Cà phê Arabica: Chập chững thị trường trong nước

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:34, 25/08/2015

Do hạn chế về nguồn nguyên liệu cung ứng, công nghệ chế biến,... nên nhiều DN kinh doanh cà phê Arabica tại Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là tiêu thụ trong nước.
Cà phê Arabica: Chập chững thị trường trong nước

Do những hạn chế về nguồn nguyên liệu cung ứng, công nghệ chế biến và phương thức marketing, tiếp thị..., nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chuyên kinh doanh, phân phối cà phê Arabica tại Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là tiêu thụ trong nước. Nhưng việc tiêu thụ nội địa cũng không dễ dàng.

Đọc E-paper

Không nhiều sự lựa chọn

Chúng tôi tìm đến cửa hàng cà phê (nhỏ) của Công ty Vovo trên đường Yersin (Q.1, TP.HCM) để thưởng thức Arabica "chính hiệu Cầu Đất", một cô nhân viên pha chế khi nghe chúng tôi gọi cà phê Arabica thì ngạc nhiên bảo: "Chị uống được cà phê chua?".

Arabica thuần thường có vị chua, thanh dịu, loãng trong khi đa phần người Việt uống cà phê lại có "gu" riêng là đậm đặc, sánh, đắng, mùi nồng... Do đó, cà phê hạt lẫn cà phê rang xay của Việt Nam chủ yếu vẫn là Robusta hoặc pha trộn từ Robusta.

Chia sẻ về việc tiêu thụ cà phê Arabica, ông Đỗ Minh Tuấn, Giám đốc Điều hành Công ty CP cà phê Archcafé, cho rằng, Việt Nam không có nhiều lựa chọn cho dòng cà phê này như Indonesia, Kenya, Colombia.

Ngay như Cầu Đất, "thủ phủ” của cà phê Arabica, mỗi năm cũng chỉ cung ứng hơn 10.000 tấn là nhiều (những năm gần đây, sản lượng cà phê Arabica cả nước chỉ đạt từ 40.000 - 50.000 tấn/năm).

Trong khi đó, chỉ riêng vùng Lintong của Indonesia - nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 4 trên thế giới (năm 2014, 25% sản lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia là Arabica) cũng đã cho sản lượng 15.000 - 18.000 tấn/năm.

Sản lượng thấp, trong khi chi phí đầu tư cộng nghệ rang xay, máy móc không hề nhỏ nên sẽ không có chuyện DN tập trung tuyệt đối để phát triển hay xuất khẩu cà phê Arabica. Ngay như ArchCafé, dòng espresso mà công ty đang kinh doanh cũng chỉ để đa dạng hóa sản phẩm, mỗi tháng chỉ tiêu thụ khoảng 1.000kg.

Người tiêu dùng trong nước không chuộng vị chua thanh của cà phê Arabica và giá thành cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cà phê truyền thống nên sản phẩm của Công ty chủ yếu đi vào kênh horea (khách sạn, resort 5 sao), phòng VIP trong sân bay.

Còn đối với trường hợp của Vovo, theo tiết lộ của đại diện Công ty, họ cũng đã tiếp xúc với Starbuck để trở thành nhà cung ứng trong tương lai để có đầu ra ổn định. Song song đó, công ty sẽ mở chuỗi cửa hàng trong nước, với sản phẩm chủ lực là Arabica Cầu Đất. Theo đó, trong thời gian tới, Vovo sẽ mở cửa hàng thứ hai tại TP.HCM.

Giải bài toán vùng nguyên liệu

Để giải quyết bài toán vùng nguyên liệu, nhiều DN lớn trong ngành như Tín Nghĩa Corp. đã mở rộng quy mô và phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê ở Lào.

Xét cho cùng, việc nâng cao giá trị xuất khẩu và thương hiệu cà phê Việt Nam hiện chủ yếu thông qua đề án về quy hoạch vùng trồng để tăng diện tích cà phê Arabica, thay thế dần cà phê Robusta.

Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, tuy là DN hàng đầu trong xuất khẩu cà phê nhưng DN không phát triển dòng Arabica.

Dù Arabica là sản phẩm đem lại giá trị cao nhưng Việt Nam không đủ điều kiện về vùng trồng, muốn làm nhưng thổ nhưỡng, khí hậu không cho phép. Miền Bắc thì nhiệt độ quá lạnh.

Trước đây, Nghệ An có trồng Arabica nhưng không thành công do sương muối, cây chết. Miền Nam thì không có nhiều nơi đủ độ cao để phát triển vùng nguyên liệu này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn An - Tập đoàn Thái Hòa phân tích, cà phê Arabica Việt Nam chỉ phát triển ở những vùng có độ cao từ 1.500 - 1.600m so với mực nước biển. Giống càng thuần chủng, cây được trồng ở những vùng cao thì mới cho chất lượng hạt tốt nhất.

Hiện, Việt Nam chỉ phát triển vùng nguyên liệu Arabica được ở Cầu Đất, Khe sanh (Quảng Trị) và Điện Biên (Sơn La). Ở Indonesia, họ có vùng trồng lớn ở đảo Samutra, Sulawesia, Java...

Mới đây, Lâm Đồng cũng chọn vùng chỉ dẫn địa lý cho cây cà phê Arabica nhưng chọn vùng Lang Biang, Lạc Dương chứ không chọn Cầu Đất.

Về tính chất chung, theo ông An, khi chọn vùng chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm, người ta vẫn hay chọn những địa danh gắn liền nhưng Lang Biang nằm ở vùng Lạc Dương, nơi đây không có độ cao bằng ở Xuân Trường, Xuân Thọ (Cầu Đất) nên sức phát triển sẽ không bằng.

Cách đây hai năm, một DN Đài Loan đã chọn vùng trồng vài chục héc ta cà phê Arabica tại Lâm Hà (Lâm Đồng), họ có cho ra sản phẩm, giao dịch tại hội chợ nhưng nay đã bỏ và bán nhà máy chế biến.

Một trong những nguyên nhân được giới kinh doanh cà phê ở xứ sương mù bảo nhau là do khu vực họ trồng độ cao không đủ nên có thể ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

Để giải quyết bài toán vùng nguyên liệu, nhiều DN lớn trong ngành cũng đã chọn cách "mang chuông đi đánh xứ người". Điển hình như trường hợp của Tín Nghĩa Corp.

Theo Bà Dương Lê Ngọc Hạnh, phụ trách lĩnh vực thu mua, kinh doanh Tín Nghĩa, trong 3 năm trở lại đây, Tín Nghĩa nằm trong Top 3 đơn vị kinh doanh cà phê của Việt Nam, mỗi năm xuất khoảng 100.000 tấn cà phê.

Cho nên, để nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu, ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu, nhà máy tại Lâm Đồng, từ năm 2007, Tín Nghĩa đã mở rộng quy mô và phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê tại Lào.

Hiện tại, Tín Nghĩa đã và đang triển khai các dự án trồng và kinh doanh cà phê Arabica tại huyện Paksong, thuộc tỉnh Champasak nằm trên cao nguyên Bolaven có độ cao trung bình 1.100 m so với mực nước biển, với khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê chè (đây cũng là nơi chiếm 99% sản lượng, diện tích trồng cà phê của Lào).

Hơn 700ha cà phê Arabica tại Lào của DN này đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch. Tham vọng của Tín Nghĩa là đầu tư trồng khoảng 3.000ha cà phê và xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân ở Lào.

>Xuất khẩu Arabica thành phẩm: Giấc mơ vượt đại dương

>VinaCapital "rót vốn" cho cà phê Arabica

>Cà phê của người trẻ

>Thu mua trực tiếp cà phê: Nestlé vào cuộc

NGUYÊN BẢO - DUY KHUÊ