Lo ngại Trung Quốc, EU sẽ "siết" xuất xứ với dệt may Việt Nam
Chính sách mới - Ngày đăng : 09:19, 14/08/2015
![]() |
Bình luận về việc Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), tờ Thời báo Tài chính (Anh) cho rằng các mặt hàng dệt may vẫn có thể gây khó khăn ít nhiều cho tiến trình thực hiện.
Các nhà đàm phán EU lo ngại Trung Quốc sẽ "tranh thủ" hiệp định này để đưa hàng dệt may giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu thông qua "cửa ngõ" Việt Nam.
Theo báo này, EVFTA mở ra thêm nhiều cơ hội cho các công ty châu Âu tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, và một thị trường tiêu dùng với hơn 90 triệu dân là Việt Nam.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong vòng 5 năm tới, nhờ xuất khẩu mạnh, dân số trẻ và công nghệ phát triển nhanh.
Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 28 tỷ euro. Hiện EU đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Năm 2014, các nước EU nhập khẩu khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 22 tỷ euro từ thị trường Việt Nam.
Sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua, EVFTA sẽ giúp dỡ bỏ 99% hàng rào thuế quan trong khoảng thời gian 10 năm.
Theo Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström, hơn 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, việc mở ra hướng tiếp cận dễ dàng hơn vào thị trường phát triển nhanh như Việt Nam là một tin tốt đối với EU.
Nhiều công ty dệt may, giày dép và đồ thể thao của châu Âu lên tiếng hoan nghênh EVFTA, vì nó sẽ giúp cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa được sản xuất tại các nhà máy của họ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dệt may vẫn có thể gặp khó khăn, xuất phát từ những quan ngại rằng Trung Quốc sẽ "tranh thủ" thị trường Việt Nam như một kênh để đưa hàng hóa xâm nhập châu Âu.
Vì thế, các nhà đàm phán thương mại EU cho biết họ đã đưa ra những quy định chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để bảo đảm rằng nguyên liệu thô từ Trung Quốc phải được sản xuất bằng nguồn nhân lực tại Việt Nam trước khi tái xuất khẩu sang châu Âu.