Biến động tỷ giá: "Nước lên, thuyền lên"
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 02:00, 09/09/2015
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nửa cuối năm 2015 còn nhiều yếu tố tiêu cực tác động, đặc biệt là việc biến động tỷ giá, song vẫn có triển vọng phát triển và là kênh đầu tư hấp dẫn.
Đó là nhận định của ông Yun Hang Jin - Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc). Theo ông Jin, yếu tố hiện đang ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính toàn cầu cũng như Việt Nam là việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ.
Yếu tố này đã gây sức ép lớn lên tỷ giá dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng biên độ và tỷ giá nhưng áp lực hiện vẫn rất lớn. Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá ba lần, với tổng cộng 3%, đồng thời nới biên độ hai lần, từ 1% lên 3%.
Khi tỷ giá tăng lên sẽ có khả năng làm giảm dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường trong nước. Do đó, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới dòng vốn đầu tư của khối ngoại.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất vào tháng 9, khiến dòng vốn có xu hướng quay trở lại nước Mỹ, cũng là yếu tố không mấy tích cực cho TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán KIS, tính đến cuối tháng 6/2015, tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tăng nhẹ (khoảng 46.0%) so với quý I. Bên cạnh đó, so với các quốc gia mới nổi, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vững chắc.
Trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,3%, cao hơn so với mức tăng 5,2% cùng kỳ năm 2014 đã củng cố thêm sức mạnh của nền kinh tế.
Do nền tảng kinh tế vững chắc, cán cân thanh toán thặng dư, GDP tăng trưởng cao nên việc Mỹ tăng lãi suất sẽ không gây ra cú sốc lớn đối với chứng khoán Việt Nam.
Trong quý IV, nếu lãi suất Mỹ tăng thì dự báo thời gian và quy mô bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhỏ hơn so với thời kỳ phát sinh những yếu tố bất lợi từ nước ngoài.
Kết quả đó cùng với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu việc rút ròng của vốn ngoại đối với chứng khoán Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2015, VN-Index diễn biến theo hình chữ "V", 6 tháng cuối năm sẽ không bật mạnh mà đi lên theo hình "zig zag". VN-Index sẽ đạt đỉnh, khoảng trên dưới 650 điểm trong thời gian còn lại của năm 2015.
Ông Trần Thăng Long - Trưởng Phòng Phân tích Công ty CP Chứng khoán BSC, nhận định: "Việc tỷ giá biến động chắc chắn trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường. Về phía doanh nghiệp, các nhóm ngành sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng tỷ giá, gồm vận tải biển, xi măng, dược, nhựa, săm lốp và điện.
Bên cạnh dó, có ba nhóm ngành được đánh giá có ảnh hưởng tích cực từ việc tăng tỷ giá là thủy sản, dầu khí, dệt may và công nghệ bởi hầu hết doanh nghiệp đều dùng USD khi giao dịch, trong đó thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, việc phá giá sẽ không khiến khối ngoại "bỏ chạy" và ảnh hưởng tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc về sự ổn định đồng tiền của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới, từ đó đưa ra quyết định đầu tư”.
Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cũng cho rằng, VND mất giá trong khi USD ngày càng mạnh lên sẽ làm xuất hiện một một luồng đầu tư, dòng vốn mới do cơ hội được mua cổ phiếu rẻ hơn xuất hiện.
Trước đây, bỏ một đồng chỉ mua được một vài cổ phiếu nhưng nay cũng số tiền đó có thể mua được nhiều cổ phiếu. Việc Chính phủ Việt Nam nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 1/9, là điều kiện tốt để thu hút nguồn vốn mới.
Theo thống kê của KIS, khối ngoại hiện đang nắm giữ một nửa khối lượng cổ phiếu tối đa được quyền sở hữu tại Việt Nam. Khi việc nới room có hiệu lực sẽ mang đến nhiều tác động tích cực tới thị trường.
Dự báo, việc nới room sẽ giúp Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hút thêm 35.000 - 118.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong dài hạn.
Cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ kết hợp với những quy định mới của Chính phủ về việc thu hút vốn ngoại sẽ là yếu tố để các nhà đầu tư ngoại phải so sánh với các nước trong khu vực.
Tỷ giá biến động chỉ ảnh hưởng TTCK Việt Nam một cách hạn chế, đồng thời do thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục, Chính phủ nới lỏng quy định BĐS từ năm 2014, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, lãi suất cho vay giảm..., dòng vốn FDI chảy vào BĐS cũng như nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa năm cuối 2015.
Thị trường BĐS khởi sắc vực dậy nền kinh tế trong nửa cuối năm. Trong đó, ngành xây dựng, ngành tiện ích đóng vai trò chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương đương tăng trưởng kinh tế thực và thanh khoản thị trường trong dài hạn.
Trong 6 tháng cuối năm, để có thể tồn tại trong quá trình cơ cấu tín dụng, ông Jin khuyến nghị, các ngân hàng phải tiếp tục mở rộng quy mô (mở rộng cho vay), gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ 5 năm đến 10 năm, củng cố khả năng cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp giảm chi phí lãi cho doanh nghiệp niêm yết, giúp doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh.
Về cổ phiếu triển vọng trong nửa cuối năm 2015, các chuyên gia KIS cho rằng, những cổ phiếu tốt thuộc nhóm ngành BĐS, tôn thép, dệt may và thủy sản như Tôn Hoa Sen, Hòa Phát, Công ty CP Xây dựng Cotec, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Dệt may Thành Công, Công ty CP Vĩnh Hoàn...
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%) tiếp tục duy trì ổn định nền kinh tế.
>NHNN giải thích về nguyên nhân biến động tỷ giá USD/VND
>Doanh nghiệp lúng túng trước biến động tỷ giá
>Vay USD, thận trọng với biến động tỷ giá
>“Biến động tỷ giá USD/VND và thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”