10 thương hiệu bia dẫn đầu trên truyền thông Việt
Xu hướng - Ngày đăng : 01:34, 25/08/2015
Việt Nam nằm trong top 25 điểm đến yêu thích nhất của các nhà sản xuất bia trên thế giới, là quốc gia tiêu thụ bia thứ ba châu Á và nhiều năm đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Lượng tiêu thụ bia tại nước ta tăng khoảng 15%/năm.
Đọc E-paper
Theo số liệu từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng đầu ra ngành bia đạt 1.218 triệu lít, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu chỉ xét thị phần xuất hiện trên truyền thông, trong top 10 thương hiệu dẫn đầu ngành bia, có đến 7 thương hiệu bia đến từ các công ty nước ngoài. Dù vậy, dẫn đầu lại là đại diện một thương hiệu trong nước: Bia Saigon.
Kết quả khảo sát này do Isentia tổng hợp từ việc thu thập dữ liệu được công bố rộng rãi trên báo, tạp chí, tivi và kênh thông tin online (Isentia là tập đoàn phân tích truyền thông hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có đội ngũ hơn 1.100 nhân viên ở hơn 15 quốc gia thu thập và chọn lọc thông tin từ hơn 5.500 báo in ấn, radio, tivi và 250 triệu hội thoại trên mạng xã hội mỗi tháng).
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bia Saigon và Heineken là hai công ty đứng đầu ngành bia, chiếm xấp xỉ 30% và 25% thị phần trên truyền thông, đồng thời giữ khoảng cách khá xa so với các đơn vị cạnh tranh khác.
Bia Saigon nổi bật với các chương trình hỗ trợ cộng đồng, các báo cáo tình hình tài chính hiệu quả và một lượng tin bài lớn đến từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được sở hữu cổ phần tại thương hiệu bia lâu đời và chiếm hơn 35% thị phần tại Việt Nam này.
Công ty cũng dẫn đầu về lượng tin bài trên hai kênh truyền thông truyền thống là báo in và tivi, chỉ số tương ứng là 100 (tỷ lệ phần trăm của đơn vị được tính, so sánh với đơn vị có giá trị cao nhất, cho thấy độ chênh lệch).
Tuy nhiên, về kênh online, Heineken là đơn vị dẫn đầu với sự kiện ra mắt phim Kidnapping Mr. Heineken và chương trình “Heineken khuấy động hành trình UEFA Champions League 2015”.
Vị trí thứ 3 và thứ 4 thuộc về Bia Hanoi và Tiger Beer. Hai công ty này có lượng tin bài khá tương đồng nhau (với chỉ số tổng lần lượt là 40 và 36). Hầu hết các tin bài của Tiger Beer đến từ sự kiện “Tiger Remix 2015” trong khi Bia Hanoi có lượng tin bài lớn đến từ việc ra mắt sản phẩm với nhãn và nắp chai mới cho dòng sản phẩm bia chai. Bia Hanoi đứng thứ 3 về tổng chỉ số truyền thông trong khi Tiger Beer cũng đứng thứ 3 về lượng tin online, sau Heineken và Bia Saigon.
Sapporo - thương hiệu bia lâu đời đến từ Nhật Bản, đã có mặt tại thị trường Việt Nam được 2 năm có thứ hạng khá cao (hạng 5). Hãng này tập trung hầu hết vào tin online với chuỗi tin bài về sự kiện marketing như "Sapporo S-Party" và “Chung đón thời khắc vàng cùng Sapporo”.
Với lượng tin tập trung về truyền thông CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) với các chương trình lớn như “Uống có trách nhiệm” hay “1 phút tiết kiệm triệu niềm vui” kêu gọi việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nước sạch, Công ty Bia Việt Nam Vietnam Brewery xếp hạng 3 về lượng tin tivi được truyền tải. Tuy nhiên, do ít xuất hiện trên kênh online, hãng chỉ xếp hạng 6 chung cuộc.
Budweiser, SABMiller và San Miguel xếp ở 3 vị trí cuối cùng trong nửa đầu năm 2015. Mặc dù xuất hiện tại Việt Nam từ khá sớm, nhưng hoạt động truyền thông của SABMiller và San Miguel lại đi sau Budweiser – công ty vừa có nhà máy khai trương vào tháng 5 tại Bình Dương, với công suất 50 triệu lít bia/năm.
Nhìn chung, các doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước chú trọng truyền thông trên báo và tivi hơn, trong khi các thương hiệu nước ngoài ưu tiên kênh mới như online. Hầu hết các công ty bia nước ngoài thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu của họ qua các sự kiện và chiến dịch marketing.
>10 nhãn hiệu bia được ưa thích nhất ở Mỹ
>“Siết” ngành bia - Lợi bất cập hại