Giải bài toán khó cho hoạt động du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 06:46, 11/08/2015
Trong báo cáo tác động năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã xếp Việt Nam đứng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, về mặt năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 75/141 nước được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng mới đây, trong khi Singapore xếp thứ 11, Malaysia xếp thứ 34, Thái Lan xếp thứ 43. Điều đáng lo ngại là mức độ cạnh tranh của Việt Nam còn có thể xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới.
Đọc E-paper
Chính sách visa làm cản ngại phát triển
Cũng theo công bố của WEF, chỉ số phát triển bền vững trong hoạt động du lịch của Việt Nam đang ở vị trí báo động là 132/141. Kết quả này phần nào phản ánh thực trạng lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm sút suốt một năm qua với con số xấp xỉ 10%.
Trong khi đó, Indonesia và Campuchia là hai nước có mức tăng trưởng du khách thuộc hàng trung bình ở Đông Nam Á vẫn đạt mức tăng du khách từ 7 – 8%. Theo nhận xét của các tổ chức quốc tế thì sự gia tăng sức ép cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, hiệu ứng tác động của công nghệ truyền thông, hàng không giá rẻ, đặc biệt là mô hình và cơ chế quản lý hiện đại trong chuỗi giá trị toàn cầu đều làm cho tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn.
Đầu tiên, nguyên nhân trực tiếp gây giảm sức cạnh tranh có thể kể đến chính sách visa. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chính sách visa là một trong các chính sách có tác động lớn nhất đến dòng chảy du lịch quốc tế. Để tăng khả năng cạnh tranh, nhiều nước, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á đã và đang từng bước mở rộng chương trình miễn visa.
Nếu vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần visa khi đi du lịch thì con số này đã giảm xuống 60% vào năm 2013. Thái Lan miễn visa và lệ phí visa cho công dân đến từ 61 quốc gia, Malaysia miễn lệ phí visa cho 155 quốc gia, Singapore miễn visa cho công dân của 150 quốc gia.
Hai tháng trước Indonesia cũng miễn visa thêm cho công dân của 25 quốc gia, nâng số nước có công dân được miễn visa đến Indonesia là 45 nước. Như vậy Việt Nam trở thành nước có chính sách thị thực khó khăn hàng đầu trong khu vực khi chỉ miễn visa cho công dân của 22 nước và vẫn giữ mức phí cấp visa cao thứ nhì châu Á (khoảng 70 USD).
Một báo cáo được công bố bởi UNWTO và WTTC nhấn mạnh rằng Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch đến tăng từ 8% đến 18% nếu tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp visa, đặc biệt là cho những thị trường lớn tập trung lượng khách du lịch có chi tiêu cao và những thị trường có hoạt động thương mại – đầu tư sôi động.
Du khách đến từ các thị trường ở xa thường có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến trong chuyến đi. Tuy nhiên, thủ tục visa bất tiện nhất khu vực cộng với chi phí cao làm cho nhiều người từ bỏ ý muốn đến thăm Việt Nam.
Phần lớn các lần làm thủ tục thị thực tại TP. Hồ Chí Minh có thời gian chờ từ 39 phút lên đến 2,5 giờ với hơn mười văn bản giấy tờ cần xác nhận. Trong khi đó, khách đến Lào và Campuchia chỉ cần đến cửa khẩu thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền mặt hoặc trên trang web để có thị thực, không cần điền đơn hoặc trả lệ phí nhập cảnh trước khi du lịch.
Indonesia thu lệ phí thị thực khi đóng dấu vào hộ chiếu. Myanmar hiện cũng có hệ thống E-visa trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng rất nhanh chóng và dễ dàng.
Một hạn chế khác, công dân của một quốc gia được miễn visa đến Việt Nam sau khi rời nước ta sẽ không thể quay trở lại trong vòng 30 ngày nếu không được cấp visa hợp lệ.
Theo ông Kenneth Atkinson, Giám đốc Công ty Grant Thornton, quy định này đang gây ra nhiều phiền toái cho các đại lý du lịch cũng như những du khách muốn thực hiện các chuyến đi kết hợp đến các nước như Campuchia, Lào và Myanmar trong vòng hai hoặc ba ngày, tận dụng đường bay nối tiếp giữa các quốc gia này.
Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ cho phép du khách từ các nước miễn visa được tái nhập cảnh trong vòng tối đa từ 5-7 ngày song đề nghị này vẫn chưa được quan tâm.
