5 quan ngại trong thực thi FTA EEUV

Du lịch - Ngày đăng : 08:48, 03/09/2015

FTA EEUV là một hiệp định khá thông thoáng nhưng quá trình thực hiện cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi DN Việt Nam muốn làm ăn với khối này phải vượt qua.
5 quan ngại trong thực thi FTA EEUV

Với Hiệp định Khu vực thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu vừa ký, bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng "vẫn có những quan ngại ảnh hưởng đến việc tận dụng cơ hội mà hiệp định này mang lại".

Đọc E-paper

* Bà nhận định thế nào về thách thức, cơ hội sẽ cùng đến từ Hiệp định Khu vực thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA EEUV)?

- FTA EEUV là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt với hàng dệt may, FTA EEUV không áp dụng nguyên tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" với các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Tuy nhiên, vẫn có những quan ngại ảnh hưởng đến việc tận dụng cơ hội từ hiệp định này mà DN phải chý ý. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Liên minh Kinh tế Á - Âu ký một FTA.

Vì thế, khi DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào khối này, ngoài tuân thủ thuế quan cao còn phải chịu một loạt quy định bất thành văn trong quá trình thực thi các cam kết.

FTA EEUV là một hiệp định khá thông thoáng nhưng quá trình thực hiện cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi DN Việt Nam muốn làm ăn với khối này phải vượt qua.

Thứ hai, hạn ngạch FTA EEUV cho hàng may mặc chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm, cho thấy lượng hàng dệt may của Việt Nam vào khối này rất thấp. Quy định này sau 3 năm mới bắt đầu xem xét lại, 5 năm sau mới xét thêm một lần nữa.

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, DN mạnh ai nấy làm thì chỉ trong một thời gian ngắn vượt ngưỡng hạn ngạch. Khi đó, DN sẽ bị dừng xuất khẩu để kiểm tra mức độ tác động đến thị trường nội địa.

Thứ ba, một số quy định về hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Trước khi xuất khẩu, DN phải hiểu rõ các quy định và trên cơ sở đó có sự chuẩn bị tốt, tránh việc bị khởi kiện do không đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định.

Thứ tư, vấn đề về ngôn ngữ. Hiểu được những quy định trong FTA EEUV là cả một vấn đề đối với DN Việt Nam.

Hiện nay, người biết tiếng Nga không nhiều, ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin về các quy định pháp luật của khối này, trong khi chờ dịch tài liệu cũng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, nếu không có những hỗ trợ, hướng dẫn, DN sẽ lúng túng khi thực hiện.

Một vấn đề nữa, cạnh tranh trong bối cảnh đồng rúp đang mất giá. Đồng rúp mất giá, thị trường khối Á - Âu được hưởng lợi từ xuất khẩu, nhưng DN Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này khó cạnh tranh, ngay cả khi được giảm thuế, bởi những chính sách bảo hộ của các quốc gia trong khối này.

* FTA EEUV không yêu cầu nguyên tắc xuất xứ "từ sợi trở đi". Theo bà, sự linh hoạt này có thể tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam?

- FTA EEUV yêu cầu xuất xứ từ vải, thay vì yêu cầu từ sợi. Trước những năm 1990, Á - Âu đã là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam nhưng không có một hiệp định cấp nhà nước, nên hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường này theo đường tiểu ngạch, không theo đường mậu dịch thông thường.

FTA EEUV được ký là điều đáng mừng nhưng giữa văn bản và thực thi có khoảng cách, đòi hỏi DN Việt Nam phải nghiên cứu kỹ, tìm hiểu thị trường cùng đối tác, thậm chí phải thử nghiệm để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.

* Bà đánh giá thế nào về lượng thông tin liên quan đến FTA EEUV mà DN tiếp cận được?

- Trong Khối Kinh tế Á - Âu, chúng ta hầu như chỉ có quan hệ thương mại với bạn hàng Nga. Hiệp định đang có hướng khuyến khích sử dụng đồng nội tệ của Khối Kinh tế Á - Âu, trong khi DN Việt Nam vẫn theo thói quen sử dụng đồng ngoại tệ mạnh như đồng USD. Do đó, việc thiết lập hệ thống ngân hàng thanh toán với đầy đủ các phương thức hỗ trợ cần được chú trọng.

* Cảm ơn bà!

 >2 giải pháp khai thác lợi ích EVFTA cho Việt Nam

>FTA thế hệ mới: Cần sự chủ động của DN

>Một số điều cần biết về FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu

>FTA Liên minh Á – Âu hiệu lực: Nhiều mặt hàng hưởng thuế 0%

TRÌNH TIÊU thực hiện