Tony Hsieh - "Triệu phú bán giày" và hơn thế nữa
Start up - Ngày đăng : 03:41, 27/08/2015
Biệt danh "triệu phú bán giày" đến với Tony Hsieh kể từ khi anh trở thành giám đốc điều hành của hãng bán lẻ trực tuyến giày và quần áo lớn nhất thế giới - Zappos.
Trước khi Zappos ra đời, Hsieh còn từng được biết đến là người đồng sáng lập ra mạng lưới quảng cáo internet LinkExchange mà anh đã bán cho Microsoft vào năm 1999 với giá 265 triệu USD.
Tuy hiện nay Zappos đã bị chuyển nhượng lại cho Amazon nhưng Tony Hsieh vẫn là một nhà đầu tư tài ba với những khoản đầu tư giúp anh hái ra tiền, đưa anh trở thành một nhà triệu phú hiện nắm giữ khối tài sản ròng khoảng 840 triệu USD.
Những bước đi đầu tiên
Tony Hsieh sinh ra vào năm 1973, trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là những người đến từ Đài Loan. Tony Hsieh đã được sinh ra ở bang Illinois và lớn lên ở khu vực vịnh San Francisco của California cùng với hai người em trai của mình.
Ngay từ ngày còn là một sinh viên đại học của trường Harvard, Tony Hsieh đã là một người có đầu óc về kinh doanh khi anh làm quản lý bán pizza cho hãng Quincy House Grille trong khu vực ký túc xá của mình
Năm 1995, tốt nghiệp với tấm bằng khoa học máy tính trên tay, Hsieh về đầu quân cho tập đoàn Oracle - một hãng phần mềm, một hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến trên thế giới.
Nhưng vốn là người có cá tính mạnh, thích sự tự do nên chỉ sau 5 tháng, Hsieh đã bỏ việc và sau đó bắt tay vào việc sáng lập ra mạng lưới quảng cáo trực tuyến LinkExchange cùng với một người bạn học đại học và cũng là đồng nghiệp cũ ở Oracle, Sanjay Madan.
Đó là vào năm 1996, Hsieh bắt đầu phát triển các ý tưởng cho một mạng lưới quảng cáo trực tuyến, nơi mà các thành viên tham gia được phép quảng cáo trang web của họ trên mạng lưới này thông qua việc hiển thị các banner quảng cáo.
Hsieh và Madan đã gọi "sản phẩm" này là LinkExchange và cho ra mắt vào tháng 3/1996. Hsieh giữ vai trò là Giám đốc điều hành và sau đó đã nhanh chóng tìm thấy 30 khách hàng lớn đầu tiên.
Chỉ trong vòng 90 ngày, LinkExchange đã có hơn 20.000 trang web lớn gửi yêu cầu tham gia vào mạng lưới và có các banner quảng cáo hiển thị trên 10 triệu lần.
Đến năm 1998, trang web này đã có hơn 400.000 thành viên và 5 triệu quảng cáo luân chuyển mỗi ngày. Với mức độ liên kết khủng như vậy, Microsoft đã nhanh chóng đồng ý mua lại LinkExchange của Hsieh với giá là 265 triệu USD - một số tiền không hề nhỏ vào thời điểm lúc bấy giờ, năm 1999.
Sau thương vụ này, Hsieh tiếp tục lên kế hoạch sáng lập ra một thương hội đầu tư bền vững với tên gọi là Venture Frogs với đối tác kinh doanh mới của mình, Alfred Lin.
Họ bắt đầu đầu tư vào một loạt các công ty khởi nghiệp về công nghệ cao và Internet, bao gồm có Ask Jeeves, OpenTable và Zappos.
Từ Tony Hsieh đến "triệu phú bán giày"
Như số mệnh đã gắn kết Tony Hsieh với Zappos, vào năm anh 26 tuổi, Nick Swinmurn - người sáng lập ra trang Zappos.com đã tiếp cận với anh và trình bày ý tưởng về việc bán giày trực tuyến.
Hsieh mới đầu còn hoài nghi và gần như đã gạt phăng ý tưởng này của Swinmurn. Nhưng sau khi Swinmurn nói rằng "giày dép tại Mỹ là một thị trường lớn trị giá 40 tỷ USD, và 5% số đó đã và đang được bán bởi các catalog đặt hàng qua thư giấy", thì Hsieh và Lin đã bị thuyết phục, sau đó hai người quyết định đầu tư thông qua Venture Frogs.
