Quy hoạch du lịch Hội An: Nỗ lực thu hút NĐT địa phương

Du lịch - Ngày đăng : 06:55, 16/09/2015

Với ưu thế quy hoạch phát triển sản phẩm tại chỗ, người dân Hội An sẽ có lợi thế trong đầu tư, thuê mướn nhân công và dễ dàng thành công sau một thời gian ngắn.
Quy hoạch du lịch Hội An: Nỗ lực thu hút NĐT địa phương

Một lần đứng ở bãi biển Cửa Đại, tôi cứ thắc mắc tại sao bãi biển này không đẹp như biển Đà Nẵng, hơn chục nhà hàng xây tạm bợ, khách bị trẻ em bán hàng rong quấy rầy tận bàn. Nhìn chung so với sự phát triển khá chuyên nghiệp trên phố Hội An, biển Cửa Đại cách không xa có vẻ nhếch nhác.

Đọc E-paper

Một đơn vị đầu tư đang ủi mặt bằng tại khu vực này cho biết, dự án của đơn vị có diện tích 7.000m2 và đang đề nghị mua hoặc thuê dài hạn thêm 6.000m2 bãi biển để xây dựng khu vui chơi và chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch với nguồn vốn đầu tư khá lớn.

Tuy nhiên lãnh đạo Hội An không cho đơn vị này thuê hoặc mua thêm đất nữa. Phần đất 6.000m2 cứ để đó dành cho dân địa phương. Kể lại câu chuyện này, nhà đầu tư không khỏi buồn, nói: "Để người địa phương làm thì dịch vụ chỉ là những nhà hàng, quán ăn tạm bợ như đang có”.

Việc đầu tư dịch vụ du lịch ở biển Cửa Đại đang là "điểm nóng" khi dư luận luôn bàn đến chủ đề người dân sở hữu đất đai nơi đây không thể chen chân vào các dự án đầu tư lớn của nhà đầu tư phương xa.

Đa số lãnh đạo các địa phương nóng lòng vì sự phát triển nên theo xu hướng quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án "khủng", coi đó là thành tích.

Với những thành phố lớn như Đà Nẵng, sự đan xen thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước và người địa phương đã tạo ra sức bật cho thành phố trong vòng 10 năm phát triển vừa qua, thu hút gần 4 tỷ USD vào hạ tầng và dịch vụ.

Tuy nhiên với Hội An, một đô thị nhỏ, quan điểm đầu tư thế nào để vừa phát triển vừa giữ được giá trị văn hóa, vừa để chính người dân có cơ hội làm giàu là một bài toán rất khó.

Hơn một lần chúng tôi nghe ông Nguyễn Sự - Cựu Bí thư Thành ủy Hội An nói: "Người ta đang đổ xô ra Cù lao Chàm mua đất, dân đang xẻ đất để bán. Tôi phải bảo anh em ngoài đó tìm cách ngăn chặn chuyện này, nếu không ít năm nữa, hết sạch đất, dân Cù lao Chàm chỉ có làm thuê chứ đừng mong làm giàu. Tình trạng ở mấy xã ngoại ô Hội An cũng tương tự, xẻ đất vườn bán hết, nay cơ hội phát triển đến thì không còn cho người địa phương".

Nhớ lại giữa năm 2014, Hội An có một hội nghị kêu gọi đầu tư dịch vụ du lịch Cù lao Chàm và 100 nhà đầu tư được mời tham dự đều là người địa phương.

Đó cũng là cách Hội An thực hiện chủ trương thu hút nguồn lực tại chỗ để quy hoạch du lịch ưu tiên phát triển làng nghề, sinh thái, văn hóa vốn là thế mạnh.

Vì vậy, ngoài một số dự án resort ven biển, khách sạn trong phố có mức độ đầu tư hàng chục triệu Mỹ kim, Hội An vẫn âm thầm ủng hộ cơ hội cho nhà đầu tư địa phương.

Ví dụ ngành may đo thời trang ở Hội An phát triển với 100% là người địa phương, trong đó có những doanh nghiệp sử dụng gần 1.000 lao động, mặt bằng nhà cổ có khả năng tổ chức những điểm phục vụ hàng trăm khách du lịch cùng lúc.

Thậm chí doanh nghiệp tại Hội An có đủ khả năng tài chính mời nhà thiết kế nước ngoài về làm việc và tổ chức các chương trình biểu diễn thời trang lớn. Gần 600 cửa hàng may đo tạo nên thương hiệu may đo thời trang của thành phố này.

Trong quy hoạch phát triển, lãnh đạo Hội An tạo rất nhiều điều kiện để người dân có thể tham gia, như lập chợ đêm thuyết phục người dân bán hàng sản xuất tại chỗ chứ không nhập hàng lưu niệm từ các địa phương khác và hàng Trung Quốc.

Hầu hết các quán ăn mặc dù bán thức ăn với khẩu vị nhiều nơi trên thế giới, có đầu bếp nước ngoài, nhưng phần lớn do người Hội An làm chủ.

Với ưu thế từ quy hoạch phát triển sản phẩm tại chỗ, nên người địa phương có lợi thế trong đầu tư, thuê mướn nhân công, dễ dàng thành công sau một thời gian ngắn.

Thành phố Hội An có thể thành công trong thu hút nguồn lực đầu tư tại chỗ với cách tổ chức các dự án nhỏ. Doanh thu du lịch khoảng 2.188 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015, nhưng chắc chắn là con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Với mức độ khách mỗi năm tăng lên 10 - 15% như hiện nay, khoảng 5 năm tới, khách du lịch đến Hội An sẽ cán mốc trên 3 triệu một năm.

Đó là con số sẽ làm du lịch Hội An lâm vào cảnh quá tải, thậm chí lãnh đạo thành phố cho là "vỡ trận" nếu không cấp bách có quy hoạch mới để phát triển. Hiện tại, nhiều người dân địa phương khác đã đổ về đây buôn bán nhỏ, bắt đầu xảy ra tình trạng lộn xộn trên phố cổ.

Hội An cần quy hoạch du lịch chi tiết về phát triển làng nghề quanh ngoại ô và phát triển du lịch sinh thái tại Cù lao Chàm.

Tạo điều kiện cho người địa phương tham gia vào dây chuyền cung ứng dịch vụ, nhưng Hội An cũng cần những khu du lịch làng nghề, văn hóa và sinh thái, khu nghỉ dưỡng có mức đầu tư lớn, chủ đầu tư đủ sức mang công nghệ quản lý, mô hình mới để thu hút khách ra khỏi không gian phố cổ, đến với làng nghề, ra Cù lao Chàm, một nhiệm vụ rất khẩn cấp để cứu di sản văn hóa thoát khỏi cảnh quá tải đang bắt đầu.

>Lối ra nào cho dự án treo ở biển Cửa Đại?

>Bí thư Thành ủy Hội An: "Đón 3 triệu khách sẽ là nguy cơ mất Hội An"

>Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"

>Du lịch Hội An không còn ảo tưởng

BÍCH HỒNG