Những bức tranh kể chuyện từ cuộc sống

Đời thường - Ngày đăng : 09:48, 31/08/2015

152 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 144 tác giả phần lớn là thành quả từ các chuyến đi sáng tác đến nhiều địa phương từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, được Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong thời gian qua.
Những bức tranh kể chuyện từ cuộc sống

Những tác phẩm mới và tác phẩm ra đời từ các trại sáng tác năm 2015 của hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật (97A Phó Đức Chính, Q.1) từ ngày 21-8: một cuộc triển lãm thường niên cho thấy những nỗ lực từ nhiều nghệ sĩ tham dự.

Đọc E-paper

Có tới 152 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 144 tác giả được trưng bày(*), phần lớn là thành quả từ các chuyến đi sáng tác đến nhiều địa phương từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, được Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong thời gian qua. Phải mất khá nhiều thời gian nếu muốn xem tường tận các nghệ sĩ tạo hình thể hiện những gì sau khi đến với các trại sáng tác ở các tỉnh thành xa Sài Gòn tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt của địa phương, hay ra các hải đảo sống cùng người lính bảo vệ vùng biển quê hương.

mỹ thuật doanhnhansaigon
Biển quê hương – tranh gốm của Nguyễn Kim Phiến

Hội An vẫn là một điểm đến được ưa thích bậc nhất với nhiều họa sĩ bởi hình ảnh phố cổ đặc trưng, hiền hòa và yên bình nên không lạ khi thấy có khá nhiều tranh vẽ đô thị cổ bên sông Hoài, từ những mái ngói rêu phong nhuộm màu thời gian, những con thuyền lặng lẽ chờ khách trên bến, chùa Cầu trầm tư… đến những bà mẹ làng gốm Thanh Hà đang trau chuốt từng sản phẩm bình dị mà chứa đựng biết bao tình cảm. Những ngày gần đây, làng gốm cổ ở Hội An được nhiều họa sĩ, nghệ sĩ gốm Sài Gòn tìm đến qua các chương trình giao lưu, sáng tác tại Công viên đất nung Thanh Hà và đã gặt hái được nhiều thành quảở đó.

Vùng đất của làn điệu đờn ca tài tử Nam bộ, quê hương của bản Dạ cổ hoài lang bất tử cũng là một chủ đề của nhiều tác phẩm hội họa. Đến với Bạc Liêu, các họa sĩ đã tìm thấy một nguồn cảm hứng mới mẻ, như cảm xúc của họa sĩ Đặng Thị Dương khi chị vẽ bức Bạc Liêu – thành phố mới: “Đây chính là tình cảm dành tặng một địa phương mà lĩnh vực văn hóa đã được đưa lên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển, nơi mà ai đã từng đến cũng sẽ không thể nào quên những công trình kiến trúc đậm dấu ấn của đờn ca tài tử, những cánh cò… và những cánh quạt điện gió khổng lồ. Một buổi chiều lung linh trên sông nước, vẳng nghe câu vọng cổ trên sông đã trở thành kỷ niệm đẹp của đoàn họa sĩ đến với Bạc Liêu”.

Cũng với tình cảm đó, họa sĩ Thái Tuấn Hoàng đã vẽ bức tranh khổ lớn Bạc Liêu xưa và nay, thể hiện hình ảnh chiếc xe kéo thời Pháp thuộc hiện được trưng bày trong ngôi nhà “Công tử Bạc Liêu” và công trình điện gió lớn nhất nước ven biển, nơi mà dòng điện ra đời từ đây đã hòa vào lưới điện quốc gia. Giản dị hơn, họa sĩ Ngô Đồng vẽ bức chân dung hai nữ sinh viên Bạc Liêu xinh xắn, tươi trẻ và đằm thắm, nhân vật có kích thước lớn hơn người thật – một bức tranh thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan.

mỹ thuật doanhnhansaigon
Nữ hoàng plastic – tranh sơn khắc trên đồng của Trần Minh Tâm
mỹ thuật doanhnhansaigon
Bà mẹ Thanh Hà (Hội An) – tranh sơn dầu của Lê Hữu Nghiệm
mỹ thuật doanhnhansaigon
Vô thường – tranh bút sắt của Nguyễn Hoàng Tuấn

Mảng tranh địa phương cũng xuất hiện khá nhiều tại triển lãm là những ghi nhận của các họa sĩ về sự phát triển đô thị, hệ thống giao thông, hạ tầng… tại TP. Hồ Chí Minh: những cầu vượt ở các cửa ngõ vào thành phố (như bức Cầu vượt Cát Lái của Trần Văn Năm), những cao ốc tráng lệở trung tâm Sài Gòn hôm nay, lớp lớp chung cư cao tầng, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được hồi sinh để những công trình xây dựng hai bên bờ soi bóng (như bức Yên ả của Nguyễn Quang Vinh)…, và cả tuyến metro đầu tiên đang thi công trong bức Xây dựng metro của Nguyễn Thanh Minh.

Ở một mặt khác là cuộc sống thầm lặng của những người dân đang bám biển từng ngày, những người lính đang bảo vệ biển đảo quê hương được đưa vào nhiều tác phẩm nhưChiều đảo Ngọc của Lê Quang Luân, Biển Nam Du của Trần Văn Thi, Vịnh đầm Phú Quốc của Lâm Chí Trung, Đánh bắt xa bờ của Lâm Chí Trung, Bãi đá ngầm của La Như Lân… Đáng chú ý là loạt năm bức tranh gốm khổ nhỏ của nữ họa sĩ Nguyễn Kim Phiến – một cách diễn đạt mới về chủ đề biển đảo.

Triển lãm còn cho thấy sự đa dạng của chất liệu tạo hình: sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, khắc gỗ, khắc kim loại, bút sắt, đồ họa digital… cùng nhiều tượng đồng, đá, thạch cao… và đồ gốm mỹ thuật. Ở lĩnh vực lý luận phê bình, có hai cuốn sách được giới thiệu tại triển lãm của hai tác giả Đỗ Lệnh Hùng Tú và Hoàng Minh Phúc.

mỹ thuật doanhnhansaigon
Một khách nước ngoài đang xem bức Bạc Liêu xưa và nay – tranh sơn dầu của Thái Tuấn Hoàng
mỹ thuật doanhnhansaigon
Tác giả Ngô Đồng bên bức tranh sơn dầu Con gái Bạc Liêu 2015

Nhìn chung, dù chưa có nhiều tác phẩm đặc sắc về mặt ngôn ngữ và kỹ thuật tạo hình song triển lãm một lần nữa cho thấy việc tổ chức các trại sáng tác đều đặn trong nhiều năm qua là một điểm son trong hoạt động của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Những chuyến đi thực tế đến các địa phương xa, nơi cuộc sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn hay đến những vùng đất còn nhiều vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa chưa được biết đến là cơ hội để người nghệ sĩ có được trải nghiệm quý giá, những cảm xúc cần thiết cho sáng tác.

>Những ngôi sao nữ của mỹ thuật đường phố

>BS. Đỗ Hồng Ngọc kể chuyện sức khỏe bằng truyện tranh

>Những con đường kể chuyện ở Boston

>"Lưu trú nghệ sĩ” - mô hình thay trại sáng tác

HỒNG LĨNH/DNSGCT