Đốt rác thu tiền: Đầu tư lớn, hiệu quả bấp bênh
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:27, 24/07/2015
Ngành xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường đã và đang được khuyến khích đầu tư nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng làm được.
Hơn 6 năm trước, vào ngày 14/1/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2009/NĐ-CP (Nghị định 04) về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Nghị định 04 được xem là "bước ngoặt" khởi đầu cho ngành xử lý chất thải rắn, kể cả chất thải rắn độc hại.
Ngay sau đó, lần lượt từ nhà đầu tư (NĐT) trong nước đến NĐT trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị "hấp dẫn" bởi lĩnh vực này. Dưới góc nhìn của người làm kinh tế, những ưu đãi về thuế, vốn vay, tiền sử dụng đất... và nguồn thu từ đầu ra là lĩnh vực "màu mỡ" để NĐT bắt tay khai thác.
Thế nhưng, sau hàng loạt dự án được cấp phép đầu tư, đến thời điểm này, phần nhiều công trình vẫn nằm trên giấy hoặc gặp "sự cố” khi triển khai, vận hành.
Đầu xuôi, chờ đuôi lọt
Thời gian qua, nhiều nhà máy xử lý rác thải trị giá vài chục tỷ đồng liên tục gặp "sự cố” khi đưa vào hoạt động. Đơn cử như nhà máy xử lý rác thải tại thị xã Sông Công do Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư với 2/3 vốn tài trợ từ Đan Mạch, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.
Sau một thời gian chạy thử, nhà máy này được giao cho thị xã Sông Công và sau đó Công ty Môi trường Sông Công tiếp quản, vận hành.
Thế nhưng, chỉ 6 tháng đi vào hoạt động kể từ tháng 5/2011, nhà máy 33 tỷ đồng này đã sớm "trùm mềm". Cuối năm 2014, nhà máy được một DN trong nước đề cập mua lại với giá 1 tỷ đồng nhưng không thành.
Trường hợp của nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều điều đáng bàn.
Là nhà máy thí điểm được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 2ha, khởi công cuối năm 2013, hoạt động ngày 22/6/2015, đã sớm thể hiện nhược điểm sau hai tuần hoạt động.
>>Đại gia công nghệ và bài toán tái chế rác thải
Nguyên nhân được xác định là do công suất thấp, nhà máy chỉ xử lý được 1/10 lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn huyện, tương đương 1 tấn rác/ngày.
Gần đây, TP.HCM quyết định di dời lượng rác thải sinh hoạt được xử lý ở bãi rác số 3 ở Phước Hiệp, huyện Củ Chi có giá trị đầu tư 976 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và nhà thầu Hàn Quốc KBEC thi công về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) đầu tư, cũng làm tốn không ít giấy mực của báo giới.
Những trường hợp vừa nêu không thể đại diện cho tất cả các dự án hay nhà máy xử lý rác thải chưa đi vào hoạt động hoặc gặp sự cố khi hoạt động, nhưng phần nào cũng thể hiện khó khăn của các NĐT. Đó là thực trạng trái với những dự báo về sự "bùng nổ” của các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.
Chẳng hạn, tính trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đến nay chỉ thấy nổi lên vỏn vẹn hai dự án.
Một dự án tại TP.HCM, do VWS đầu tư theo công nghệ chôn lấp 100% và một dự án tại TP. Đà Nẵng sử dụng công nghệ đốt điện không chôn lấp, do Công ty CP Môi trường Việt Nam đầu tư, vừa mới khánh thành giai đoạn 1 vào cuối tháng 6/2015.
Chia sẻ từ góc độ NĐT Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn không chôn lấp tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam, cho hay, nguyên nhân khiến nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải tuy được cấp phép nhưng vẫn không xây dựng được là do "trục trặc" ở Nghị định 04.
