GS Chu Phạm Ngọc Sơn: Nhà khoa học trẻ có thể lỗi hẹn với đất nước
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:45, 10/09/2015
Trên giảng đường, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn là một người thầy không chỉ dạy về hóa học mà còn truyền cảm hứng, đam mê, tính trung thực và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Trong các buổi họp, ông là Cố vấn Khoa học Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, là một đại biểu thường có những ý kiến thẳng thắn, trung thực về các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng và chính sách đối với người làm khoa học. Hằng ngày, ông và các đồng nghiệp ở công ty thường vào cuộc rất sớm và đã nhanh chóng tìm ra lời giải đáp cho các vấn đề về an toàn thực phẩm như sữa nhiễm melamine, bún có chứa chất Tinopal không được phép sử dụng trong thực phẩm vì khi tích lũy nhiều có thể gây độc gan, nước tương chứa 3-MCPD, cá basa nhiễm chất diệt cỏ trifluralin… Ông là Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, người được cấp bằng tiến sĩ năm 1962 tại Trường Đại học Delaware (Mỹ) và được công nhận là giáo sư từ năm 1980.
* Ở tuổi tám mươi, ông vẫn đầy minh mẫn để giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ, thật hiếm có…
- Có lẽ là nhờ trời thương và người thương. Trời cho một sức khỏe tốt và một trí óc minh mẫn. Còn người thương là vợ tôi, một người làm lâu năm trong ngành kiểm nghiệm thực phẩm và có nhiều kinh nghiệm về dinh dưỡng. Tôi phải cảm ơn bà ấy đã chăm chút cho chồng từ bữa ăn đến giấc ngủ, nhờ vậy mà tôi mới giữ được sức khỏe như hiện tại.
* Nghiên cứu khoa học và giảng dạy đều là những công việc vất vả, ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi?
- Khi khoa học trở thành niềm đam mê thì công việc trong phòng thí nghiệm trở thành niềm hạnh phúc hơn là nỗi vất vả. Tôi xem phòng thí nghiệm là nhà, đồng nghiệp là người thân nên việc đến đây mỗi ngày là niềm vui. Cuộc sống của tôi cũng ít gặp phiền hà vì tôi không dùng điện thoại di động, mọi người thường liên lạc với tôi qua điện thoại bàn hoặc thư điện tử.
Công việc của tôi nhìn chung là cần thiết cho việc đào tạo thế hệ trẻ và cho đất nước nên tôi chưa nghỉ ngơi được. Tôi và các đồng nghiệp ở Sắc Ký Hải Đăng và Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (nơi tôi đã góp sức xây dựng từ đầu) được thành phố trông cậy để tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm hoặc sức khỏe người dân, chẳng hạn như hiện tượng nông dân lội ruộng bị đen chân ở quận 2 mới đây.
* Nhân nói đến hiện tượng “bàn chân đen”, chúng ta đã tìm ra lời giải cho nỗi lo lắng này của nông dân chưa?
Sau mười ngày kiểm tra, nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã có lời giải cho vấn đề này. Với rơm rạ lấp đầy ruộng, sự phân hủy yếm khí tự nhiên chất hữu cơ đã xảy ra tạo H2S kết hợp với sắt trong bùn tạo hợp chất sunfua sắt FeS màu đen. Hợp chất này quện chặt với chất béo sẵn có trong nước, bùn tạo nên hỗn hợp bám chặt vào chân, khó tẩy rửa. Theo dữ liệu an toàn về hóa chất, sunfua sắt hoàn toàn không gây độc khi tiếp xúc với da.
* Có thể thấy những phát hiện của ông rất hữu ích cho đời sống người dân, chẳng hạn như phát hiện chất có hại trong bún, sữa, nước tương, hải sản…, nhưng những phát hiện này e rằng sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất?
- Với người sản xuất theo đúng lương tâm và quy định của pháp luật thì những phát hiện đó chỉ có lợi, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. Người lựa chọn con đường làm khoa học cần nhất là sự trung thực, ngay thẳng. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác luôn tôn trọng sự thật.
Thực tế thì hầu hết nghiên cứu của chúng tôi vừa tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng vừa tháo gỡ khó khăn cho nhà sản xuất. Chẳng hạn như xét nghiệm các mẫu bún tươi có chứa Tinopal, một hóa chất dùng trong công nghệ tẩy trắng giấy và bột giặt, bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm vì khi tích lũy nhiều có khả năng gây độc cho sức khỏe con người.
