Công nghiệp sản xuất Ấn Độ: Voi qua những lỗ kim

Bình luận - Ngày đăng : 08:58, 20/08/2015

Ngành sản xuất của Ấn Độ từng phát triển mạnh vào giữa những năm 1990. Sự suy giảm kéo dài từ đó đến nay có thể được đảo ngược?
Công nghiệp sản xuất Ấn Độ: Voi qua những lỗ kim

Ngành sản xuất của Ấn Độ từng phát triển mạnh vào giữa những năm 1990. Sự suy giảm kéo dài từ đó đến nay có thể được đảo ngược?

Đọc E-paper

Chủ tịch Foxconn đã ký biên bản ghi nhớ với Thủ hiến bang Maharashtra của Ấn Độ về việc đồng ý đầu tư 5 tỷ USD vào một nhà máy mới tại bang này. Dường như chỉ dấu này cho thấy Ấn Độ bước đầu thành công trong việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới để có thể trở thành trung tâm sản xuất của thế giới trong vòng một thập kỷ tới.

Trong các bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, cần một mô hình tăng trưởng tập trung vào sản xuất định hướng xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn và đô thị hóa. Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu thành công thì tiềm năng Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất của thế giới là rất lớn, thay thế vai trò này của Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng việc chuyển sang mô hình tăng trưởng tập trung vào sản xuất định hướng xuất khẩu là hướng đi đúng đắn cho Ấn Độ. JP Morgan đặt ra câu hỏi về việc liệu Ấn Độ có thể trở thành một quốc gia sản xuất với giá rẻ hơn so với Trung Quốc và các nước láng giềng khác như Sri Lanka và Bangladesh hay không? Mô hình tăng trưởng ở Đông Á được Nhật Bản và Trung Quốc áp dụng nhằm kích thích và duy trì sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, mô hình này lại không được áp dụng ở Ấn Độ khi quốc gia này chuyển từ nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ, bỏ qua giai giai đoạn phát triển tập trung vào sản xuất. Sản xuất chiếm chỉ 15% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ (GDP), trong khi đó dịch vụ chiếm đến 60%.

Để tìm hiểu gốc rễ của tình trạng bất ổn cần trở lại năm 1991, khi Ấn Độ mở cửa thị trường hàng hóa, nhưng thị trường đất đai, lao động và vốn không có những cải tổ tương ứng. Các nhà máy Ấn Độ cần quy mô lớn hơn và trang bị tốt hơn để cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu. Nhưng chi phí vốn, lạm phát cao gây khó khăn cho tham vọng này.

Bên cạnh đó, luật đất đai cũng gây khó dễ trong việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp hoặc cơ sở hạ tầng. luật lao động, phần lớn được viết vào những năm 1940, gây phiền hà cho chủ lao động trong việc sa thải nhân công.

Vì thế, mặc dù có nguồn nhân công khổng lồ nhưng ngành công nghiệp của Ấn Độ bị thụt lùi. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu Ấn Độ đang theo đuổi gặp phải nhiều khó khăn khi thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh. Thậm chí, Ấn Độ đang bị mắc kẹt trong ngành công nghiệp nặng, chẳng hạn như ngành công nghiệp thép nước này rơi vào tình trạng dư thừa cung trong nhiều thập niên.

Chính phủ của ông Modi rầm rộ tung ra chiến dịch "Make in India", trong đó thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách cho họ thấy những thay đổi đang diễn ra ở Ấn Độ. Gần đây nhất, Ấn Độ đã nới lỏng các quy định đối với đầu tư nước ngoài vào các dự án bất động sản và bắt đầu cải tổ hệ thống đường sắt.

Các nhà sản xuất Ấn Độ bắt đầu lựa chọn hình thức tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có uy tín. Foxconn xây dựng nhà máy ở Ấn Độ nhằm chuyển một phần sản xuất iPhone sang Ấn Độ để sớm chiếm lĩnh thị trường smartphone tiềm năng và lớn thứ 3 thế giới này với dân số hơn 1,3 tỷ người, dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2028.

Theo Golman Sachs, sẽ có thêm khoảng 110 triệu lao động Ấn Độ đến năm 2020, trong khi Trung Quốc chỉ thêm được 10% so với lực lượng hiện tại. Lương của lao động Ấn Độ trung bình chỉ bằng 30% so với lao động Trung Quốc hiện tại, các chi phí khác cũng thấp hơn rất nhiều, ví dụ, đền bù thôi việc chỉ là một tháng lương, trong khi Trung Quốc là một tháng lương và thêm mỗi năm thâm niên một tháng nữa. Đó là yếu tố mà trong tháng 3, hãng xe Ford đã mở một nhà máy sản xuất xe ở Gujarat. Trong khi đó, Volvo lên kế hoạch bán xe buýt lắp ráp ở Bangalore cho thị trường châu Âu, một nhà máy trị giá 75 triệu USD của Abbott ở tỉnh miền Tây Gujarat bắt đđầu đi vào sản xuất.

Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng một sự phục hưng trong ngành công nghiệp sản xuất tại Ấn Độ mà thiếu đi các cải cách lớn hơn. Ông Modi đã cam kết sẽ lọt vào 50 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (hiện Ấn Độ xếp thứ 142). Nhưng chương trình cải cách của ông đã bị đình trệ. Chính phủ của ông đã bị buộc phải từ bỏ những thay đổi cho một dự luật đất đai vì đối mặt với các cuộc biểu tình của người dân.

Một dự luật thuế hàng hóa và dịch vụ trên toàn quốc, thay thế cho luật bang và liên bang, vẫn còn bị mắc kẹt. Một kế hoạch để hoàn thiện luật lao động của Ấn Độ đang bị các công đoàn phản đối gay gắt... Những hòn đá tảng đã đè nặng lên sản xuất Ấn Độ từ những năm 1990 vẫn còn và trở thành những dây xích cột chân "chú voi" khổng lồ Ấn Độ. 

>Công nghiệp ôtô: Làm tiếp hay thôi?

>Naina Lal Kidwai, nữ doanh nhân thành công nhất Ấn Độ

>“Henry Ford” Trung Quốc và giấc mơ Volvo 

>Trung Quốc: Cải cách vội vàng thổi căng bong bóng tài chính

THỤY KHA