Chẳng hạn, theo Nghị định 04, các NĐT sẽ được hỗ trợ 10% vốn từ trung ương, 40% vốn từ địa phương, 50% còn lại sẽ được ngân hàng cho vay lên đến 90% trong tổng số vốn cần có. Nhưng khi hỏi đến, địa phương chỉ hỗ trợ đất, ngân hàng không cho vay.
Mức giá xử lý rác cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của các dự án, nếu giá địa phương đưa ra quá thấp thì cũng rất khó để DN tồn tại.
>>Tái chế rác thải – nguồn lợi lớn cần được quan tâm
Vì vậy, không ít NĐT đã "ngã ngựa" hoặc không triển khai dự án được do nhận thấy không dễ "lướt sóng" (nhằm chuyển nhượng giấy phép xây dựng) như chủ trương kêu gọi ban đầu.
Cuộc đua công nghệ
Nếu như chặng đường "lướt sóng" đã mạnh tay loại bỏ nhiều ứng viên không có năng lực ra khỏi các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, thì nay cuộc đua công nghệ xử lý rác thải lại bắt đầu với những NĐT mạnh vốn.
Đầu tiên phải kể đến Công ty Trisun International Developments Pty.,Ltd (Australia) và Công ty TNHH Kiên Giang, khi năm 2012, họ đã giới thiệu dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ plasma (công nghệ cao, xanh, sạch), tức khí hóa rác thải để sản xuất điện với vốn đầu tư lên tới 400 triệu USD.
Theo đó, 80% rác đi vào nhà máy xử lý rác thải sẽ được dùng công nghệ cung hồ quang ở nhiệt độ từ 7.0000C - 9.0000C (còn gọi là công nghệ plasma) để chuyển hóa thành điện, các chất cặn còn sót lại có thể tạo ra sản phẩm thứ cấp như khí tổng hợp, đá đen, đá xốp...
Thời điểm đó, chia sẻ trong buổi họp báo tại TP.HCM, ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiên Giang Composite (KGC), đại diện của Trisun ở Việt Nam, cho biết, DN sẽ kiến nghị TP.HCM, nếu được chấp thuận sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ.
Dự kiến ban đầu dự án sẽ triển khai giai đoạn 1, gồm dây chuyền có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, sản xuất 1,6 triệu kWh điện/ngày. 45% lượng điện này sẽ được sử dụng để vận hành nhà máy, 55% lượng điện còn lại sẽ được hòa vào điện lưới quốc gia.
>>Phát triển ngành điện: “Cơ chế giá là khó khăn lớn nhất
Song mới đây, ông Từ Ngọc Đức Paul, Giám đốc KGC, cho hay, có những lý do từ cả NĐT lẫn phía chính quyền TP.HCM liên quan đến mức giá thỏa thuận xử lý rác, giá mua điện và vốn đầu tư đã dẫn đến dự án chưa thể thực hiện ở thời điểm này.
Ông David Dương, Tổng giám đốc Công ty VWS cho biết, tháng 11/2014, VWS đã khởi công hạng mục đầu tiên của dự án Khu công nghệ Môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 500 triệu USD, trên tổng diện tích 1.760ha.
Dự kiến đây sẽ là nơi xử lý toàn bộ chất thải (chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, bùn cống, rác thải y tế...) cho TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với công suất 40.000 tấn rác/ngày vào năm 2020.
Dù không có giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng với những gì Công ty CP Môi trường Việt Nam làm được là đáng ghi nhận, thông qua việc khánh thành giai đoạn 1 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn không chôn lấp tại P. Hòa Khánh Nam vào ngày 27/6, dưới sự chứng kiến của đại diện 32 Sở Tài nguyên và Môi trường, dây chuyền xử lý toàn bộ rác thải không chôn lấp, không gây ô nhiễm thứ cấp, có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng đã chính thức đưa vào hoạt động với công suất 200 tấn rác/ngày.
Dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016, đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải của TP. Đà Nẵng với công suất 700 tấn/ngày.
