2 "điểm trừ" của nhân sự trẻ Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 06:36, 23/07/2015

Lao động mới ra trường ở Việt Nam có mức lương chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 so với lao động mới ra trường ở Malaysia.
2

Lao động mới ra trường ở Việt Nam có mức lương thấp hơn lao động có kinh nghiệm từ 1,5 - 2 lần và chỉ bằng 2/3 - 1/2 so với lao động mới ra trường ở Malaysia. Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo tháng 7/2015 của trang mạng việc làm JobStreet.com.

Theo báo cáo, ở ngành y tế, mức lương trung bình của nhân viên mới ra trường ở Việt Nam là 7.268.000 VNĐ, trong khi con số này của nhân viên đã có kinh nghiệm là khoảng 24.000.000 VNĐ và nhân viên mới ra trường ở Malaysia là khoảng 18.000.000 VNĐ.

Mức lương của nhân viên mới ra trường ở Việt Nam (giữa) so với mức lương của nhân viên có từ 1 - 4 năm kinh nghiệm (phải) và mức lương của nhân viên mới ra trường ở Malaysia (trái)

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không quá cao khi có hơn 52 triệu người có việc làm trong tổng số 69,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, việc có đến 178.000 lao động có bằng cử nhân, thạc sĩ vẫn chưa có việc làm lại là vấn đề đáng lo ngại.

Khảo sát của JobStreet.com với gần 3.000 sinh viên mới tốt nghiệp cho thấy, có đến 69% trong số này này chưa có việc làm, trong khi có đến 72% doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phân khúc này. Thị trường vẫn có cả cung lẫn cầu, nhưng hai vấn đề các doanh nghiệp băn khoăn nhất trong việc tuyển dụng lao động trẻ Việt Nam là kỹ năng làm việc và tỷ lệ nhảy việc.

Khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, nguồn nhân lực mới ra trường ở Việt Nam không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn cần được đào tạo lại, vì vậy doanh nghiệp có xu hướng thích tìm kiếm các ứng viên có kinh nghiệm hơn.

Bên cạnh đó, phần lớn các ứng viên mới ra trường không trung thành với việc làm đầu tiên và thường nhảy việc sau một khoảng thời gian ngắn. Qua khảo sát của JobStreet.com tại các nước trong khu vực (Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia và Việt Nam), chỉ có từ 24 – 29% người lao động trung thành với việc làm đầu tiên. Con số này ở thị trường lao động Việt Nam là 28%.

Xu hướng nhảy việc trong thời gian đầu đi làm của lao động trẻ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong chiến lược nhân sự. Nói về vấn đề này, bà Angie SW Phang – Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam cho rằng: “Để giữ chân nhân sự trẻ, doanh nghiệp cần hiểu được thế mạnh để giúp họ phát huy tối đa năng lực và cho họ biết được rằng, để có thể gắn bó lâu dài với công ty thì họ cần phải trau dồi bản thân như thế nào. Đồng thời bên cạnh đào tạo chuyên môn, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng mềm và khả năng lãnh đạo cho nhân sự trẻ. Đặc biệt, ứng viên mới ra trường ngày nay được tiếp cận với nguồn thông tin, kiến thức lớn trên internet, do đó doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc định hướng họ phương pháp để áp dụng những tài nguyên đó vào thực tiễn”.

>Nhân sự Gen Y: Việc tìm người

>Ngành IT Việt Nam: “Khát” nhân sự chất lượng cao

>"Cách ly" công việc - cách giữ chân nhân sự ở Trung Quốc

>Báo động tình trạng thiếu lao động giỏi trên toàn cầu

>Lưu ý khi quản lý thực tập sinh

BÍCH TRÂM