Dược phẩm nội: Giảm lợi nhuận, tăng đầu tư
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:43, 02/09/2015
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam năm 2015-2018 sẽ tăng khoảng 16,2%/năm, doanh số có thể đạt gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu quý II/ 2015, dù đạt doanh thu khả quan nhưng lợi nhuận của các DN dược phẩm trong nước vẫn giảm.
Tăng trưởng khả quan
Nhu cầu tiêu thụ dược phẩm ngày càng tăng đã mang lại doanh thu khả quan cho một số DN dược phẩm nội. Kết quả kinh doanh quý II/2015, Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (DBT) đạt doanh thu thuần 140 tỷ đồng, so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt là 20% và 94%.
Năm 2015, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm đặt chỉ tiêu doanh thu 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, Imexpharm đã hoàn thành 43,91% kế hoạch doanh thu và 51,67% lợi nhuận đặt ra.
Mặc dù vài năm trở lại đây, mức tăng trưởng của Dược phẩm OPC được đánh giá đã bão hòa, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng không nhiều, nhưng quý II/2015, OPC cũng đạt 166,5 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế tăng tới 48,5%, đạt hơn 18 tỷ đồng.
Công ty Dược phẩm Domesco (DMC) có hợp đồng gia công 8 loại thuốc chống ung thư đã ký trong quý I/2015, đồng thời ký thành công hợp đồng sản xuất nhượng quyền cho Pharmascience Canada, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng đáng kể khi chuyển giao 21 thuốc thuộc nhóm hàng thầu bệnh viện.
Vì vậy, DMC đang cán mức mục tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 10% và 12%.
Cùng tăng trưởng lạc quan còn có Dược phẩm Cửu Long (DCL). Năm 2015, DCL đặt kế hoạch 840 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, DCL đã hoàn thành được 38% và 60% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế tăng 29,1%. Riêng Dược Hậu Giang (DHG), mặc dù lợi nhuận quý II/2015 giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giữ vị trí cao nhất về lợi nhuận.
Theo đánh giá của chuyên viên Chứng khoán Rồng Việt, kênh phân phối chính của DHG (trên 70% doanh thu) là hệ thống nhà thuốc OTC đã được phát triển tốt, việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng từ GMP - WHO lên các tiêu chuẩn cao hơn như PICF (tiêu chuẩn của Nhật) hứa hẹn sẽ giúp DHG đạt kết quả tích cực hơn từ 2015.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, do thuốc sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu nên thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn được xem là giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài.
Dự kiến, đến năm 2016 sẽ có thêm một số nhà máy sản xuất dược, hóa dược của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó DN dược phẩm Ấn Độ chiếm nhiều nhất và họ sẽ tìm đối tác để thành lập công ty cổ phần hoặc liên kết phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, khi hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Ấn Độ được thực thi, mức thuế ưu đãi từ 0 - 9% sẽ thúc đẩy nhập khẩu dược phẩm từ Ấn Độ vào Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành dược, tăng trưởng thuốc generic (sản xuất theo phiên bản gốc) đóng góp đến hơn 80% tốc độ tăng trưởng của ngành. Do vậy, phát triển dòng generic vẫn là xu hướng chung tại thị trường Việt Nam trong các năm tới.
Trong khi đó, đà tăng trưởng của ngành, theo dự báo của BMI, vẫn sẽ duy trì ở mức hai con số (15 - 17%) ít nhất trong ba năm tiếp theo. So sánh với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu vào khoảng 4 - 7%, tốc độ này có thể thu hút sự tham gia mạnh từ các DN nước ngoài vào thị trường dược Việt Nam.
Mặt khác, cùng với khả năng ký kết nhiều FTA trong năm 2015, việc tham gia của DN nước ngoài có thể mạnh mẽ hơn khi thuế suất ưu đãi giảm trung bình từ 2,5% xuống còn 0%.
Mạnh chi phí phân phối
Trước sức ép cạnh tranh và để tăng lợi thế, DN dược nội địa đều chọn chiến lược "giảm lợi nhuận" để đầu tư nhà máy, đưa công nghệ mới vào sản xuất để hạ giá thành, mở rộng và nâng chuẩn nhà máy nhằm tăng tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, đặc biệt tập trung phát triển và chuyên nghiệp hệ thống phân phối, nâng tỷ trọng hệ thống phân phối qua kênh nhà thuốc (OTC).