Công ty CP Môi trường Việt Nam hoàn toàn chủ động hệ thống phân loại rác đầu nguồn, xử lý triệt để 100% chất thải rắn, không chôn lấp, đồng thời sản xuất ra nhiên liệu tái tạo.
>>Khánh thành giai đoạn I Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn
Đây là dự án cho thấy năng lực thực sự của NĐT 100% vốn nội địa, khi vượt qua hơn 50 dự án được nghiên cứu, khảo sát nhưng không đáp ứng được yêu cầu của TP. Đà Nẵng từ công nghệ, giá thành, vốn đầu tư.
Chia sẻ tại buổi lễ khánh thành dự án Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn không chôn lấp tại P. Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nêu rõ, thành phố rất kỳ vọng vào dự án này và chờ đợi nó vận hành đạt yêu cầu.
Nhân sự kiện này, đại diện lãnh đạo TP. Đà Nẵng đề nghị: "Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện về mặt pháp lý, ban hành các hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quản lý đầu tư xây dựng đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn, suất vốn đầu tư, khung giá để NĐT yên tâm hoạt động".
Tận thu điện từ rác: Có dễ?
Đốt rác lấy điện - giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang rất được khuyến khích đầu tư, nhưng liệu có dễ thực hiện?
Tháng 6/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao cho UBND TP.HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy khí hóa chất thải bằng công nghệ plasma tạo điện năng và vật liệu xây dựng từ rác.
Dự án trị giá khoảng 520 triệu USD, do Công ty Trisun Green Energy (100% vốn FDI) đầu tư, có công xuất xử lý dự kiến từ 8.000 - 10.000 tấn rác/ngày.
Trisun Green Energy ký quỹ cho ngân sách TP.HCM 5 triệu USD và tự cân đối nguồn đầu vào (từ các chủ nguồn thải) và đầu ra (bán điện và sản phẩm phụ).
>>Rác thải điện tử: Tự sát trên đống vàng
Trước đó, TP.HCM đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiên cứu xây dựng nhà máy đốt rác lấy điện với công suất 1.000 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam, công nghệ đốt rác lấy điện không khó, nhưng khó ở giá bán điện lẫn phí đốt rác còn quá thấp. Rác của Việt Nam có độ ẩm rất cao, vì thế năng suất điện thu được từ đốt rác không cao bằng các nước khác.
Vì thế, để NĐT tồn tại, bắt buộc phải đảm bảo hai điều kiện, (1) giá đốt rác là 30USD/tấn, và phải có tối thiểu 500 tấn rác/ngày; (2) có biểu giá hợp lý để căn cứ tính phí xử lý rác theo từng công nghệ, chẳng hạn như công nghệ chôn lấp, làm phân compost, công nghệ làm ra dầu, ra than...
Hiện nay, năng lượng điện gió đã được thử nghiệm nhưng cũng chưa được ứng dụng rộng rãi vào thực tế. Thế nên, nói đưa năng lượng điện từ rác vào thực tiễn là không hề dễ”, ông Tuấn lo ngại.
Mặc dù vậy, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, lại khá lạc quan: Đối với chi phí xử lý rác, thành phố có thể phân loại sơ bộ để tiết giảm 15% chi phí. Chi phí đầu tư thiết bị cũng sẽ được tiết giảm theo Nghị định 04 với rất nhiều ưu đãi về thuế, phí, vốn vay...
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định 31 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
Theo đó, quy định thời hạn hợp đồng mua bán điện giữa EVN và dự án đốt rác phát điện là 20 năm, giá điện tại điểm giao nhận điện là 2.114 đồng/kWh. Thời gian hoàn vốn cho một dự án đốt rác phát điện khoảng 10 năm. Như vậy, chi phí đốt rác không cao so với chi phí chôn lấp.
>>Lãi triệu đô từ nghề dọn rác thải tình nguyện đường cao tốc