Về loại hình thị thực quá cảnh, Việt Nam cũng đang đi sau nhiều nước. Gần đây Trung Quốc đã cho phép du khách từ 51 quốc gia nhận được thị thực quá cảnh trong vòng 72 giờ, nhờ vậy du khách có thể đi vào các thành phố và các vùng xung quanh Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang đề xuất cho phép triển khai loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế trong thời gian 120 tiếng.
Cần quan tâm đến bài toán đầu tư vào tiếp thị
Ngoài vấn đề visa, hoạt động marketing quốc tế của du lịch Việt Nam cũng luôn là đề tài được các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nói đến nhiều nhất trong các buổi hội thảo.
Từ năm 2011, chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu (ESRT) tài trợ đã hỗ trợ Tổng cục Du lịch trong việc xây dựng tiến trình marketing chiến lược thực tế theo định hướng hành động. Theo đó, kế hoạch này xác định phương hướng, các ưu tiên và chi tiết cho các hoạt động marketing du lịch Việt Nam từ trung đến dài hạn.
Trong khuôn khổ chương trình, Đề xuất chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 và kế hoạch hành động 2013-2015 đưa ra được chiến lược quảng bá bài bản và thực tế vì đúc kết từ nhiều cuộc điều tra và phân tích thị trường có giá trị. Tuy nhiên, để chiến lược này có thể thực hiện thì cần sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính phủ mà yếu tố không thể thiếu là ngân sách.
Những năm qua, ngân sách dành cho marketing quốc tế của ngành du lịch Việt Nam luôn chỉở mức 1,5 triệu USD trở lại. Không so sánh với Singapore, Malaysia hay Thái Lan với con số trên dưới trăm triệu USD, ngay cả Indonesia với lượng khách quốc tế hằng năm chỉ hơn Việt Nam vài triệu cũng chi cho quảng bá quốc tế từ 8-10 triệu USD/năm.
Những chuyên gia thực hiện Đề xuất chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020 và kế hoạch hành động 2013-2015 đưa ra bài toán: giả sử chiến lược marketing này được hỗ trợ tài chính và thực hiện hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư cho hoạt động marketing quốc tế theo tính toán là 7 triệu USD sẽ có thể giúp Việt Nam tăng thêm khoảng 2,2 triệu du khách vào năm 2016.
Với mức chi tiêu bình quân 115 USD/khách hiện nay, như vậy năm 2016 ngành du lịch sẽ có thêm 253 triệu USD từ du khách. Ước tính khoảng 20% chi tiêu của du khách quay lại chính phủ dưới hình thức thuế và lợi nhuận ngành du lịch thì lợi ích trực tiếp tính trên 7 triệu USD đầu tư vào marketing quốc tế chuyên nghiệp sẽ là 50 triệu USD, vào khoảng 7 USD lợi tức thu lại trên 1 USD đầu tư vào marketing quốc tế. Với mức đóng góp vào GDP lên đến 5% của ngành du lịch, con số 7 triệu USD dành cho quảng bá là đòi hỏi hết sức hợp lý.
Gần đây, Tổng cục Du lịch và Hội đồng Tư vấn Du lịch đang cùng lên kế hoạch tiếp thị tập trung vào các thị trường quan trọng. Vào tháng 5 vừa qua, Tổng cục Du lịch và Hội đồng Tư vấn Du lịch đã chính thức mở thầu để chọn ra một đơn vị marketing kỹ thuật số nhằm thực hiện chiến dịch tiếp thị trực tuyến.
Việc thực hiện theo lộ trình, cột mốc thời gian định sẵn đòi hỏi sự bổ nhiệm một đơn vị chịu trách nhiệm chính vào cuối tháng 6/2015 và giới thiệu chiến dịch tại London ở Hội chợ Du lịch Thế giới (World Travel Market) vào tháng 11/2015. Đến nay, việc chọn đơn vị marketing kỹ thuật số vẫn chưa công bố, nguy cơ chậm trễ tại Hội chợ Du lịch Thế giới là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thời gian sắp tới, Đông Nam Á vẫn được đánh giá là điểm sáng hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới. So với các nước trong khu vực tiếp tục có nhiều hành động cụ thể để tận dụng cơ hội phát triển, Việt Nam đang bỏ phí quá nhiều tiềm năng.
(*) Số liệu lấy từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kỳ giữa 2015, UNWTO, WEF, WTTC (diễn đàn các nhà lãnh đạo của 100 công ty du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới).