Tàu đò
Du lịch - Ngày đăng : 06:48, 11/09/2015
Đò dọc từng là phương tiện di chuyển không thể thiếu của người dân Đồng bằng sông Cửu Long với những hải trình có khi suốt vài ngày đêm. Nhưng dân Nam bộ không kêu bằng đò dọc mà là tàu đò. Chỉ có xuồng nối đôi bờ mới gọi là đò - đò ngang.
Đọc E-paper
Tàu đò nối kết những vùng đất, nối kết những dòng sông. Mặc dù ngày nay không còn là phương tiện phổ biến nhưng tàu đò vẫn là một phần không thể thiếu của người dân đất Chín Rồng, như một gạch nối quá khứ với hiện tại.
Tàu đò là phương tiện giao thông đầu tiên của người Việt hơn 3 thế kỷ trước, tiên phong mở mang bờ cõi về phương Nam, ngày nay vẫn tồn tại ở những đô thị như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá... cho tới những vùng đất biên giới Tân Châu, Hồng Ngự, Sa Rài...
Còn nhớ, có lần về An Giang, dọc theo quốc lộ 91 mùa nước nổi, bên này đường là dòng sông Hậu đục ngầu cuồn cuộn nước về, bên kia đường là mênh mênh mang mang những cánh đồng ngập nước, tôi gặp mấy cô bé học trò ở ngoại vi thị xã Châu Đốc đi học, thong thả chèo xuồng dọc theo những lùm tràm gió đã bị nước nhấn chìm tới lưng lửng thân. Tiếng nói, tiếng cười của các em vang vang trên đồng trũng không biết đâu là bờ.
Khác với nhiều nơi khác, ở miền Tây, nữ sinh mặc áo dài rất sớm. Có nhiều trường bắt đầu từ lớp 6 các em đã phải mặc áo dài. Nhìn những đôi mắt to tròn, những gương mặt thơ ngây và những tà áo dài in bóng trắng mặt nước, lòng tôi nao nao không biết gọi "phương tiện giao thông" mà các em đang dùng là loại tàu nào. Tàu đò thì chưa phải, mà đò ngang cũng không đúng, vì nó đâu có nối đôi bờ...
Trước đây, do đường bộ còn ít, nước ngập nhiều, ở miệt châu thổ, tàu đò rất phổ biến. Đi chợ xa, đi thăm viếng bà con ở xa, đi đám xa (đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, đám ma, dân Nam bộ đều gọi là... đám), ai cũng sử dụng tàu đò. Một vài tuyến tàu đò còn tồn tại là Cần Thơ đi Kiên Giang, Thạnh Hóa đi Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Đức Hòa (Long An)... với lộ trình vài chục kilômét.
Tôi từng một lần đi tàu đò từ Tân Thạnh vào trung tâm Đồng Tháp Mười. Ở đó, chỉ có một tuyến đường rất khó đi vào mùa khô, càng không chạy xe được vào mùa mưa thì phương pháp di chuyển phổ biến vẫn là tàu đò.
Khách đi tàu đò cũng không nhiều, hầu hết là những nông dân sinh sống trong vùng rốn Đồng Tháp Mười, mang tôm cá, sản vật ra quốc lộ 62 bán rồi mua những thứ cần thiết như quần áo, muối, đường, nước mắm...
Theo anh Sáu - chủ chiếc tàu đò, bao năm qua, bất kể mưa nắng, chưa khi nào anh nghỉ một ngày, phần vì thu nhập của gia đình, phần vì hành khách, mà toàn khách quen, nếu mình bỏ chuyến thì họ lỡ công chuyện.
Và chắc rằng không riêng gì vùng Đồng Tháp Mười, nhiều địa phương khác ở miền Tây, nơi kênh rạch chằng chịt thì đi tàu đò vẫn rất tiện lợi, dù ngày nay nhiều tuyến đường đã được mở.
Riêng tôi, khách đi tàu đò lần đầu 10 năm trước suốt tuyến từ bến Mồi Gọ trên dòng Vàm Cỏ Tây vào đến bến cuối giáp biên giới Campuchia, đến giờ vẫn cảm giác chông chênh sóng nước.
Có lần ngồi uống cà phê ở Ngã ba Tân Hồng, tôi hình dung, trước khi có đường bộ ở vùng đất này, người ta di chuyển bằng phương tiện gì nếu không phải là những con đò dọc. Và thực tế thì dù có đường nhưng theo thói quen, người dân vẫn thích di chuyển bằng tàu đò hơn đi xe. Nó cũng là nét văn hóa của những vùng đất còn chút hoang sơ, mênh mông mỗi khi mùa nước về.
Theo bác Cháy - chủ quán nước ở Ngã ba Tân Hồng, nhiều người sử dụng tàu đò bởi nó đi được vào những nơi mà xe đò không đến được, có khi đi sông gần hơn đi lộ vì đường tắt. Đến mùa cắt lúa mướn, thuê ruộng giăng lưới, bủa câu mùa nước nổi, người ta đều có thể sử dụng tàu đò.
Ngồi cùng những người dân miệt vườn nghe kể về tàu đò, tôi nhận ra dường như đò dọc chính là khởi nguyên, là bắt đầu của nhiều nghề ở đây. Như thương hồ chẳng hạn.
Cũng từ những chuyến tàu đò, nghề thương hồ - một đặc trưng miền sông nước - xuất hiện, trở thành một biểu tượng văn hóa của vùng đất này. Rồi những ghe thuyền chở nông sản, hàng hóa cũng vậy, cũng từ những chuyến tàu đò mà ra.
Chị Lam - một người buôn lúa ở Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, cho biết, đến mùa thu hoạch lúa, ngày nào chị cũng sử dụng tàu đò để đến một vùng nào đó rồi thuê vỏ lãi theo các con kênh đi vào những cánh đồng xa mua lúa. Những nơi đó hầu như chưa có đường bộ, nên nếu không sử dụng tàu đò thì không còn cách nào đến được.
Rồi những người buôn cừ tràm ở Ngã ba Thạnh Hóa cũng vậy, từ tàu đò họ vào những cánh đồng tràm nhiều ngày để mua mão rồi mới thuê ghe theo những con kênh chở tràm đi bỏ mối.
Có thể nói, với đặc điểm tự nhiên cùng tập quán nên tàu đò vẫn là nhu cầu không thể thiếu, chiếm một phần quan trọng trong đời sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.