Tony Hsieh trở thành "triệu phú bán giày" sau khi thành CEO Zappos |
Chỉ hai tháng sau đó, Hsieh đã gia nhập Zappos và trở thành Giám đốc điều hành, bắt đầu khẳng định thương hiệu CEO Zappos với 1,6 triệu USD doanh thu đạt được vào năm 2000.
Đến năm 2009, doanh thu Zappos đã tăng lên 1 tỷ USD và khi đó, Amazon.com đã bất ngờ thông báo mua lại Zappos.com với một thỏa thuận trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.
Hsieh được cho là đã có được khoảng 214 triệu USD từ việc bán giày, chưa bao gồm các khoản khác từ việc đầu tư thông qua công ty liên doanh Venture Frogs. Vì vậy mà anh thường được yêu mến gọi với biệt danh là "triệu phú bán giày".
Tuy nhiên quan trọng hơn là Hsieh và nhóm cộng sự đã xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp độc đáo với việc tập trung vào việc trao đổi quyền lực cho nhân viên và hứa hẹn đem lại hạnh phúc thông qua sự hài lòng của khách hàng.
Không dừng lại
Sau khi đã hoàn thành thương vụ chuyển nhượng Zappos, không chịu ngồi yên, Hsieh tiếp tục tham gia đầu tư vào hãng máy bay phản lực tư nhân JetSuite vào năm 2011.
Anh đã không ngần ngại đổ một lúc 7 triệu USD để đầu tư vào việc phát triển máy bay phản lực tư nhân siêu nhẹ.
Việc đầu tư này sẽ giúp cho JetSuite có thêm hai chiếc máy bay phản lực Embraer Phenom 100 mới tinh, nặng không quá 4.500kg, tiết kiệm tối đa nhiên liệu nhưng vẫn có đủ hai phi công, hai động cơ và đảm bảo đầy đủ tính năng an toàn tương đương với một máy bay chở khách thương mại cỡ lớn.
Chưa hết, vào năm 2009, sau khi nắm bắt được thị trường Las Vegas dựa trên việc kinh doanh Zappos, Hsieh đã tổ chức một dự án tái phát triển và tái thiết lớn cho trung tâm thành phố này mang tên là dự án Downtown, biến đây thành trụ sở của Zappos.com và sau đó là một trung công nghệ lớn của cả nước.
Hình ảnh mô phỏng trụ sở của Zappos trong tương lai tại trung tâm thành phố Las Vegas của Tony Hsieh |
Một nhà đầu tư cũng phải nể phục tham vọng và sự quyết tâm của Hsieh mà nói rằng: "Tiền không phải là mục đích duy nhất và cuối cùng của Hsieh. Anh ấy không quá bận tâm về tiền. Nếu chỉ còn trong tay 1 triệu USD, anh ấy vẫn sẽ chi 999.999 USD để đầu tư vào Vegas".
Minh chứng sống cho "đơn giản là hạnh phúc"
Mặc dù là người đang sở hữu khối tài sản 840 triệu USD khiến hàng bao người mơ ước nhưng Hsieh lại có lối sống giản dị không khác gì người bình thường, thậm chí còn giản dị tới mức đáng kinh ngạc.
Nếu như ai đó nghĩ rằng, làm CEO của một hãng bán lẻ giày lớn nhất thế giới thì ắt hẳn sẽ phải sở hữu một bộ sưu tập giày thể thao khổng lồ thì người đó sẽ phải nghĩ lại khi gặp Hsieh.
Hsieh không ngần ngại "khoe" rằng anh chỉ có duy nhất 4 đôi giày ở trong tủ quần áo của mình. "Một đôi flip-flops và một đôi dép trong nhà, ngoài ra là một đôi Donald Pliner để đi những lúc tôi không đi giày thể thao".
Thậm chí có những đôi giày nhà triệu phú 42 tuổi này đi ròng rã trong vòng 2 năm, và chỉ đến khi nó đã rách đến độ không đi được nữa thì anh mới chịu vứt bỏ và thay bằng một đôi mới.
Đặc biệt thay vì ở trong những ngôi nhà lầu, biệt thự đắt tiền thì hàng tháng, anh chỉ chi ra không quá 1.000 USD (tức khoảng hơn 21 triệu đồng) để sống trong một chiếc xe kéo diện tích chỉ vỏn vẹn 22 mét vuông.
"Triệu phú bán giày" Hsieh cho biết, việc sống như vậy không phải vì anh là một người quá hà tiện, mà chỉ đơn giản là vì anh muốn chi tiêu để có trải nghiệm, chứ không phải để được tận hưởng mà thôi.
>Zappos “thẳng tay” đổi mới mô hình quản lý
>Zappos: Mô hình lý tưởng cho start-up