Qua phân tích, chúng tôi đã phát hiện Tinopal trong hầu hết các mẫu bún không phải là do nhà sản xuất nhỏ chủ động bỏ vào bún mà từ bột nguyên liệu dùng để pha với bột gạo làm bún. Như vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét để xử phạt nơi cung cấp bột nguyên liệu để tạo bún chứ không phải các cơ sở sản xuất lẻ.
Năm 1998, có tin sữa ngoại bị nhiễm dietylhexyl ptalat DEHP, một chất có thểảnh hưởng xấu đến hệ sinh sản hoặc sự phát triển của trẻ em. Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm đã được chỉ định âm thầm xét nghiệm DEHP trong hơn 100 mẫu sữa bột và sữa nước trên thị trường.
Chúng tôi đã kiểm tra kỹ và kết luận là tất cả mẫu sữa kiểm nghiệm đều an toàn, chỉ có một mẫu sữa nhập khẩu bị nhiễm DEHP do vắt sữa bằng chụp nhựa PVC. Như vậy, công việc của tôi vừa hỗ trợ cho quản lý, vừa tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Năm 2007, có một vụ khá nghiêm trọng là nhiều cơ sở sản xuất nước tương bị niêm phong do phát hiện chất 3-MCPD trong sản phẩm. Chất độc này xuất hiện trong quy trình thủy phân protein thực vật bằng axit HCl, quy trình mà hầu hết các nhà máy sản xuất nước tương vào thời điểm đó đều sử dụng. Lúc bấy giờ, một nghiên cứu sinh chúng tôi đã nghiên cứu thành công ba quy trình sản xuất nước tương đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đã chuyển giao quy trình mới này cho 26 xí nghiệp, công ty sản xuất nước tương, hỗ trợ sản xuất lâu dài và sản phẩm có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
* Nhưng việc phát hiện chất axit oxalic gây sạn thận, ung thư trong mì gói đã khiến cho người tiêu dùng trở nên cảnh giác với sản phẩm này?
- Đây là lỗi của truyền thông khi thông tin chưa thật chính xác. Hội Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo về axit oxalic nhằm mục đích làm người tiêu dùng an tâm sử dụng mì gói và người sản xuất không bị phạt. Đúng là chúng tôi phát hiện tất cả các mẫu mì gói làm từ bột mì có nhiễm axit oxalic nhưng với nồng độ thấp, rất khó có khả năng kết hợp với canxi tạo sạn lắng đọng ở thận.
Thật ra, axit oxalic là chất có sẵn trong bột mì nên cả mì gói và bánh mì đều có chứa chất này. Một số loại thực phẩm chúng ta hay ăn còn chứa nhiều axit oxalic hơn cả bột mì như măng, khế, rau dền… nhưng chưa có nghiên cứu nào cho thấy các loại thực phẩm này gây chết người cả. Chúng ta không phải lo lắng khi ăn một hai gói mì trong bữa ăn.
* Sau sự việc này, uy tín của ông có bị ảnh hưởng ít nhiều?
- Chắc chắn là không vì công việc của tôi chỉ có một mục đích là tìm ra sự thật, phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Như trong thời gian qua, tôi đã xác minh các mẫu khô mực là khô mực thật, sợi trộn trong bánh trung thu là vi cá thật chứ không phải là cao su hay plastic như những thông tin thất thiệt xuất hiện trên một số báo chí. Nhưng cũng từ sự việc trên, tôi cũng rất giới hạn phát biểu trên báo chí, truyền thông về những gì đã và đang làm.
Tôi cho rằng thông tin trung thực và đúng đắn là trách nhiệm của người làm truyền thông. Còn trách nhiệm của người làm khoa học là làm sao để những nghiên cứu của mình hữu ích cho công nghiệp sản xuất và đời sống thực tiễn.
Về vĩ mô, một quốc gia muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thật sự thì phải có những biện pháp gắn chặt đào tạo nghiên cứu với sản xuất kinh doanh. Một quốc gia nào muốn có nền công nghiệp phát triển bền vững thì không thể chỉ nhờ vào nhập khẩu mà cần phải chú trọng phát triển khoa học công nghệ trong nước.
Một nền khoa học kỹ thuật muốn phát triển vững mạnh thì không thể chỉ dựa vào kinh phí nhà nước mà còn cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Đối với Việt Nam, một sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu đào tạo với sản xuất kinh doanh sẽ góp phần quan trọng vào việc đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tôi còn nhớ ngay sau giải phóng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cái nhìn sâu sắc về chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật. Tôi từng gặp và trao đổi với ông về những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực và khả năng tụt hậu của nền giáo dục đại học.