Dù đạt doanh thu thuần gần 500 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN của Traphaco lần lượt tăng 28,8% và 28,7% nên lợi nhuận sau thuế giảm 10,2%, xuống còn 36,8 tỷ đồng.
Song, nhờ cơ cấu lại hệ thống bán hàng, thực hiện chính sách bán hàng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối riêng, Traphaco đã có hơn 20.000 đối tác là các nhà thuốc tây trên cả nước. Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco, cho biết, kênh bán lẻ mang lại 80% doanh thu cho Công ty.
Vì vậy, Traphaco vừa ký hợp đồng phân phối dược phẩm cho Sandoz - Công ty thuộc Tập đoàn Novartis, đứng thứ 2 thế giới về thuốc generic, là chiến lược khai thác lợi thế của kênh phân phối, tăng năng suất lao động cho nhân viên bán hàng của công ty.
Bên cạnh đó, hợp tác này không chỉ bổ sung doanh thu phân phối cho Traphaco mà mở ra cơ hội phân phối sản phẩm của Traphaco tại các thị trường của Sandoz.
Bà Thuận khẳng định, việc chuyển giao công nghệ cũng là điều mà Traphaco hướng tới. Ước tính, trong 5 tháng cuối năm, doanh thu mang lại từ dự án này sẽ đạt hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Linh - Tổng giám đốc OPC chia sẻ, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và lộ trình cam kết thực hiện WTO với ngành dược tạo sức ép cho các công ty nội địa phải cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà.
Trước sức ép này, năm 2015, OPC không đầu tư để tạo sự đột phá mà tập trung mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị phần, phát triển hệ thống phân phối, cơ sở vật chất cho các chi nhánh tại Hà Nội, đặc biệt phát triển thị trường thuốc kê đơn (ETC) và OTC vùng sâu, miền núi, đồng bào dân tộc...
Sau khi đầu tư vào Công ty CP Dược Cửu Long, FIT Investment cũng không vội tính đến lợi nhuận mà tiếp tục tăng vốn điều lệ lên hơn 200 tỷ đồng để đầu tư 80 tỷ đồng cho nhà máy dược phẩm và 50 tỷ đồng cho nhà máy Vikimco mới.
Với số tiền thu về từ các đợt tăng vốn trong quý III/2015, dự kiến, Dược Cửu Long sẽ dùng để đầu tư thêm cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, vỏ viên nang cứng rỗng (capsule) và dụng cụ y tế Vikimco, cũng như nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản xuất dược phẩm từ GMP-WHO lên GMP-EU, phát triển kênh bán hàng và nghiên cứu sản phẩm mới.
Tương tự, Dược Bến Tre cũng tăng cạnh tranh thông qua việc tăng chi phí cho đầu tư quản lý trong kỳ lên gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Với Imexpharm, việc phát triển kênh OTC được xem là hướng đi chiến lược hiện nay kênh phân phối OTC của Imexpharm vẫn tăng trưởng 35-40%/năm, đóng góp hơn 87% doanh thu cho Imexpharm.
Với chiến lược hợp tác với Công ty CP Dược phẩm Phano, đơn vị sở hữu hệ thống khoảng 40 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Phano Pharmacy tại TP.HCM, các chuyên viên phân tích chứng khoán đều đánh giá IMP sẽ đạt được kết quả kinh doanh lạc quan trong 2015 với mức tăng khoảng 15% và 20% cho doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, hai nhà máy mới của IMP tại Bình Dương đang được triển khai sẽ gia tăng cơ hội trúng thầu vào bệnh viện cũng như các hợp đồng sản xuất nhượng quyền cho các đối tác lớn trên thế giới.
Được xem là DN dẫn đầu ngành về hệ thống phân phối, DHG vẫn chấp nhận đầu tư lớn cho kênh bán hàng. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của DHG giảm 32% so với cùng kỳ do chi phí bán hàng tăng 38% song, kênh OTC lại mang đến 90% cho công ty này.
Theo ông Duy Khương - Phó tổng giám đốc DHG: "Lợi nhuận DHG giảm là do chi phí đầu tư cho kênh phân phối OTC rất lớn, 6 tháng đầu năm, mặc dù DHG đã giảm chi phí bán hàng, nhưng để giữ vị trí ngôi vương, DHG tiếp tục đầu tư nhà máy thuốc gói sủi bọt với giá trị đầu tư 200 tỷ đồng".
>Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ
>Cổ phiếu ngành dược: Đói ăn rau, đau uống thuốc