Hà Nam: Xây dựng môi trường đầu tư để thu hút DN

Trong nước - Ngày đăng : 09:54, 26/08/2015

Hà Nam xây dựng môi trường đầu tư mà ở đó sự thân thiện, minh bạch và điều kiện tốt nhất dành cho DN làm lợi thế cạnh tranh
Hà Nam: Xây dựng môi trường đầu tư để thu hút DN

Đầu tháng 8, tỉnh Hà Nam đã cùng lúc trao giấy phép cho 5 nhà đầu tư (NĐT) Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là những NĐT mới đến với Hà Nam, nơi không thuận lợi về vị trí địa lý nhưng vẫn thu hút được các thương hiệu lớn như Honda Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, Tân Hiệp Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood...

Đọc E-paper

Báo Doanh nhân Sài Gòn đã có buổi trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam - ông Mai Tiến Dũng xoay quanh vấn đề này.

* Là một tỉnh nhỏ (diện tích bằng huyện Cần Giờ của TP.HCM), dân số ít, lại không có những thuận lợi về vận chuyển như cảng biển, hàng không..., điều gì khiến Hà Nam được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn trong và ngoài nước chọn lựa, thưa ông?

- Đúng là Hà Nam không có lợi thế về cảng biển, sân bay, diện tích nhỏ, dân số cũng không nhiều nhưng chúng tôi có sức mạnh nền tảng con người.

Chúng tôi xây dựng môi trường đầu tư mà ở đó sự thân thiện, minh bạch và điều kiện tốt nhất dành cho DN làm lợi thế cạnh tranh.

Từ năm 2012, chúng tôi đưa ra 10 cam kết với các NĐT và triển khai một cách nhất quán. Đó là cung cấp đủ điện 24/24, đảm bảo cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tối đa cho các DN khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo không có đình công, bãi công...

Chúng tôi cũng đã thành lập các đường dây nóng, các trung tâm hỗ trợ DN nước ngoài và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao để các DN đến là có thể đầu tư ngay. Những cam kết này không chỉ là cam kết của lãnh đạo tỉnh mà là của cán bộ, nhân viên và cả người dân.

Hiện Hà Nam đã chuẩn bị 2.000ha quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ chất lượng cao và quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ DN và người dân.

Chúng tôi thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu khó khăn cho NĐT, thành lập các trung tâm hỗ trợ NĐT vừa và nhỏ để họ có thể thuê nhà xưởng từ 300 - 500m2 và sản xuất ngay.

*Nhưng những điều này không thể trong thời gian ngắn mà có thể làm được?

- Chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiều năm nay. Để đảm bảo cam kết không có đình công, bãi công, chúng tôi đưa vấn đề này vào chương trình giáo dục ở các trường học, từ thành thị đến các vùng quê.

Chúng tôi tự hào là Hà Nam đứng top đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Từ năm học 2011 - 2012, chúng tôi triển khai chương trình ngoại ngữ đến các trường tiểu học.

Tất cả học sinh của tỉnh, từ lớp 3 trở lên phải học tiếng Anh (trong khi yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ triển khai trong 20% học sinh) và chúng tôi coi đây là điều kiện cần thiết cho các em trong hành trình mới, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Ngay như vấn đề nhận thức, tư duy của cán bộ, công chức, viên chức cũng được quán triệt một cách sâu sắc rằng: thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh nhà.

Để có lượng lao động làm việc tốt trong các DN Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉnh đã mời các chuyên gia từ những nước này sang dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn, đào tạo nghề và nói chuyện về văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước họ cho người lao động...

* Những chuẩn bị kỹ càng như thế đã mang tới hiệu quả như thế nào trong thu hút đầu tư của Hà Nam, thưa ông?

- Hiện tỉnh có 219 dự án đầu tư, trong đó có 124 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.243,83 triệu USD và 95 dự án trong nước với vốn đăng ký 9.593,8 tỷ đồng. Trong số những dự án FDI, có 73 NĐT Hàn Quốc và 48 DN Nhật Bản.

Nhiều DN lớn đã đầu tư vào Hà Nam như Honda Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, Tân Hiệp Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood, Hoa Thiên Phú...

Trong đó, nhà máy sản xuất của Công ty Tân Hiệp Phát có vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, công suất 600 triệu lít nước giải khát và nhà máy sản xuất xe máy công suất 500.000 chiếc/năm của Honda Việt Nam với vốn đầu tư 120 triệu USD đã vận hành trong năm ngoái.

Cuối năm 2014, hai dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bạch Mai cơ sở 2 có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng cũng đã khởi công tại Hà Nam.

Nhà máy chế biến sữa của Nutifood với công suất 200 triệu lít sữa nước và 31.000 tấn sữa bột, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng cũng đã khởi công vào đầu năm nay.

Trung tâm chăn nuôi bò sữa của FrieslandCampina Việt Nam có diện tích 66ha (khởi công năm 2014, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2018) sẽ tạo vùng chăn nuôi bò sữa tập trung với khoảng 50 trang trại...

Và còn nhiều dự án lớn đang triển khai tại Hà Nam cho thấy cách làm của chúng tôi đang mang lại hiệu quả tốt.

>Hà Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn công nghệ cao

>Khởi công xây dựng nhà máy Number One Hà Nam

>Hà Nam làm du lịch

>VINUTAS và FrieslandCampina trao giải thưởng dinh dưỡng

HỒNG NGA thực hiện