Ông cho rằng các nhà khoa học cần tiếp tục có những nghiên cứu hỗ trợ thành phố giải quyết những khó khăn trong sản xuất kinh doanh trước. Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và sự rèn luyện theo hướng phục vụ yêu cầu thiết thực của xã hội, các thế hệ học trò sau này sẽ tiếp tục thực hiện ý nguyện đưa nền đại học đi lên ngang tầm thế giới đồng thời đóng góp hữu hiệu cho thành phố và cho đất nước. Thật là một suy nghĩ thấu đáo!
Ngày nay thành phố đã có nền công nghiệp lớn nhất cả nước, phát triển theo hướng các lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng khoa học công nghệ cao, với các nghiên cứu vừa cơ bản vừa mang tính ứng dụng cao. Riêng tôi và các đồng nghiệp thì luôn cố gắng xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, đó là tập trung thực hiện các nghiên cứu hướng về sản xuất và đời sống, phục vụ đất nước.
* Tuy nhiên theo thống kê mới đây thì chỉ có khoảng 60% kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng, nghĩa là còn 40% kết quả nghiên cứu vẫn “trùm mền” ở trường đại học. Theo ông thì cần phải làm thế nào để đại học và doanh nghiệp đến gần nhau hơn?
- Cho đến nay, các chính sách gắn kết đại học với doanh nghiệp cũng chỉ dừng ở việc “khuyến khích” chứ chưa mang tính bắt buộc. Theo tôi, có nhiều cách để mối liên kết giữa nghiên cứu trong trường đại học với công nghiệp sản xuất của doanh nghiệp đạt hiệu quả.
Chẳng hạn, cần phải bố trí người trong doanh nghiệp tham gia vào hội đồng khoa học của trường đại học để góp phần định hướng và hỗ trợ nghiên cứu đào tạo sát với thực tế hơn. Hội đồng khoa học của doanh nghiệp cũng cần có người của trường tham gia, để hiểu rõ hơn và qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đang cần. Đừng để nhiều sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có giá trị thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ chuyển giao, trong khi các doanh nghiệp cần sản phẩm lại đi tìm kiếm, thậm chí phải mua sản phẩm của nước ngoài với giá cao, gây lãng phí cả tiền bạc, thời gian và chất xám của nguồn lực trong nước.
Tôi nghĩ rằng nhà nước cần xây dựng một quỹ bảo hiểm chịu trách nhiệm về chất lượng của các công trình khoa học thì công nghệ trong nước sẽ được chuyển giao đến doanh nghiệp dễ dàng hơn.
* Nguồn nhân sự khoa học trẻ cũng đóng góp đáng kể cho những thành tựu về khoa học kỹ thuật, ông nhận xét ra sao với đội ngũ này?
- Tôi nhận thấy các nhà khoa học trẻ hiện nay rất có tiềm năng, họ có năng lực và được đào tạo tốt. Tôi tin rằng đội ngũ khoa học trẻ sẽ không lỗi hẹn với thế giới, nhưng tôi băn khoăn rằng họ sẽ lỗi hẹn với quê hương. Tuy các nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam hầu như không thua kém so với thế giới, nhưng nếu không có định hướng đúng đắn để nghiên cứu của mình phục vụ tốt cho công nghiệp sản xuất thì thật là rất đáng tiếc!
Một trong những khó khăn và thách thức đối với các nhà khoa học là chưa có cơ chế chính sách rõ ràng để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ nhằm phát triển và đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của tác giả các công trình nghiên cứu và phần lớn các nhà khoa học không nắm vững hết các vấn đề về sở hữu trí tuệ cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế thị trường.
Khó khăn về vật chất là điều dễ thấy đối với những người làm khoa học. Nhưng với chúng tôi, sức mạnh vật chất đôi khi không thể so bằng sức mạnh tinh thần. Một sự quan tâm, một chính sách đúng đắn dễ dàng đánh thức được tâm huyết nghiên cứu của các nhà khoa học, tạo cho họ sự hào hứng và niềm tin trong công việc khô khan hằng ngày.
* Hẳn ông đã tìm được một sức mạnh tinh thần to lớn để có thể gắn bó cả cuộc đời với công việc này?
- Tôi may mắn được tiếp sức bởi những nhà lãnh đạo lớn như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Vĩnh Nghiệp… Họ đã luôn động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho đội ngũ trí thức yên tâm làm việc.
