Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón "sóng" 7-Eleven

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:34, 13/08/2015

Sự xuất hiện của 7-Eleven liệu có "chắp cánh" cho ngành bán lẻ, đặc biệt là mô hình cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam?
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Đón

Sau nhiều năm lần lữa, cuối cùng, 7-Eleven, thương hiệu cửa hàng tiện lợi (CHTL) có số lượng lớn nhất toàn cầu đã công bố chính thức bước vào thị trường đông dân thứ 13 trên thế giới - Việt Nam. Sự xuất hiện của 7-Eleven liệu có "chắp cánh" cho ngành bán lẻ, đặc biệt là mô hình CHTL tại Việt Nam?

Đọc E-paper

Sau Ministop, FamilyMart đến lượt 7-Eleven thâm nhập thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện sắp tới của 7-Eleven sẽ khiến cho kênh CHTL tại Việt Nam tuy mới phát triển nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt.

Cuối tháng 7, Công ty Seven System Vietnam Co., đơn vị đang sở hữu chuỗi cửa hàng Pizza Hut đã ký kết với Seven Eleven Ink tại Nhật để đưa mô hình CHTL 7- Eleven về Việt Nam.

Theo kế hoạch, cửa hàng đầu tiên sẽ mở tại TP.HCM vào 2017, 3 năm sau đó, số lượng cửa hàng sẽ được nâng lên 100 và trong vòng 10 năm, số cửa hàng là 1.000.

Việc hợp tác với Công ty Seven System Vietnam Co. đánh dấu sự trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của 7-Eleven kể từ khi thương hiệu này có mặt tại Indonesia từ năm 2009 và Việt Nam là thị trường thứ 18.

Hiện tại, bên nhận nhượng quyền vẫn chưa có những tiết lộ chính thức về hợp đồng nhượng quyền này, song, theo trang Entrepreneur.com, khi nhận nhượng quyền thương hiệu 7-Eleven, Seven System Vietnam Co. phải trả phí dao động từ 10.000 - 1.000.000 USD, chi phí đầu tư để mở cửa hàng từ 37.200 - 1.635.200 USD...

Đó là chưa kể các khoản phí khác mà bên nhận nhượng quyền phải trả cho bên nhượng quyền trong suốt quá trình hoạt động (chẳng hạn phí marketing).

Để thực hiện nhượng quyền 7-Eleven, bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính như: phải có tài sản đảm bảo từ 100.000 - 250.000 USD và tài khoản tiền mặt từ 50.000 - 150.000 USD.

Như vậy, sự có mặt của 7-Eleven đã hiện thực hóa thông tin thương hiệu bán lẻ đang có 56.400 cửa hàng trên thế giới này "sẽ xuất hiện ở thị trường Việt Nam hồi năm 2009" đồng thời, đánh dấu sức hút của thị trường bán lẻ Việt nam đối với những thương hiệu lớn trên thế giới.

Theo hãng kiểm toán Deloite, mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ thể hiện ở 90 triệu dân mà còn ở tốc độ đô thị hóa ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Đáng chú ý, năm 2014, TP.HCM được xếp vào top 10 thành phố hàng đầu châu Á để mở rộng bán lẻ. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định dù kinh tế khó khăn, theo đó, doanh số bán lẻ tăng 60% trong giai đoạn 2009 - 2013 và dự báo đạt 109 tỷ USD vào năm 2017.

Đánh giá về sự góp mặt của 7-Eleven, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Aeon - Citimart cho biết, thông tin về sự xuất hiện của 7 Eleven khiến nhiều người trong giới bán lẻ, đặc biệt là kinh doanh mô hình CHTL lo lắng vì đây là thương hiệu lớn.

Nhưng "7-Eleven cũng chỉ là một hệ thống trong số những thương hiệu kinh doanh tại Việt Nam. Trong chuỗi CHTL, doanh nghiệp nào mạnh hơn về tài chính, tổ chức tốt hơn thì giữ được khách hàng. Mô hình kinh doanh siêu thị đã chứng minh điều đó. Trong nước, Co.opmart có thương hiệu tốt, được nhiều người ưa chuộng nhưng Big C, Maximark, Lotte hay Aeon - Citimart cũng có khách hàng riêng", bà Ánh Hoa chia sẻ.

Sự tham gia thị trường bán lẻ của 7-Eleven càng chứng tỏ hình thức bán lẻ hiện đại (đại siêu thị, siêu thị, CHTL) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam.

Thống kê của Nielsen Việt Nam cho thấy, có đến 34% người tiêu dùng mua sắm tại đại siêu thị và 29% tại siêu thị thường xuyên. Có 22% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các CHTL.

Ông Vaughan Ryan - Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam cho rằng, mô hình CHTL sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Bởi hiện nay, số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng tại Việt Nam vẫn rất lớn và vượt xa nhiều nước.

Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 69.000 người/cửa hàng thì tại Philippines là 36.000 người/cửa hàng, Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng, Thái Lan là 5.556 người/cửa hàng, Hàn Quốc là 1.835 người/cửa hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Kigure Takahiko - Giám đốc Điều hành chuỗi FamilyMart cho biết, Việt Nam với 90 triệu dân nhưng chỉ có 400 CHTL trong khi Thái Lan chỉ 60 triệu người nhưng đã có đến 10.000 cửa hàng.

Hơn thế, Nhật Bản có đến 50.000 cửa hàng cho 130 triệu người. "Quy mô thị trường Việt Nam lớn hơn Thái Lan và trong 10 năm nữa, số lượng CHTL có thể đạt trên 15.000 trên toàn quốc", ông Kigure Takahiko dự báo.

Trong báo cáo của một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới ResearchandMarkets về "Dự báo thị trường CHTL tại khu vực châu Á đến năm 2020", nhìn nhận, mô hình bán lẻ hiện đại sẽ dần thay thế mô hình truyền thống, chính điều này đã dẫn đến sự phổ biến của mô hình CHTL tại thị trường châu Á.

Báo cáo chỉ rõ, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore tiếp tục là những thị trường bán lẻ tốt nhất châu Á.

Trong khi đến năm 2020, ngành bán lẻ của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Hong Kong phát triển với tốc độ nhanh chóng, cung cấp nhiều cơ hội cho những thương hiệu CHTL phát triển. Lawson Inc., FamilyMart Co.Ltd, 7-Eleven Inc. và Circle K Sunkus Co.Ltd tiếp tục là những tên tuổi thống lĩnh về thị trường CHTL.

>Bán lẻ: Cửa hàng tiện lợi "so găng" tiệm tạp hóa

>Cửa hàng tiện lợi: Tiện nhiều, lợi còn khiêm tốn

>Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: Lối nào cho doanh nghiệp nội

>Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini khởi sắc

HỒNG NGA - HẢI ÂU