10 thành phố tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 07:55, 02/08/2015
Khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chuyển đổi nền kinh tế bằng cách khuyến khích tiêu dùng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thì các doanh nghiệp cũng mau chóng tìm đến những "vùng đất mới" hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.
Hãng tin CNBC trích một báo cáo mới đây của Economist Intelligence Unit (EIU) - Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist giới thiệu 10 thành phố có nhiều tiềm năng phát triển nhất ở Trung Quốc dựa trên những chỉ tiêu tăng trưởng bao gồm: GDP, dân số và thu nhập.
EIU cho biết: "Xét ở cấp độ khu vực, các thành phố ở khu vực miền Trung Trung Quốc có sức tăng trưởng mạnh nhất nhờ vào chủ trương di dời các khu công nghiệp và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Ngược lại, những thành phố phía Đông Bắc lại đang phải đối mặt với khó khăn về nhân khẩu học và những yếu kém của nội tại nền kinh tế".
Dưới đây danh sách của EIU theo thứ tự từ trên xuống dưới:
1. Quý Dương
Đứng đầu bảng xếp hạng là thành phố Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu - nơi nghèo nhất ở Trung Quốc.
Theo EIU, Quý Dương vốn đã được định hướng trở thành trung tâm dữ liệu hàng đầu chuyên về Big Data (dữ liệu lớn) của Trung Quốc, nhờ vào hoạt động đầu tư của các tập đoàn viễn thông nhà nước và một số nhà đầu tư tư nhân - trong đó có "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba.
Ảnh: Feng Li/Getty Images |
Thành phố này cũng là một trong những nơi có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất tại Trung Quốc, ước tính khoảng 38% vào năm 2014. Báo cáo nhấn mạnh: "Quý Dương có khả năng "bứt phá" thành một biểu tượng thành công, hơn là nơi nổi tiếng từ những câu chuyện ma rùng rợn".
2. Tương Dương
Bảng báo cáo cũng đánh giá thành phố lớn thứ hai của tỉnh Hồ Bắc này đã thu hút nhiều nhà đầu tư hơn so với trước kia nhờ vào lợi thế vị trí địa lý, nguồn lao động giỏi có sẵn, cùng những ưu đãi về cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ mang tính chiến lược của chính phủ.
Ảnh: Zihanzor/Wikipedia |
Chính quyền thành phố Tương Dương cũng đã cho xây một khu công nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tại tỉnh Thâm Quyến chuyển nhà máy sản xuất sang Tương Dương.
Hành động này nằm trong kế hoạch tăng cường mối quan hệ giữa thành phố với các tỉnh khác, đặc biệt khi Trung Quốc đang có chủ trương phát triển nơi này thành nơi thay thế thành phố Trùng Khánh - vốn đang "bận rộn" với dự án đường sắt Yuxinou dự định bắt đầu từ Trùng Khánh đến thành phố Duisburg cho mục đích vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu thông qua khu vực Trung Á.
3. Hành Dương
Được ví như "hòn ngọc sáng phía Nam Trung Quốc", Hành Dương là thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Hồ Nam có tốc độ tăng trưởng đầu tư cao thứ hai cả nước (giai đoạn 2008 - 2013).
Ảnh: Shutterstock /Club4traveler |
Hành Dương có nhiều quỹ đầu tư phục vụ cho mục đích tăng cường chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất đèn LED.
Mới đây, nhà sản xuất và lắp ghép sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới Foxconn (Đài Loan) vừa trở thành nhà đầu tư chính của Hành Dương khi quyết định xây dựng một khu công nghiệp tại thành phố này.
4. Trùng Khánh
Là một trong số ít những cái tên còn "trụ vững" trong danh sách mới nhất của EIU, thành phố nằm phía Tây tỉnh Trùng Khánh này vẫn luôn nhận được triển vọng tăng trưởng lạc quan hơn so với những nơi khác.
Ảnh: Getty Images |
EIU phân tích: "Mặc dù Chiến lược phát triển phía Tây (vốn được Trung Quốc ủng hộ từ những năm 2000) giờ đây đã dần bị thay thế bởi kế hoạch "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng sau cùng các thành phố thuộc khu vực phía Tây Trung Quốc vẫn hưởng lợi nhờ vào dự án phát triển mạng lưới giao thông thúc đẩy liên kết khu vực châu Á với các nước láng giềng".
Bên cạnh các hành động của chính quyền thành phố nhằm kết nối các tỉnh phía Nam tới khu vực Đông Nam Á, thì tuyến đường sắt cao tốc Yuxinou - dự kiến xuất phát từ Trùng Khánh - cũng sẽ được hoàn thành trong vài năm tới.
5. Giang Tô
Thành phố thuộc tỉnh Giang Tô được kỳ vọng trở thành khu vực gia tăng dân số đô thị cao nhất Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 3,2% đến năm 2019, theo dự báo của EIU.
Ảnh: Sunyansong.com |
Báo cáo này cũng chỉ ra, mặc dù thành phố vẫn còn kém phát triển so với những khu đô thị hóa khác ở tỉnh Giang Tô, nhưng nhờ lợi thế thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng sẽ biến nơi này thành một điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
Mức chi tiêu bình quân đầu người cho mục đích tiêu dùng của thành phố này tăng trưởng khoảng 8,4%.
6. Hoài Nam
Hoài Nam là thành phố có nguồn tài nguyên dồi dào thuộc tỉnh An Huy và hiện đang được chính phủ đẩy mạnh trong nỗ lực đa dạng hóa từ sản xuất năng lượng sang sản xuất chế tạo.
Ảnh: ChinaFotoPress/Getty Images |
"Sự bùng nổ xuất khẩu của Hoài Nam chủ yếu nhờ vào lĩnh vực dệt may, sản xuất thiết bị, đặc biệt là các thiết bị điện tử tiêu dùng mà trước kia vốn chỉ sản xuất ở các vùng duyên hải lân cận", EIU cho biết.
7. Hoài Bắc
Là một trong những cơ sở năng lượng quan trọng nhất của Trung Quốc (nắm giữ hơn 35 triệu tấn trữ lượng than đá), thành phố Hoài Bắc được chính quyền tỉnh An Huy cho xây dựng trên núi Xiangshan, và được chọn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thông đường sắt kết nối các tỉnh hai miền Đông - Bắc.
Thành phố này cũng là nơi công ty than lớn nhất của Trung Quốc - Huaibei Mining - đặt trụ sở.
8. Chu Châu
Ảnh: ChinaFotoPress/Getty Images |
Thành phố Chu Châu là một phần của Tam giác vàng Trường - Chu - Đàm, nơi được chọn phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh Hồ Nam. Đây cũng là một trong những khu vực đầu tiên đi theo hướng phát triển ngành công nghiệp nặng vào thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc nhiều vào máy móc và ngành sản xuất hóa chất từ những thập kỷ trước đã khiến Chu Châu lọt vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc, mặc dù các quan chức nơi này hy vọng với định hướng mới tập trung vào lĩnh vực dịch vụ sẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố trong tương lai.
9. Trịnh Châu
Ảnh: Jodie Roche/Chinesewhispers |
Tọa lạc ở lưu vực sông Hoàng Hà, thành phố Trịnh Châu được nhiều người biết đến như là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc, nơi từng là thủ đô của triều đại nhà Thương và hiện tại đã trở thành một thành phố công nghiệp với 9 triệu dân.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở khu vực này tăng trưởng với tốc độ lên đến 53% hàng năm, đứng thứ hai dựa trên bảng xếp hạng của EIU.
10. Thành Đô
Là thành phố của tỉnh Tứ Xuyên, Thành Đô nổi lên như là một điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây nhờ vào vị trí địa lý dễ tiếp cận với thị trường rộng lớn phía Tây.
Thị trưởng của Thành Đô đã nắm lấy cơ hội này và ra sức kêu gọi nhiều công ty có tên trên tạp chí Fortune 500 đầu tư vào thành phố với mục đích tạo cơ hội việc làm, tăng lương cho người lao động.
Ảnh: Chinadaily |
Hiện một số công ty công nghệ nổi tiếng như Intel, Dell và Texas Intrustment cũng đã mở chi nhánh tại đây.
>“Hậu” Bạc Hy Lai, Trùng Khánh đầm đìa nợ công
>Trung Quốc đã có tuyến đường sắt chở hàng tới châu Âu