Ngành da giày Việt Nam: Ngày càng nhiều triển vọng

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 00:37, 22/07/2015

Việt Nam đang nằm trong top bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc, Ý.
Ngành da giày Việt Nam: Ngày càng nhiều triển vọng

Trong tình hình đơn hàng da giày đang dịch chuyển ngày càng nhiều từ Trung Quốc sang Việt Nam, doanh nghiệp (DN) ngành da giày nên xem đây là cơ hội kinh doanh lớn.

Đọc E-paper

Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giày với chủ đề "Nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam" do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương, Lefaso phối hợp tổ chức tuần qua tại TP.HCM.

Tại đây, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, năng lực phát triển của ngành da giày trong thời gian qua bền vững hơn hẳn các ngành khác.

Giai đoạn từ năm 2009 - 2014, trong khi các ngành khác gặp nhiều khó khăn do bị tác động từ thị trường thế giới thì ngành giày dép vẫn tăng trưởng khá nhờ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ. Riêng thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh, từ kim ngạch vài trăm triệu USD năm 2009 đã tăng lên nửa tỷ USD năm 2014.

Thống kê từ Lefaso cho thấy, Việt Nam đang nằm trong top bốn nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc, Italia.

Tại Mỹ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam đang tiếp tục tăng thị phần. Túi xách cũng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh và hiện đã có mặt trên 40 nước.

Trước cơ hội, tiềm năng phát triển của ngành, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso thông tin: Ngành da giày đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 22 tỷ USD, và đạt 30 tỷ USD đến năm 2030.

Tại hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, do tỷ lệ nội địa hóa trong ngành còn thấp nên giá trị gia tăng của DN da giày chưa được như kỳ vọng.

Bộ Công Thương đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ như hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng trung tâm đào tạo nghề nhằm giúp DN tiết giảm chi phí.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn đề nghị, để tránh bị động trong sản xuất, DN hãy đưa những công đoạn cần nhiều lao động về các vùng nông thôn đã được quy hoạch phát triển ngành, như vậy sẽ tránh việc cạnh tranh lao động, thiếu hụt lao động, đảm bảo cho sản xuất lâu dài. Cơ hội càng rộng mở, đòi hỏi DN da giày phải trang bị năng lực sản xuất cao hơn.

Điểm yếu của ngành da giày hiện nay là quy mô DN nhỏ, thiếu vốn, kỹ thuật, thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ; khả năng tự cung ứng nguyên phụ liệu mới đạt 24,5%, phần còn lại phải nhập khẩu. Do đó, hội nghị bàn nhiều đến cơ hội đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, đầu tư vào kênh phân phối tại thị trường nội địa.

Theo ông Trần Quang Hà, Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, các DN da giày đang đứng trước nhiều cơ hội xen lẫn thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vì vậy, DN cần phải có sự cải tiến trong quy trình sản xuất nhằm hạn chế mất thị trường, đồng thời phải vạch kế hoạch sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với xu thế.

Theo ông Thuấn, hiện nay, thuế suất ở các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với giày dép đang ở mức cao, từ 3,5 - 57,4%. Nếu TPP ký kết, thuế suất giảm dần về 0%, sẽ mang lại lợi thế cho giày dép Việt Nam.

Còn đối với thị trường ASEAN, DN sẽ có nhiều cơ hội khai thác hơn, bởi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Hiện, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường này chưa nhiều.

Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu giày dép sang các nước ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký FTA (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Tại hội nghị, đại diện đoàn DN da giày Quảng Đông (Trung Quốc) cho hay, một số công ty giày dép ở Quảng Đông đang xúc tiến hợp tác với các DN Việt Nam để triển khai các dự án về thuộc da. Hai bên hợp tác đầu tư sẽ rất thuận lợi, vì nguồn nhân lực ở Việt Nam dồi dào và chi phí không cao.

>Da giày: Hối hả phát triển công nghiệp phụ trợ

>Tín hiệu tốt cho xuất khẩu da giày

>Sản xuất hàng da giày: Nâng tỷ lệ nội địa hóa

>Bao giờ tự chủ nguyên liệu da giày?

MAI PHƯƠNG