Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

Du lịch - Ngày đăng : 06:52, 05/09/2015

Giữ gìn những giá trị văn hóa, từng chút một, làng rau Trà Quế Hội An đã vượt qua hàng trăm điểm du lịch nổi tiếng trong nước, để trở thành 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời trong mắt người Pháp.
Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

Mới tuần trước, tờ Le Figaro (Pháp) bình chọn làng rau Trà Quế ngoại ô Hội An là 1 trong 10 điều hấp dẫn nhất ở Việt Nam.

Đọc E-paper

Nghiễm nhiên trong con mắt người Pháp, một làng rau vài trăm năm tuổi, với những cánh đồng nhỏ chuyên trồng các loại rau thơm làm gia vị có thể chứa đựng sức mạnh chinh phục những người đến từ phương xa nhiều như vậy!

Nhớ một buổi sáng mùa Đông cách đây 3 năm, người làng rau Trà Quế thức dậy sớm, thấy một người đàn ông dáng dấp sang trọng dẫn đầu một nhóm người nhỏ đến thăm làng.

Ông ấy xem hết những công đoạn bón phân từ rong biển, rồi tưới nước sạch, nhổ cỏ, bắt sâu và cảnh nhộn nhịp thu hoạch rau trên cánh đồng cho kịp phiên chợ sáng.

Ai nấy đều hít hà mùi thơm tỏa ra trên cánh đồng rau mỗi khi có nhà nào đó nhổ sả, hái rau răm, quế trắng, cắt tần ô. Rồi cũng ai đó nói, sống ở làng này chắc không bao giờ sợ cảm, bởi mùi rau thơm thế này, không khí trong lành thế này!

Về sau dân làng mới biết, vị khách nước ngoài hôm đó là Vua bếp Michel Roux, chủ nhà hàng La Maison 1988 ở London, và La Maison 1988 tại Khu du lịch Intercontinetial Đà Nẵng, một đầu bếp nổi tiếng ở châu Âu.

Và người làng biết thêm, Vua bếp đã rất khen ngợi tập tục trồng rau sạch, nhất là vị thơm đặc biệt kỳ lạ của rau Trà Quế. Ông còn nói với đồng nghiệp chắc chắn mình sẽ sáng tạo một số món ăn mới, sử dụng rau từ làng Trà Quế.

Có lẽ nhà báo của Le Figaro đã cảm nhận được giá trị ẩn chứa ở đây và đã đánh giá trân trọng duy nhất một ngôi làng trồng rau, trong số hàng trăm ngôi làng ở Việt Nam lừng danh về kiến trúc, làng nghề hay các giá trị văn hóa khác. Đôi khi tôi đã đến ngôi làng giản dị này, những mái nhà xây đã khang trang hơn, nhưng không có kiến trúc gì đặc biệt.

Chỉ cái cách sống khoan hòa và ứng xử rất văn minh với con người và với thiên nhiên ở Trà Quế là những giá trị đã mất đi ở rất nhiều vùng nông thôn. Có hôm tôi ghé vào đây, muốn mua ít rau tươi. Người làng đã đi chợ sớm, chỉ còn lại một người phụ nữ đang nhổ nốt đám cỏ. Hỏi mua rau tần ô, chị bảo mấy luống tần ô mới bán hết rồi.

Tôi chỉ đám rau phía xa hơn, thì chị xách rổ đi cắt rau cho tôi rồi nói: "Rau này không phải nhà tui, là của chú Sáu ở giữa làng, nhưng rau này ăn ngon, lát tui đem tiền qua giao cho chú Sáu, tui cắt giùm thôi!". Nghe vậy đã thấy ngại ngùng, nhưng chị nông dân làng Trà Quế xua tay, bảo không có gì ngại.

Ở đây không ai tranh mua tranh bán hoặc trộm cắp gì. Rau ngoài đồng, nhà mình hết thì bán giúp cho nhà khác. Thậm chí, muốn mua ít xà lách, chị cũng cắt của hàng xóm bán giúp. Rồi chị nói: "Tôi phải bán loại rau ngon nhất thì cô mới nhớ rau Trà Quế”.

Đúng là những đại sứ thương hiệu chẳng qua đào tạo, chân lấm tay bùn và tinh thần thì rất văn minh. Cái văn minh của Trà Quế là ở chế độ trồng trọt canh tác từ ngàn đời nay chẳng hề đổi thay. Một cung cách trồng trọt hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, giữ gìn từng chút hương thơm của rau trái, không có chút gì làm hại đến môi trường sống.

Ứng xử với thiên nhiên như thế, tất yếu đối với nhau con người cũng khoan hòa tình cảm, dù nơi này đã phát triển du lịch hơn 10 năm, nhưng con người vẫn vậy, bán rau cho khách du lịch cũng như bán chợ, không nâng thêm đồng bạc nào. Có thể vì vậy mà khách du lịch đổ đến đây nườm nượp.

Giữ gìn những giá trị vô hình ấy, từng chút một, toàn cái cũ kỹ ông bà truyền lại, làng rau Trà Quế Hội An đã vượt qua hàng trăm điểm du lịch nổi tiếng trong nước, để trở thành 1 trong 10 điểm đến tuyệt vời trong mắt người Pháp. Vâng, nó tuyệt vời ngay đối với người Việt Nam!

>Phẩm giá đô thị

>Quyền được sống tốt

>Mua hàng nhớ người

>Thèm cái khổ cực

BÍCH HỒNG