Phòng ngừa chứng giãn mạch máu dưới da mặt

Sống khỏe - Ngày đăng : 06:50, 13/09/2015

Chứng giãn mạch máu dưới da hiếm khi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và hoàn toàn có thể điều trị. Bệnh nhân bị giãn mạch máu dưới da, đặc biệt là da mặt nên tìm cách điều trị từ các bác sĩ da liễu.
Phòng ngừa chứng giãn mạch máu dưới da mặt

Giãn mạch máu dưới da (spider veins), còn gọi là vằn mao mạch, là hiện tượng phình giãn các mạch máu bao gồm các mạch máu nhỏ (mao mạch) và các tĩnh mạch ngoại biên.

Đọc E-paper

Biểu hiện là các mạch máu giãn như hình mạng nhện li ti ở dưới da, vùng da có mạch máu giãn nhìn thấy thẫm màu hơn, thường xuất hiện ở những làn da mỏng, yếu, dễ tổn thương như đầu mũi, vùng má, vùng hai bên thái dương, dọc theo vùng trước xương hàm; và một số vùng da khác trên cơ thể như vùng khoeo chân, sau cẳng chân, mặt sau ngoài đùi.

Nguyên nhân đầu tiên gây nên chứng giãn mạch máu dưới da này là tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Bác sĩ Luis Navarro - người sáng lập, Giám đốc Trung tâm điều trị tĩnh mạch ở New York cho biết: “Tia UV có tác dụng trực tiếp trên da bằng cách phá vỡ collagen (các mô liên kết các tế bào bên dưới da), làm cho các mô trở nên yếu, sự liên kết các tế bào trở nên lỏng lẻo, mất đi khả năng đàn hồi. Áp lực xung quanh các mạch máu giảm dẫn đến tình trạng có thể nhìn thấy các mạch máu nổi rõ dưới da, màu đỏ hoặc tím li ti”.

Bác sĩ Tyler Hollmig từ Trung tâm chăm sóc sức khỏe Stanford ở California giải thích: “Trong khi vằn mao mạch trên chân thường có màu xanh hoặc tím thì khi hiện tượng này xuất hiện trên mặt sẽ có màu đỏ tươi; và những mạch máu li ti này có xu hướng giãn ra, nổi bật hơn khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay sau khi tắm nước nóng dưới vòi sen. Ăn thức ăn cay nồng hay uống rượu cũng gây nên tình trạng tương tự”.

Bác sĩ Hollmig cũng khuyên nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu là 30, bôi trên da mỗi 2 giờ, ngay cả khi đang ở trong nhà vì UVA từ ánh nắng mặt trời có thể xuyên qua cửa sổ kính. Ánh nắng mặt trời cũng gây ra tác hại tương tự cho vùng khoeo chân nếu đi chân trần ngoài nắng.

>>Chọn kem chống nắng hiệu quả và an toàn

Một nguyên nhân phổ biến khác cũng gây ra chứng giãn mạch máu dưới da mặt là lạm dụng hóa mỹ phẩm, gặp chủ yếu ở giới trẻ và lứa tuổi trung niên.

Các loại sữa rửa mặt kém chất lượng không rõ nguồn gốc có chứa hàm lượng kiềm, axit và thủy ngân cao cũng khiến da mỏng dần, lão hóa, giảm sức đề kháng cũng như độ đàn hồi, càng làm nổi rõ hơn các mạch máu li ti dưới da.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, chứng giãn mạch máu dưới da hiếm khi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và hoàn toàn có thể điều trị. Bác sĩ Navarro khuyên bệnh nhân bị giãn mạch máu dưới da, đặc biệt là da mặt, ngoài biện pháp tạm thời là dùng việc trang điểm để che những dấu mạch máu li ti, nên tìm cách điều trị từ các bác sĩ da liễu.

Phương pháp điều trị tối ưu hiện nay là sử dụng sóng cao tần hay tia laser với bước sóng được điều chỉnh phù hợp, tác động sâu vào các mô và mạch máu, làm mờ đi các mạch máu dưới da một cách an toàn, giúp giảm bớt sự đậm màu tại các mao mạch và hạn chế sự lan tỏa của chúng trên bề mặt da mặt.

>>Nguy cơ trẻ mắc chứng NTD do mẹ thiếu Folate

A.H.L (theo Healthnews)/DNSGCT