Thương hiệu Việt: Nuôi nội lực, vươn ra biển

Xu hướng - Ngày đăng : 01:43, 31/07/2015

Tham vọng mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, các năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, nâng tầm chất lượng sản phẩm, định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp.
Thương hiệu Việt: Nuôi nội lực, vươn ra biển

Tham vọng mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới, các năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, nâng tầm chất lượng sản phẩm, định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp.

Đọc E-paper

Nhiều thương hiệu Việt Nam tự định vị ở phân khúc cao cấp và đang cố gắng tạo đột phá để góp mặt trong "sân chơi" toàn cầu.

Tham vọng lớn

Cách đây 5 năm, khi thương hiệu CAO Fine Jewellery ra đời, bà Cao Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Công ty CP Vàng - Bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ: "PNJ sẽ xây dựng được những nhãn hiệu trang sức cao cấp đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng thế giới".

Vì vậy, ngay khi chọn đặt tên cho thương hiệu CAO, PNJ nhắm đến hai mục đích: Ý nghĩa và dễ phát âm. Bà Dung giải thích: "CAO với nghĩa là "cao quý”, "cao sang", "cao cấp". CAO nằm trong chiến lược vươn tầm thế giới nên thương hiệu phải dễ phát âm, dễ đọc".

Với định vị nữ trang bằng vàng và đá quý cao cấp, có giá từ vài chục triệu đến vài tỉ đồng, PNJ đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho thương hiệu này, nhất là khoản thuê mặt bằng và thiết kế cửa hàng thật sang trọng và nằm ở vị trí... vàng.

Từng gia công cho những hàng hiệu thế giới như Prada, United Colour, mang hoài bão sẽ có một ngày Trung tâm Thời trang Gosto xuất hiện tại kinh đô thời trang Ý, Pháp và nhiều quốc gia khác nên chủ nhân của nó đã đem hết kinh nghiệm "gia công hàng hiệu" để làm ra những đôi giày nhãn hiệu Gosto.

Vưu Lệ Quyên - người sáng lập thương hiệu Gosto cho biết: "Khi xây dựng Gosto, tôi muốn nhắm đến thị trường nước ngoài, vì vậy tôi chú trọng đến ý nghĩa ẩn bên trong tên gọi này, như chữ "S" là hình ảnh đất nước Việt Nam, còn "Go to" là hướng ra thế giới".

>>"Chữ S là hình ảnh Việt Nam, GO TO là hướng ra thế giới"

Cũng như nhiều hàng hóa khác, đem thương hiệu Trung Nguyên đến thị trường Mỹ là giấc mơ của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Nguyên Vũ cho rằng, chỉ có cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu toàn cầu thì Trung Nguyên mới có thể thành công ở thị trường thế giới.

Để thực hiện chiến lược này, Trung Nguyên chọn bước đi đầu tiên là thị trường ASEAN, sau đó tiến vào thị trường Mỹ với việc mua lại một số nhà máy rang xay cà phê, đồng thời mở cửa hàng ở một số thành phố như Seattle, New York, Boston...

Tương tự, khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Huỳnh Cẩm - Chủ tịch Công ty Thép Cẩm Nguyên, cũng ấp ủ giấc mơ xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và tự tin đặt tên cho thương hiệu gạo của mình là Kim Trường Xuân.

Ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thành lập công ty lúa gạo với hệ thống nhà máy sấy và xay xát gạo hiện đại có công suất một ngày tới 580 tấn, riêng nhà kho có quy mô trên 6ha.

Hay như Kềm Nghĩa, sau nhiều năm thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước, ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Kềm Nghĩa lên chiến lược định vị thương hiệu ở phân khúc cao hơn để vươn ra thị trường thế giới.

Đường đến ước mơ

Lúc đầu ông Tuấn mở công ty tại nhà và làm theo mô hình gia đình, bán hàng trên mạng. Nhưng như vậy sẽ không xây dựng được thương hiệu một cách chuyên nghiệp, nên năm 2012, Kềm Nghĩa chấp nhận chi 500.000 USD để thuê CEO, thuê nhân sự, lập văn phòng.

Tuy nhiên, theo đại diện Kềm Nghĩa, để tạo được thương hiệu tại Mỹ, Ban giám đốc Kềm Nghĩa nhận ra phải trực tiếp làm thương hiệu, tăng hệ thống nhận diện thương hiệu tại đây. Vì vậy năm 2014, Kềm Nghĩa bắt đầu làm thương hiệu ở Mỹ bằng cách xây dựng 30 đại lý trên 14 tiểu bang, mở showrroom và tăng cường tiếp thị ở các tiệm nail.

