Bánh hỏi

Sống khỏe - Ngày đăng : 06:30, 06/09/2015

Có nguồn gốc vùng ven biển Nam Trung bộ, bánh hỏi dần dà trở thành món ăn quen thuộc ở hầu khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ
Bánh hỏi

Bánh hỏi có nguồn gốc vùng ven biển Nam Trung bộ, dần dà trở thành món ăn quen thuộc ở hầu khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Đây là loại bánh thường không thể thiếu trong những dịp lễ tết, cúng giỗ, cưới hỏi… và còn được dùng làm vật phẩm dâng cúng ở đình, chùa…

Đọc E-paper

Ngày trước, để làm bánh hỏi, bà con chọn gạo lúa mùa thơm ngon, vo sạch, ngâm nước qua đêm rồi xay nhuyễn bằng cối đá và tiếp tục rọng bột đã xay trong nước thêm một đêm nữa trước khi nấu thành sền sệt (công đoạn này dân gian gọi là lấy trùng).

Bột nấu còn âm ấm được vò, vắt thành cục lớn vừa với khuôn ép bánh. Bánh hỏi ngon hay không phụ thuộc nhiều vào khuôn bánh to hay nhỏ. Lỗ nhỏ quá, bột không qua, lỗ lớn quá sợi bánh ăn không ngon.

Bánh ép xong được đưa vào nồi hấp cách thủy một lần nữa, sau đó xếp vào giỏ tre có lót lá chuối nhưng không đậy kín.

Bánh hỏi thịt quay

Bánh hỏi được ăn kèm với nhiều loại thịt mà phổ biến nhất là với thịt heo quay. Những miếng thịt quay vàng ươm, giòn rụm kèm với ít lá hẹ, cải xà lách, rau húng, rau quế thơm nồng quấn bánh hỏi chấm nước mắm pha với tỏi, nước cốt chanh, ớt,… làm cho người thưởng thức ngất ngây.

Người ưa thịt mềm thì dùng thịt ba rọi đem luộc nước dừa. Miếng thịt vừa chín xắt mỏng, lớp mỡ trong vắt, lớp thịt còn tươm nước hồng tươi, ngọt lịm. Cách gói bánh với rau và chấm nước mắm cũng không khác gì cách ăn bánh hỏi với thịt quay.

Đặc biệt tại Bạc Liêu người ta còn dùng thịt heo ba chỉ bằm nhuyễn trộn tiêu, hành nêm nếm vừa ăn rồi xỏ lụi nướng vàng. Những viên thịt nướng thơm lựng ăn kèm với bánh hỏi vừa tạo hương vị riêng vừa thể hiện sự phong phú và đa dạng trong nghệ thuật ẩm thực dân gian vùng đất mới.

>Từ bánh khoái Huế đến bánh xèo Nam bộ

>Bánh cuốn tôm - món ngon Sầm Sơn

>Bánh dân gian ở đất phương Nam

>Bánh khọt miền Tây Nam bộ

MINH THƯƠNG/DNSGCT