VOF: Biến động tỷ giá, Việt Nam vẫn "hút" vốn ngoại

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:39, 11/09/2015

Gần đây, dòng vốn ngoại chảy vào mạnh nhất ở lĩnh vực dệt may, chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc như một sự kỳ vọng việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP.
VOF: Biến động tỷ giá, Việt Nam vẫn

Trước những biến động về tỷ giá vừa qua, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đọc E-paper

* Việc Trung Quốc và những quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc phá giá đồng tiền gần đây, theo ông đã tác động như thế nào đến tâm lý các nhà đầu tư vào khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam?

- Chúng tôi cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và sẽ tiếp tục duy trì sau các biến động về tỷ giá gần đây.

Việc phá giá tiền đồng lên 3% (kể từ đầu năm 2015) và nới rộng biên độ giao dịch lên 2% là bước đi quyết đoán và hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Việc này sẽ hỗ trợ rất lớn cho tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam. Hai động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững và chúng tôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan.

Ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF)

Thực tế, gần cuối tháng 8, Moodys đã có đánh giá thường niên xếp hạng tín dụng của Việt Nam, theo đó, ghi nhận ổn định của nền kinh tế cộng với đà tăng trưởng được phục hồi.

Chúng tôi nghĩ rằng những điểm mạnh của Việt Nam để thu hút NĐTNN như thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động thạo việc, mức lương cạnh tranh... vẫn nguyên vẹn.

* Với khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động ở Việt Nam, những diễn biến về tỷ giá vừa qua có làm họ lo ngại?

- FDI là dòng vốn đầu tư có xu hướng bền bỉ và gắn kết trong tầm nhìn từ trung đến dài hạn, 3 - 5 năm hoặc hơn nữa. Bằng chứng là trong những năm gần đây, FDI cam kết mỗi năm ổn định trong khoảng 23 - 25 tỷ USD. Việt Nam đang trong top đầu ASEAN xét về tỷ lệ FDI/GDP.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố lượng vốn FDI cam kết từ đầu năm 2015 đến nay đã vượt cùng kỳ năm ngoái sau các tháng đầu năm ít hơn một chút.

Lượng giải ngân cũng tiếp tục cao hơn 10% so với năm 2014. Đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam vẫn đảm bảo tính ổn định và hiệu quả trong năng lực triển khai dự án.

Chúng tôi nhận thấy, gần đây, dòng vốn đi vào mạnh nhất ở lĩnh vực dệt may, chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc như một sự kỳ vọng việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP.

Các dự án này sẽ hỗ trợ sản xuất trong nước để thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường Mỹ và châu Âu.

* Theo ông, từ đây đến cuối năm, nếu tỷ giá tiếp tục biến động sẽ tác động thế nào đến các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam đã đề ra cho năm 2015?

- Chúng tôi không cho rằng nhất thiết phải có sự thay đổi đáng kể nào trong các chỉ số kinh tế mà Chính phủ đã đề ra trong năm nay. Nếu có, nhìn chung lạm phát sẽ tăng.

Song, với việc Nhân dân tệ mất giá và trong bối cảnh giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc thì sắp tới đây, hàng hóa từ Trung Quốc sẽ xuất sang Việt Nam với giá rẻ hơn, lạm phát bị kìm hãm, qua đó, giúp hạ lãi suất và tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tăng 6,2% hoặc có thể cao hơn, khoảng 6,5%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có phát biểu rằng, các mục tiêu kinh tế chính của Việt Nam không có gì thay đổi mặc dù có các biến động tỷ giá. Chúng tôi tin rằng điều này vẫn có cơ sở và có thể đạt được.

* Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng đến dòng đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII) như thế nào, thưa ông?

- Theo thông tin mà VinaCapital nhận được, dự định nâng lãi suất tại Mỹ đã được dời lại đến tháng 12/2015 hoặc xa hơn nữa. Thống đốc FED trong tuyên bố mới nhất bày tỏ quan ngại về nền kinh tế của Trung Quốc tăng chậm lại cũng như đồng tiền biến động.

Dù vậy, dòng vốn FII vào và đến từ Việt Nam sẽ chỉ chịu ảnh hưởng nhỏ, vì Việt Nam vốn không phải là điểm đến của dòng vốn nóng như những nước khác trong ASEAN như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Những nước này có thể sẽ bị rút vốn mạnh hơn và khiến nền kinh tế mất ổn định.

Chúng tôi quan sát thấy các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) tập trung vào Việt Nam cũng có một số biến động, nhưng là để điều chỉnh danh mục theo cơ chế đầu tư chứ không phải là rút vốn ồ ạt khỏi Việt Nam.

* Trái phiếu của Chính phủ Việt Nam hiện vẫn hấp dẫn với khối ngoại?

- Sự quan tâm của NĐTNN (chủ yếu là ngân hàng) dành cho trái phiếu của Việt Nam chưa hề có dấu hiệu sụt giảm. Trái phiếu hiện đang chiếm 10 - 12% lượng giao dịch trên HNX. Với tỷ giá hiện nay cao hơn trước, lợi tức từ trái phiếu có thể tăng nhẹ, giúp tăng lợi nhuận từ kênh đầu tư này.

Hiện tại mức lợi tức 5 năm của trái phiếu chính phủ vào khoảng 6,5%. Với lạm phát đang thấp dưới 1% như hiện nay, lãi thực của trái phiếu khá hấp dẫn với mức rủi ro tín dụng thấp.

* Cảm ơn ông!

 >Ngân hàng gấp rút M&A để thu hút vốn ngoại

>Trung Quốc: Vốn ngoại ồ ạt tháo chạy

>M&A 2015: Bùng nổ dòng vốn ngoại?

>Thị trường BĐS: Hai lợi thế "hút" vốn ngoại

NGUYÊN BẢO thực hiện