huỳnh, về Việt Nam. Và sau 7 năm nghiên cứu thị trường, vị giám đốc trẻ này quyết định đầu tư một kênh truyền hình mới.
"Ngành truyền hình một số nước, như Nhật là 60 năm thì việc xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam mới chỉ hơn chục năm, còn quá mới", Huy Huỳnh nhận xét. Theo ông, trong số gần 200 kênh truyền hình ở Việt Nam hiện chỉ có chừng chục thương hiệu tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.
Nếu chỉ tính truyền hình do tư nhân sản xuất, hiện mới chỉ có một vài kênh dành riêng cho từng nhóm đối tượng khán giả như kênh cho giới trẻ, cho thiếu nhi, cho phụ nữ...
>>Quảng cáo trên truyền hình: Không còn như mong đợi
Đặc biệt, kênh riêng cho gia đình trẻ cũng như khách hàng cho từng thị trường ngách vẫn chưa có. Do vậy, cơ hội từ thị trường vẫn còn rất nhiều.
Ngay khi có được giấy phép, View TV đã gấp rút tập hợp nhân lực, xây dựng nội dung.
Ông Huy chia sẻ: "Đã qua giai đoạn kinh tế khó khăn, ngành truyền hình đã có những tăng trưởng trở lại về doanh thu. Đây là thời điểm tốt để tham gia thị trường".
Theo dự báo của ông Huy, nếu cơ chế tiếp tục thuận lợi thì thời gian tới, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường này, tiếp tục xuất hiện nhiều kênh truyền hình mới.
Cùng với sự xuất hiện của View TV, hàng loạt kênh truyền hình đã có tên tuổi như YanTV, InfoTV, MTV... cũng bước vào giai đoạn đổi mới. Nguyên nhân chung là do đổi chủ, một hệ quả từ cuộc sàng lọc xuất phát từ giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua.
Tháng 7/2011, kênh truyền hình MTV phát sóng chương trình đầu tiên nhưng trên thực tế, thương hiệu MTV đã xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 1997 với những chương trình trên sóng VTV3.
BHD đã nhượng quyền để trở thành đơn vị vận hành kênh truyền hình này tại Việt Nam.
Trong khi các kênh truyền hình tư nhân đang nỗ lực làm mới mình thì ở các kênh truyền thống cũng diễn ra "cuộc đua" không mệt mỏi để giành khán giả. Đạo diễn Vũ Thành Vinh, Giám đốc Khang Media, đơn vị cung cấp chương trình truyền hình cho nhiều kênh truyền hình cho biết, các kênh truyền hình đều đặt hàng hoặc tự đầu tư các chương trình để nâng cấp về mặt nội dung. "TP.HCM là địa bàn thu hút nhiều quảng cáo nhất, các kênh truyền hình đều mong lấy được tình cảm khán giả khu vực này", ông Vinh chia sẻ. Nỗ lực nhất trong cuộc đua này là kênh Vĩnh Long 1, đơn vị đang mở rộng về mặt nội dung, không chỉ hướng đến khán giả miền Tây mà còn là TP.HCM và xa hơn nữa. |
Sau 3 năm phát sóng chính thức, MTV Việt Nam gia nhập Tập đoàn Truyền thông IMC. "Khi chúng tôi tiếp quản thì kênh truyền hình này đang kinh doanh không hiệu quả, nhà đầu tư quyết định bỏ cuộc", ông Lâm Chí Thiện, Tổng giám đốc IMC cho biết.
>>Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?
Dưới trướng IMC, MTV Việt Nam đang tái cơ cấu và có những đầu tư mạnh mẽ trong khâu nhận diện thương hiệu và cải tiến nội dung.
Ông Thiện chia sẻ: "Phải coi truyền hình như một sản phẩm, muốn khán giả biết đến thì phải đầu tư marketing".
Với kinh nghiệm đã cứu TodayTV từ bờ vực phá sản, IMC tư tin cho rằng đưa MTV trở lại đỉnh cao chỉ là chuyện sớm muộn.
