Ngày thi đầu tiên: "Điểm cộng" cho sáng tạo và đam mê
Trong nước - Ngày đăng : 00:50, 17/09/2015
Ngày 17/9, Vòng chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 được khai mạc với sự tham gia bảo vệ đề án kinh doanh của 5 thí sinh, trong đó có 2 thí sinh dự thi bằng tiếng Anh và 2 thí sinh thi nhóm.
Các giám khảo chấm thi trong ngày gồm: Doanh nhân Nhan Húc Quân – Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm Newtoyo Việt Nam; doanh nhân Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL); doanh nhân Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Thương mại TST; doanh nhân Trần Trang Nhã - Giám đốc Nhân sự Việt Nam và khu vực Đông Dương Công ty DHL; doanh nhân Tiền Gia Trí - Tổng giám đốc/Giám đốc điều hành Công ty CP sản phẩm đặc biệt Mekong; doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng đại diện và Tư vấn chiến lược của Trường Đại học Northeastern.
Các đề án dự thi gồm:
1/ Áo mưa tiện lợi MAKO của thí sinh Nguyễn Nhật Duy (đề tài nhóm)
2/ Công ty tranh gạo Hương Việt của thí sinh Nguyễn Thị Thu Hoài.
3/ Kinh doanh phụ kiện làm scrapbook (sổ trang trí) của thí sinh Trương Nguyễn Thùy Phương (thi tiếng Anh).
4/ The Corner (Hiệu sách - Dịch vụ sách GÓC) của thí sinh Võ Trần Trang Thy (thi tiếng Anh)
5/ Nhà hàng thực dưỡng AN NHIÊN của thí sinh Đặng Nữ Quế Trâm (đề tài nhóm).
Ban giám khảo buổi thi sáng 17/9 (từ trái sang): Doanh nhân Nhan Húc Quân, doanh nhân Võ Thị Phương Lan, doanh nhân Lại Minh Duy |
Nhận xét chung sau ngày thi ngày đầu tiên, các giám khảo đánh giá cao ý tưởng sáng tạo cũng như sự chuẩn bị kỹ càng của thí sinh đối với đề án. Phần phản biện của các giám khảo không chỉ là sự nhắc nhở giúp thí sinh hoàn thiện đề án về lý thuyết, mà còn là những tư vấn thiết thực để có thể triển khai trên thực tế.
Đối với những đề án có sản phẩm đề cao tính sáng tạo hay phụ thuộc vào xu hướng biến đổi liên tục của thị trường, giám kháo Nhan Húc Quân khuyên thí sinh nên "nhạy bén" hơn trong việc nắm bắt thị trường và nên dành thời gian tìm hiểu thêm những ngành có liên quan đến tính sáng tạo như mỹ thuật, thiết kế,...
Nhóm thí sinh Nguyễn Nhật Duy gây tò mò cho BGK với mẫu thiết kế sáng tạo trong đề án Áo mưa tiện lợi MAKO |
Từ góc nhìn của một nhà tuyển dụng, giám khảo Lại Minh Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này, và bổ sung thêm những tiêu chí tuyển dụng cũng như cách thức "giữ chân" nhân tài gắn bó lâu dài với công ty bằng chế độ lương bổng, quan tâm đến niềm đam mê nghệ thuật của nhân viên...
Ban giám khảo buổi thi chiều 17/9 (từ trái qua): Doanh nhân Trần Trang Nhã, doanh nhân Tiền Gia Trí, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Điệp |
Thí sinh Trương Nguyễn Thùy Phương giới thiệu sản phẩm mẫu của đề án Kinh doanh phụ kiện làm scrapbook (sổ trang trí) do chính mình thiêt kế và sản xuất |
Ngoài ra, đối với những dự án cung cấp loại sản phẩm bán ra theo mùa (mùa mưa, mùa nắng), các giám khảo cũng đề nghị thí sinh nên cân nhắc đến khoảng thời gian công ty không bán được sản phẩm. "Nếu sản phẩm chỉ bán được trong mùa mưa thì nửa năm mùa khô, công ty sẽ bán loại sản phẩm gì? Và nếu không nhận được đơn hàng sản xuất cho mùa khô thì sẽ phải giải quyết vấn đề nhân sự ra sao?", giám khảo Minh Duy nêu vấn đề.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hoài gây ấn tượng với các giám khảo về thông điệp truyền tải trong logo Hương Việt cùng bản kế hoạch tài chính chi tiết của đề án Công ty Tranh gạo Hương Việt |
Cũng liên quan tới yếu tố nhân sự, theo giám khảo Phương Lan, đối với một doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển trong tương lai, cần phải có một lượng nhân viên chủ chốt và gắn bó lâu dài với công ty.
Đồng cảm với những khó khăn ban đầu của các dự án khởi nghiệp, tuy nhiên các giám khảo đều cho rằng, công ty cần tuyển dụng và duy trì một đội ngũ nhân viên trực tiếp (gồm nhân viên marketing, nhân viên điều phối dự án...) ngay từ giai đoạn đầu.
Với phong thái tự tin, thí sinh Võ Trần Trang Thy đã thuyết phục được Hội đồng giám khảo bằng bài thuyết trình tiếng Anh chi tiết của dự án The Corner (Hiệu sách - Dịch vụ sách GÓC) |
Ngoài ra, tính khả thi của đề án cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá dự án. Các giám khảo cho biết, điều này thể hiện rõ nhất qua bài toán tài chính.
Theo giám khảo Tiền Gia Trí, một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh cần phải đưa ra được các con số tài chính cụ thể và hợp lý về: giá thành sản phẩm, dòng tiền, chi phí sản xuất, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR), giá trị hiện tại thuần (NPV),...
Nhóm thí sinh Đặng Nữ Quế Trâm tâm huyết với ý tưởng Nhà hàng thực dưỡng AN NHIÊN |
Thêm vào đó, giám khảo Ngọc Điệp đặc biệt nhấn mạnh đến kế hoạch dự phòng (Plan B) trong đề án. Đây là yếu tố quan trọng trong việc ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh.
Ban giám khảo và các thí sinh tham gia buổi thi chiều 17/9 |
Kết thúc ngày thi đầu tiên, hai đề án nhận được đánh giá cao về tính khả thi là The Corner của thí sinh Võ Trần Trang Thy và Công ty tranh gạo Hương Việt của thí sinh Nguyễn Thị Thu Hoài.
Ban giám khảo và các thí sinh tham gia buổi thi sáng 17/9 |
Dự án áo mưa tiện lợi MAKO của nhóm thí sinh Nguyễn Nhật Duy và dự án kinh doanh phụ kiện làm scrapbook (sổ trang trí) của thí sinh Trương Nguyễn Thùy Phương được các giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo.
Nhóm thí sinh Đặng Nữ Quế Trâm đã thuyết phục các giám khảo về tính phổ quát cũng như xu hướng thời thượng của đề án Nhà hàng thực dưỡng AN NHIÊN.