Doanh nghiệp cần được “ổn định niềm tin”
Trong nước - Ngày đăng : 06:24, 09/10/2015
Sau gần một tháng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM triển khai lấy ý kiến toàn thể nhân dân Thành phố vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Dự thảo), Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp (DN) xung quanh các vấn đề như: “Bảy chương trình đột phá” để thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố, vai trò của kinh tế tư nhân, đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển của Thành phố…
Liên quan đến đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này và nhằm tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X, diễn ra từ ngày 13 - 17/10/2015), ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn Online về những góp ý chính và nguyện vọng của cộng đồng DN Thành phố.
* Thưa ông, liên quan đến Dự thảo, đâu là những vấn đề mà cộng đồng DN Thành phố quan tâm?
- Dự thảo về cơ bản đã nêu lên những thành tựu trên tất cả các phương diện của TP.HCM trong nhiệm kỳ qua cũng như những mặt hạn chế cần khắc phục. Những thành tựu mà Thành phố đạt được trong những năm qua đã ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố. Song, trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, giai đoạn 2015 - 2020 mà Dự thảo đã nêu cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN. Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã nhìn nhận vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân là lực lượng nòng cốt để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn nữa, trong mục tiêu phát triển 5 năm tới (2015 - 2020), Đảng bộ và chính quyền Thành phố đặt trọng tâm vào việc xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Muốn vậy, ngoài sự quyết tâm, kiên định của cả hệ thống chính trị thì doanh nhân là đội ngũ đi đầu, họ thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, lẫn góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Điển hình như với mục tiêu giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn Thành phố, theo tôi, giải pháp căn cơ và ổn định nhất là phải tập trung phát triển cộng đồng DN, chăm lo cho DN vững mạnh, nhằm giải quyết công ăn việc làm cho toàn xã hội.
TP.HCM hiện có hơn 200.000 DN, nếu mỗi DN giải quyết tối thiểu 10 lao động thì toàn Thành phố sẽ có 2 triệu lao động có việc làm. DN có vững mạnh thì đời sống của cán bộ nhân viên, người lao động mới được cải thiện và ổn định.
Ngoài ra, trong “Bảy chương trình đột phá” của Thành phố mà Dự thảo đề cập, việc đưa “Chương trình phát triển nguồn nhân lực” lên vị trí hàng đầu là điều đúng đắn. Song, do TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước nên phải đặt rõ nét hơn nhiệm vụ đi đầu, dẫn dắt trong thực hiện định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tiên phong trong công tác hội nhập. Những vấn đề này phải đặc biệt được quan tâm để định hướng cho DN. Khi đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới thì trong “Bảy chương trình đột phá” phải đề cập đến DN để kích thích kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển.
Trong giai đoạn mới, để TP.HCM có cộng đồng DN lớn mạnh, những thương hiệu tầm cỡ, Thành phố phải tiếp tục tập trung thúc đẩy cải cách kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải tiến công tác đào tạo, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, đồng thời quyết tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, nhanh chóng đưa chính sách đi vào thực tế.
Thêm nữa, để nội dung Dự thảo đa dạng và đầy đủ hơn, từng chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nên có giải pháp cụ thể đi kèm. Trong từng nhóm giải pháp đó, ai sẽ là người chỉ huy và quy định trách nhiệm đến mức độ nào... Tôi đã kiến nghị với Trung ương cho phép TP.HCM thí điểm chương trình lấy kiến của DN đánh giá về các cơ quan quản lý nhà nước theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm để làm cơ sở điều chỉnh thái độ cũng như cách xử lý công việc của các cán bộ quản lý.
* Trong “Bảy chương trình đột phá” của TP.HCM giai đoạn 2015 - 2020 mà Dự thảo đề cập có nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), theo ông, công tác này trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến DN chưa?
- Trước đây, vấn đề CCTTHC đã được tiến hành nhưng thời gian gần đây, khi Việt Nam bước vào hội nhập sâu rộng thì chúng ta càng đẩy mạnh công tác CCTTHC và đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, chẳng hạn như triển khai thủ tục hải quan điện tử, khai thuế điện tử… Ngoài ra, chúng ta đã triển khai cơ chế một cửa để rút ngắn thời gian, quy trình làm thủ tục của DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời gian tới, Thành phố cần thực hiện quyết liệt hơn, “một cửa” nhưng cũng phải đi kèm “một dấu”. Chẳng hạn, nếu DN xin đầu tư dự án thì chỉ cần đến duy nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình hồ sơ, còn những thủ tục có liên quan khác như: Phòng cháy chữa cháy, môi trường,… thì các Sở phải liên kết với nhau giải quyết cho DN, để cuối cùng trình UBND Thành phố ra quyết định cho DN.
CCTTHC là cốt lõi thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM và cái “gốc” của vấn đề là con người (cán bộ quản lý nhà nước), anh phải tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, đồng hành và chia sẻ những khó khăn của DN.
* Giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM đặt quyết tâm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, đội ngũ doanh nhân, DN là lực lượng đi đầu, đặc biệt là tạo ra những DN lớn, thương hiệu vững mạnh có vai trò dẫn dắt. Nhưng để TP.HCM ngày càng có nhiều DN lớn, thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, theo ông, Thành phố cần làm gì?
- Vấn đề hàng đầu của người điều hành doanh nghiệp hiện nay là niềm tin, tin vào chủ trương, chính sách của Nhà nước ổn định ra sao, thông thoáng thế nào…? Cộng đồng DN cũng mong muốn một “sân chơi” bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Theo tôi, quá trình thực thi chính sách là nền tảng để xây dựng niềm tin cho DN. Có ổn định được niềm tin thì DN mới yên tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó mới có được những DN lớn, mạnh và thương hiệu bền vững.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
>Hơn 15.000 ý kiến góp ý Dự thảo Đại hội Đảng TP.HCM lần X
>TP.HCM tổ chức thảo luận, góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X