Với chiến lược này, Kềm Nghĩa đã từ chối gia công cho các chuỗi cửa hàng làm nail, mặc dù đây là nguồn doanh thu không nhỏ. Kế hoạch từ nay đến 2020, Kềm Nghĩa vẫn tập trung xây dựng thương hiệu tại thị trường Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc.

>>Kềm Nghĩa "chạm" vào ngành nail ở Mỹ

Sau 10 năm nỗ lực, Gosto đã chinh phục được thị trường trong nước và xuất hiện tại các trung tâm thương mại lớn, cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như Louis Vuitton, Gucci, Channel, Cartier, Burberry...

Vưu Lệ Quyên tâm sự: "Dù đã thành công bước đầu tại thị trường trong nước và rất vui vì có một số khách hàng mua sản phẩm của Gosto đem bán ở nước ngoài, nhưng khi quyết định đem thương hiệu ra thế giới thì phải tính toán kỹ nội lực. Song, quan trọng nhất là khi nào nhiều người dân Việt Nam tin tưởng Gosto và yêu thích thương hiệu này thì tôi mới thực hiện ước mơ "xuất ngoại".

Để hiện thực hóa ước mơ, Lệ Quyên có kế hoạch đi học một số khóa thiết kế về túi xách, giày dép ở Ý, Pháp, Anh. Gosto còn hợp tác với nhà thiết kế người Pháp đã từng làm việc tại hãng thời trang Channel để tư vấn và cho ra đời những sản phẩm ngày càng cao cấp.

"Mỗi sản phẩm của Gosto đều được tuyển chọn kỹ lưỡng từ chất liệu, thiết kế, gia công. Các mẫu giày dép mới chỉ sản xuất từ 60 - 100 đôi, các mẫu túi xách cũng được sản xuất với số lượng có hạn, mỗi năm chỉ tung ra vài bộ sưu tập", Lệ Quyên cho biết.

Khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Bloomberg, ông Nguyên Vũ tuyên bố sẽ đưa Trung Nguyên sang Mỹ, mua nhà máy cà phê rang xay và mở cửa hàng ở Seattle, Boston và New York. Trước đó nhiều năm, Trung Nguyên đã đẩy mạnh nhượng quyền thương mại ở Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore và Trung Quốc.

Tại thị trường trong nước, Trung Nguyên đã không ngừng đầu tư hình ảnh thương hiệu thông qua việc xây dựng các quán cà phê cao cấp. Cơ sở để Trung Nguyên tự tin vươn ra thế giới là số lượng người mua cà phê Trung Nguyên ngày càng tăng.

>>Trung Nguyên và thông điệp yêu nước

Theo một nghiên cứu thị trường vào năm 2012, có hơn 17 triệu người uống cà phê Việt Nam đã mua cà phê Trung Nguyên, với trị giá hơn 11 triệu đô la (64,71%).

Với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm tiếp tục được duy trì ở mức 37%, đến cuối năm 2016, dự kiến doanh thu của Trung Nguyên sẽ đạt 1 tỷ USD. Từ đây đến cuối năm Trung Nguyên sẽ mở thêm 200 cửa hàng cà phê, đồng thời thực hiện kế hoạch đưa Công ty lên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế để chuẩn bị vốn cho kế hoạch xây dựng thương hiệu cà phê toàn cầu trong vòng 10 năm tới.

Ở lĩnh vực thời trang, để chuẩn bị vào thị trường Mỹ, trước đó nhiều năm, Công ty Thời trang Việt (thương hiệu Ninomaxx) đã mở cửa hàng tại Campuchia, sau đó phát triển hệ thống phân phối tại Australia.

Song song đó, để củng cố thương hiệu trong nước, năm 2006, Ninomaxx đã mở rộng hệ thống phân phối, và năm 2013 cải tổ chiến lược sản phẩm, kênh phân phối bằng việc xây dựng chuỗi cửa hàng one-stop có quy mô lớn, đa dạng sản phẩm cho nhiều phân khúc khách hàng.

Đây cũng là tiền đề để Ninomaxx đón đầu cạnh tranh với những nhãn hiệu thời trang ngoại đang đổ về Việt Nam và tạo đà thâm nhập vào thị trường các nước có ngành thời trang phát triển", ông chủ Thời trang Việt chia sẻ.

LỮ Ý NHI