Tôi nhớ mãi đến tấm chân tình của ông Nguyễn Văn Linh dành cho đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh khó khăn, ông đã tìm cách xoay xở để chăm lo cho chúng tôi từ phụ cấp lương, xăng xe, từng ký gạo ân tình, những miếng thịt, cân cá tươi…
Tôi có dịp tiếp xúc nhiều với ông Võ Văn Kiệt, một người luôn có tinh thần đổi mới đất nước. Ông hiểu sâu sắc và tin rằng giáo dục và khoa học công nghệ là con đường để đất nước đi lên, để tránh khỏi nguy cơ tụt hậu. Ông luôn tỏ ra trân trọng các nhà khoa học, trong đó có tôi.
Còn nhớ một đêm sau giải phóng, lúc đó khoảng 9 giờ tối, nhóm nghiên cứu chúng tôi đang cùng nhau làm việc ở phòng thí nghiệm của Trường Đại học Tổng hợp thì nhận được một nải chuối chín thơm. Thật cảm động khi biết là trước đó, thương anh em làm việc vất vả, ông Võ Văn Kiệt đã tự tay chặt nải chuối chín trong vườn nhà mình để đưa đến cho chúng tôi.
Bản thân tôi còn nhận được giỏ gà của ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp tự tay mang đến để nuôi lấy trứng, lấy thịt ăn. Chính sự chăm sóc ân cần đầy nghĩa tình của lãnh đạo thành phố đã là động lực vô cùng to lớn cho anh chị em trí thức miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho công cuộc tái thiết thành phố sau giải phóng và quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp khoa học đến cuối đời.
* Còn lòng tự trọng và lòng yêu nước của nhà khoa học, như ông đã từng nói đến trước đây?
- Lòng tự trọng và tình yêu quê hương, đất nước cũng là lý do khiến nhiều trí thức gắn bó cuộc đời với khoa học. Giai đoạn thành phố mới giải phóng năm 1975 nhiều khó khăn và thiếu thốn, anh em trí thức cũng có những suy tư, băn khoăn, nhưng phần lớn vẫn cố gắng bước tiếp trên con đường làm khoa học, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đó không chỉ là lòng yêu nước mà còn là sự thể hiện lòng tự trọng của người trí thức.
Lòng tự trọng của người làm khoa học cũng là động lực để họ từ chối bon chen với thời cuộc, tiếp tục say sưa với công việc có lợi cho đất nước trong thời bình. Nếu chọn việc nhẹ nhàng, chắc không nhiều người chọn nghiên cứu khoa học. Bởi vì làm khoa học là công việc khô khan và vất vả, để tìm lời giải cho một vấn đề nào đó thì chúng tôi phải trải qua những ngày quên ăn, đêm quên ngủ là chuyện bình thường.
Tôi vốn tính cầu toàn, bất cứ vấn đề nào cũng muốn giải quyết cho đến nơi đến chốn nên càng mất nhiều thời gian và công sức. Có nhiều đêm liên tục tôi chỉ ngủ khoảng hai, ba giờ, nhưng bù lại tôi học được thêm nhiều hơn. Học viên trong lớp đào tạo chuyên sâu do tôi phụ trách thường gởi các thắc mắc về khoa học vào hộp thư điện tử sau khóa học.
Tôi rất vui khi được ngồi giải đáp các câu hỏi đó bất kể ngày đêm. Không phải thắc mắc nào tôi cũng giải đáp ngay được. Có những kiến thức nằm ngoài tầm hiểu biết thì tôi phải nhờ đến sự trợ giúp từ bạn bè và cả học trò đang học ở nước ngoài, nhờ đó mà tôi học được thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị.
Trong nghiên cứu, mỗi phát hiện, mỗi lời giải là một niềm vui đối với người làm khoa học, càng hạnh phúc hơn khi phát hiện đó có ích cho quê hương, đất nước. Dù mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng đến nghẹn ngào khi đoàn khoa học chúng tôi phát hiện ra mỏ đá vôi Lộc Ninh, đến nay vẫn còn khai thác.
Đây là phần thưởng xứng đáng cho đoàn sau nhiều tháng bước chân ròng rã in trên những vùng đất xa xôi, nắng gió và cả những bãi mìn còn sót lại sau chiến tranh. Tôi cũng chưa quên khí thế làm việc hừng hực của tôi và các cộng sự để nghêu sò Việt Nam được tái xuất sang châu Âu sau ba năm bị cấm nhập khẩu, góp phần ổn định kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản trong nước… Có thể nói rằng với tôi, lòng yêu nước, sự cống hiến cho quê cha đất tổ là lý tưởng sống của cả cuộc đời.
* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện.
>GS. Dương Nguyên Vũ: Ước mơ sinh viên không cần đóng học phí