Nông nghiệp Nhật Bản trước ngưỡng cửa TPP
Quốc tế - Ngày đăng : 07:23, 05/10/2015
Ngoài một lượng gạo được miễn thuế theo thỏa thuận với WTO, Chính phủ Nhật Bản đã áp mức thuế lên tới 778% với các mặt hàng gạo nhập khẩu để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Từng ra nước ngoài nhiều lần để nghiên cứu, học tập các mô hình nông nghiệp tiên tiến, anh Hideaki Kato - một nông dân tại Nagoya tin rằng ngành nông nghiệp Nhật Bản sẽ gặp không ít khó khăn nếu phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài ngay trên sân nhà.
“Nhiều nông dân sẽ gặp khó khăn nếu gạo nước ngoài xâm nhập vào thị trường Nhật Bản”, Hideaki Kato, Nông dân Nhật Bản nói.
Ngoài một lượng gạo được miễn thuế theo thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ Nhật Bản áp mức thuế lên tới 778% với các mặt hàng gạo nhập khẩu để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Chưa kể, để bảo vệ nông dân làm quy mô nhỏ, Chính phủ Nhật Bản cũng áp dụng chính sách kiểm soát sản lượng và đẩy giá gạo lên cao. Thế nhưng giờ đây, các cuộc đàm phán TPP đang mở ra một viễn cảnh đáng lo ngại với người nông dân Nhật Bản.
Ông Kazuisha Komine, Nhà kinh doanh gạo cho rằng: “Nếu gạo nước ngoài xuất hiện trên thị trường Nhật Bản, gạo sản xuất trong nước sẽ phải giảm giá để có thể cạnh tranh và không nhiều nông dân có thể chịu được mức giá đó”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa thị trường gạo sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng Nhật Bản.
“Việc tiếp cận với các loại gạo có giá rẻ hơn sẽ mang lại cho người tiêu dùng Nhật Bản nhiều lựa chọn, họ có thể tiết kiệm được tiền để chi dùng cho việc khác”, bà Tina Burrett, Chuyên gia kinh tế Đại học Temple cho biết.
Anh Suichi Yokota - một nông dân Nhật Bản cho rằng: “Nếu sản xuất hiệu quả hơn, chúng tôi không những có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi có đôi chút lo lắng, nhưng nếu hỏi TPP có là mối đe dọa không ư, tôi không nghĩ thế”.
Tham gia TPP, tuy cạnh tranh gia tăng nhưng cũng là cơ hội lớn đối với ngành nông nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là khi thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng nông sản sạch và có chất lượng cao. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản cũng đang đưa ra những chiến lược cải cách ngành nông nghiệp, đồng thời xem xét nới lỏng các chính sách bảo hộ, với tham vọng đưa ngành nông nghiệp từ chỗ phải phụ thuộc vào trợ cấp Chính phủ trở thành lĩnh vực cạnh tranh thế mạnh của kinh tế Nhật Bản trong 10 năm tới.
Thông tin thị trường chứng khoán và các tin tức đáng chú ý: Ngân hàng thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Siết chặt việc giao dịch ngoại tệ trên thị trường;... sẽ tiếp nối bản tin Tài chính - Kinh doanh trưa. Mời quý vị tiếp tục theo dõi.
>Bê bối Volkswagen châm ngòi phát hiện nhiều gian lận mới