Tương tự, kênh tài chính Info TV đã được chuyển về STV sau khi ngân hàng Đại Dương "bỏ cuộc chơi".
Thời điểm chuyển nhượng, Info TV chỉ hoạt động cầm chừng với thời lượng 2 giờ chương trình/ngày.
Dự kiến, sau cải tổ, Info TV sẽ có 4 đến 6 giờ chương trình mới/ngày và mở rộng chương trình truyền hình trực tiếp từ sàn chứng khoán. Đáng chú ý là không còn thuần tài chính, Info TV sẽ có thêm khung giờ giải trí, phim truyền hình nhiều tập.
Làn sóng OTT
Xu hướng số hóa và việc kinh doanh internet đang tích hợp với việc cung cấp dịch vụ xem truyền hình trên đường truyền internet hoặc 3G (truyền hình OTT), mở ra hướng đi mới cho ngành truyền hình trong nước.
Ông Lê Đình Trọng, Tổng giám đốc STV cho biết, việc phụ thuộc vào hệ thống cáp hiện nay khiến lượng người xem truyền hình tại Việt Nam vẫn chưa cao. Số hóa đang là xu thế của tương lai và người làm truyền hình rất mong quá trình này nhanh chóng hoàn tất.
>>Hiệu quả truyền thông của truyền hình thực tế
Khi đó, người tiêu dùng có thể xem truyền hình OTT qua hai cách: Tải ứng dụng về cho thiết bị di động, hoặc xem trực tuyến thông qua đường truyền trực tiếp hoặc VOD (Video on demand - video theo yêu cầu).
"Khi việc tiếp cận các dịch vụ truyền hình dễ dàng hơn thì các kênh truyền hình sẽ có thêm cơ hội phát triển", ông Trọng nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, một năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình OTT đang được đầu tư mạnh, trong đó có phải kể đến FPT, VTV, HTV, myTV... Với sự phát triển mạnh mẽ của 3G và sự phổ biến của Wi-Fi, dịch vụ OTT tại Việt Nam đang có cơ hội phát triển bùng nổ.
Đây được xem là bước "dọn đường" thuận lợi cho các kênh truyền hình tư nhân tăng lượng người xem.
FPT Play là dịch vụ truyền hình OTT hay còn có tên gọi khác quen thuộc với người dùng hơn là TV Online.
FPT Play cung cấp hơn 100 kênh truyền hình trong nước, quốc tế và đặc biệt là đơn vị truyền hình OTT đầu tiên có bản quyền phát sóng các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh, một trong những giải vô địch quốc gia sôi động nhất hành tinh.
FPT Play khá thuận tiện trong sử dụng bởi người dùng xem được trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, các dòng SmartTV...
Theo ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Dự án FPT Play, tính đến tháng 6/2015, FPT Play đã có gần 2 triệu người sử dụng trên nền tảng di động dù đơn vị này chưa quảng bá.
Theo phản ánh từ IPTV-News, với xu hướng không thể tránh khỏi này, hai hãng truyền thông lớn trên thế giới là HBO và CBS đã đặt OTT là chiến lược sống còn của mình.
Các hãng truyền hình quốc tế cho rằng họ đang gặp khó khăn khi người dùng đã chuyển sang xem trên các dịch vụ OTT linh động khác.
Tuy nhiên, các dịch vụ OTT cũng giúp các công ty phát triển mối quan hệ trực tiếp và sâu sắc hơn với khán giả để cung cấp tức thời các nội dung trên đa màn hình thông qua OTT.
"Đầu tư truyền hình OTT đòi hỏi đầu tư rất lớn về băng thông và máy chủ với bản quyền nội dung. Do vẫn ở giai đoạn đầu nên hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đang chịu lỗ.
Hy vọng thời gian tới, thị trường có đủ lượng người dùng và kho nội dung bản quyền phong phú thì sẽ tính đến chuyện thương mại hóa dịch vụ”, ông Giản nhận định.