Phòng ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi B
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:56, 23/08/2015
Viêm gan siêu vi B (VGSV B) là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Ở nước ta có khoảng 8,4 triệu người nhiễm bệnh mạn tính và 23.300 người tử vong hằng năm do các biến chứng như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.
Mặc dù y học đã có thuốc đặc trị, nhưng việc điều trị bệnh lý này còn phức tạp và khó khăn. Quá trình điều trị thường kéo dài và rất tốn kém. Do đó, phòng ngừa nhiễm bệnh VGSV B là vấn đề rất được quan tâm.
Bệnh thường lây nhiễm qua: đường xuyên da (tiêm chích, truyền máu, phẫu thuật, qua vết trầy xước khi xăm mắt hay xăm môi bằng những dụng cụ không vô trùng, dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu... với người bệnh); quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh; mẹ nhiễm bệnh truyền sang con.
Biện pháp phòng ngừa bao gồm: tiêm chích vô trùng, truyền máu an toàn, mang găng tay khi tiếp xúc với máu và dịch tiết, không dùng chung đồ dùng sinh hoạt, quan hệ tình dục an toàn...
Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc-xin để tạo ra kháng thể bảo vệ.
Vắc-xin VGSV B rất an toàn và hiệu quả, hiếm khi xảy ra các phản ứng nặng (trong 1 triệu trường hợp tiêm vắc-xin thì chưa đến 1 trường hợp có phản ứng nặng). Khoảng 95% người được tiêm đúng và đủ theo lịch sẽ tạo được kháng thể bảo vệ lâu dài.
Phòng ngừa nhiễm VGSV B ở trẻ em và người lớn
Bác sĩ thường chỉ định làm 2 xét nghiệm: HBsAg (mầm bệnh VGSV B, nếu dương tính là có nhiễm bệnh), antiHBs (kháng thể bảo vệ, kết quả dương tính # 10 mIU/mL tức là đã được bảo vệ).
Kết quả xét nghiệm sẽ có những tình huống như sau:
Phòng ngừa lây nhiễm VGSV B từ mẹ sang con
Thai phụ nhiễm VGSV B có thể truyền mầm bệnh cho con trong khi chuyển dạ do trẻ tiếp xúc với máu và dịch tiết âm đạo có chứa siêu vi của mẹ. Điều đáng lưu ý là tuổi khi bắt đầu nhiễm VGSV B càng nhỏ thì tỷ lệ diễn biến thành VGSV B mạn tính càng cao.
Trẻ nhiễm VGSV B từ mẹ trong khi chuyển dạ hầu như không có triệu chứng gì, nhưng 90% trẻ này trở thành người nhiễm VGSV B mạn tính (kéo dài gần như suốt đời). Trong khi đó, tỷ lệ trở thành người nhiễm VGSV B mạn tính chỉ khoảng 10 - 20% nếu bắt đầu nhiễm bệnh từ 5 tuổi trở lên.
Tỷ lệ lây nhiễm cho con sẽ cao nếu mẹ có HBeAg (+) hay nồng độ siêu vi HBVDNA trong máu cao. HBeAg (+) là dấu hiệu cho biết siêu vi viêm gan B đang tăng sinh nhiều trong cơ thể mẹ, do đó nồng độ siêu vi trong máu rất cao.
Nếu không có biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ lây nhiễm cho con là 90% nếu mẹ có HBeAg (+), ngược lại nếu HBeAg (-) thì tỷ lệ lây nhiễm chỉ khoảng 10% (cột A của bảng dưới đây).
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm VGSV B từ mẹ sang con bao gồm: Tầm soát nhiễm VGSV B cho các thai phụ, điều trị thuốc kháng siêu vi cho thai phụ có tải lượng siêu vi cao trong 3 tháng cuối thai kỳ, tiêm ngừa vắc-xin VGSV B cho trẻ sơ sinh (kể cả trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm VGSV B) và tiêm HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) có chứa nồng độ cao kháng thể bảo vệ antiHBs cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm VGSV B.
Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế thì cần tiêm vắc-xin mũi đầu tiên cho trẻ càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh để đạt được hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm VGSV B cao, đặc biệt là các trẻ có mẹ nhiễm VGSV B. Sau đó, cần tiếp tục tiêm các mũi vắc-xin kế tiếp theo lịch để giúp trẻ tạo kháng thể bảo vệ lâu dài: Tháng thứ 1 và tháng thứ 6 sau sinh (theo lịch tiêm thông thường) hoặc tháng thứ 2, tháng thứ 3 và tháng thứ 4 sau sinh (theo lịch tiêm chủng mở rộng).
Các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm VGSV B, đặc biệt là các trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao như mẹ có HBeAg (+) hay nồng độ siêu vi HBVDNA trong máu cao, cần được tiêm thêm kháng thể bảo vệ HBIG cùng lúc với mũi vắc-xin đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh.
Các thai phụ có nồng độ siêu vi cao (HBVDNA > 1 triệu copies/mL) cần được chỉ định thêm các thuốc kháng siêu vi như Tenofovir hay Lamivudine trong 3 tháng cuối thai kỳ để làm giảm nồng độ siêu vi trong máu, từ đó giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm sang con.
Nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo, trẻ vẫn có thể được bú sữa mẹ bình thường. Khi trẻ được 12 tháng tuổi hoặc hơn, cha mẹ có thể đưa bé khám bác sĩ để kiểm tra xem bé có tạo được kháng thể bảo vệ hay có nhiễm VGSV B mạn tính hay không.
Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa trên như thế nào?
Nếu trẻ chỉ được tiêm vắc-xin trong vòng 24 giờ sau sinh mà không có phối hợp với tiêm HBIG, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con ở thai phụ nhiễm
VGSV B có HBeAg (-) giảm xuống chỉ còn khoảng 5% và tỷ lệ lây nhiễm cho con ở các thai phụ có HBeAg (+) giảm đáng kể nhưng vẫn còn khá cao, ở mức 25% (cột B của bảng trên).
Tuy nhiên, nếu phối hợp tiêm vắc-xin và HBIG trong vòng 24 giờ sau sinh thì tỷ lệ lây nhiễm cho con sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5% ở các thai phụ nhiễm VGSV B có HBeAg (+) (cột C của bảng trên).
>Phòng ngừa dị ứng để trẻ nhỏ phát triển khỏe mạnh