Thị trường cháo ăn liền: Đang "nóng" trở lại?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:31, 31/07/2015
Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã đưa ra nhiều loại cháo ăn liền (CAL) như cháo tươi đóng hộp, đóng gói, cháo sấy khô đóng gói... Có phải thị trường cháo đang "nóng" trở lại?
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food), mặt hàng CAL tuy không thể so sánh với mặt hàng mỳ gói về cả doanh thu lẫn số lượng tiêu thụ, nhưng sản phẩm này đang có thị phần khá lớn, nhắm đến khách hàng là trẻ em và cả người lớn tuổi.
Thời gian qua, Công ty Liên doanh Vifon Acecook, Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro, Công ty CP Sài Gòn Food, Công ty TNHH Minh Trung, Công ty CP Yến Việt... đã cho ra đời nhiều loại CAL từ giá bình dân đến cao cấp.
Ngay như nhà bán lẻ Co.opmart, trước đây chỉ có mỗi nhãn hàng riêng được gia công từ Saigon Food thì nay đã có thêm nhiều loại cháo sấy khô được sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm Bích Chi.
Báo cáo kết quả kinh doanh 2014 của Masan Consumer cho thấy, tuy không nằm trong danh sách những thương hiệu mạnh, có quy mô doanh số trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2014 như Chin-su, Vinacafe, Kokomi, Wake-up, Omachi, Nam Ngư, nhưng mặt hàng cháo, cụ thể là cháo Bfast và cháo Komi trong mảng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer được ghi nhận tăng trưởng tốt, góp phần đem đến 35% tổng doanh thu cho Công ty.
Tuy không tiết lộ cụ thể nhưng bà Lâm cho hay, nếu so với năm 2013, doanh thu mặt hàng cháo của Saigon Food đã tăng gấp 5 lần vào năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2015, con số này tiếp tục tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2014.
Ngoài các mặt hàng cháo với thương hiệu Saigon Food, những loại cháo sản xuất theo nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của Công ty.
Theo bà Lâm, do các loại CAL của Saigon Food có những đặc thù riêng so với các loại cháo sấy khô đóng gói hay cháo đóng lon trên thị trường về giá trị dinh dưỡng lẫn giá bán nên thời gian tới, Saigon Food sẽ định vị đây là cháo tươi chứ không còn là CAL chung chung nữa.
Tháng 5/2015, khi Công ty CP Kinh Đô ký hợp tác liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong đầu tư xây nhà máy 30 triệu USD sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại KCN VSIP Bắc Ninh với tỷ lệ cổ phần Kinh Đô 49% và Saigon Ve Wong 51%, thị trường đã rộ lên nhiều dự đoán về độ sốt của các mặt hàng FMCG.
Bởi, theo kế hoạch, khi nhà máy đi vào hoạt động, sau giai đoạn sản xuất mỳ gói, sẽ đến giai đoạn sản xuất cháo, nui, phở.
Nếu như chuyện hợp tác giữa Kinh Đô và Saigon Ve Wong được dự báo sẽ tạo đột phá đối với ngành FMCG thì tại phân khúc CAL, Công ty TNHH Minh Trung lại được xem là điểm sáng của các mặt hàng cháo, khi đang sở hữu nhà máy 7 triệu USD, sản xuất hơn 20 loại CAL đóng lon (cháo sen bát bửu, cháo sen long nhãn, cháo đậu đỏ...).
Hiện DN này có 55 nhà phân phối tại miền Bắc, 22 nhà phân phối ở miền Trung và 40 nhà phân phối ở miền Nam.
Ngoài tiêu thụ trong nước, CAL của Minh Trung còn xuất sang Nhật, một số nước châu Âu, Trung Quốc, Canada, Thái Lan, Úc... với doanh thu trung bình mỗi năm 400 tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh thu đem về từ CAL là không nhỏ. Song, trước sự cạnh tranh của thị trường đang ngày càng gay gắt, không phải DN nào cũng tự tin sẽ "toàn thắng".
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, cho biết, dù Công ty có doanh thu bình quân gần 320 tỷ đồng/năm, trong đó 50% sản lượng xuất khẩu nhưng ở thị trường nội địa vẫn gặp khó khăn.
Hiện Bích Chi có 46 nhà phân phối nhưng các nhà phân phối này còn bán hàng cho 97 nhà bán lẻ. Cụ thể, ở mỗi tỉnh, Bích Chi có từ 1 - 2 nhà phân phối với 1 - 2 nhân viên bán hàng.
"Thế nên, khi các nhà bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, DN trong nước sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Và dù rất cố gắng đưa sản phẩm Bích Chi vào hệ thống Lotte Mart nhưng sau hai năm doanh số từ hệ thống này cũng không đáng kể. Thời gian gần đây, chúng tôi tiến hành đa dạng hóa mặt hàng, trong đó có cháo.
Theo kế hoạch, cuối năm nay, giai đoạn 1 nhà máy sản xuất có giá trị đầu tư 60 tỷ đồng tại Đồng Tháp đi vào hoạt động với công suất 1.800 - 2.400 tấn sản phẩm/năm (gồm nhiều dòng sản phẩm) sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho Công ty. Tuy nhiên, để tồn tại, chúng tôi phải tăng cường hệ thống bán hàng đến các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều tiềm năng giúp DN phát triển" ông Bình cho hay.
>Cháo ăn liền: Món "ngon" mới của FMCG
>Nestle Ấn Độ bị kiện bán mỳ ăn liền chứa hàm lượng chì cao