Phim tài liệu: Việt Nam kể câu chuyện toàn cầu
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:21, 12/10/2015
Sau 20 phút nhận giải thưởng 20 ngàn USD cho dự án phim Những lời cuối cùng của cha tôi, đạo diễn Đoàn Hồng Lê chưa hết ngỡ ngàng trước thành công bất ngờ tại Liên hoan Phim quốc tế DMZ được tổ chức hằng năm ở Hàn Quốc, với chủ đề "Hòa bình và thấu hiểu", và câu đầu tiên chị nói là: "Có tiền để tôi hoàn chỉnh bộ phim rồi".
Đọc E-paper
Kinh phí luôn ám ảnh những nhà làm phim tài liệu và độc lập. Vậy đâu là con đường để những thước phim tài liệu Việt Nam đến được với khán giả trong nước với chất lượng cao, và đâu là con đường để giới thiệu cuộc sống thật đúng với bản chất của nó với mọi người trên thế giới. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, một người làm phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam đóng tại Đà Nẵng, đồng thời cũng là thành viên của Varan, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trực tiếp theo phong cách Pháp, đã đem theo một đoạn "trailer" khoảng 10 phút trong tổng số hơn 1.000 phút phim đã quay để giới thiệu với Ban giám khảo và Quỹ Hỗ trợ điện ảnh DMZ tại Hàn Quốc, địa điểm sát biên giới ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên.
Với đoạn "trailer" 10 phút, làm thế nào để Ban giám khảo và khán giả nhận định đây là đề tài coi được, hoặc có một giá trị nào đó để quyết định trao giải cho một dự án phim chưa hoàn tất? Và đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã có những quyết định đầy mạo hiểm nhưng phù hợp với một sân chơi lớn như Liên hoan Phim quốc tế DMZ, kể một câu chuyện tại Việt Nam với một cái nhìn toàn cầu.
Dự án phim tài liệu dài Những lời cuối cùng của cha tôi đã được chọn lựa từ gần 150 dự án của các nhà làm phim độc lập khắp châu Á gửi đến. Có lẽ câu chuyện về một Việt Nam ngày nay đặt trong những liên kết lịch sử và văn hóa với phần còn lại của thế giới đã gây được chú ý. Thế giới biết đến Việt Nam như một đất nước từng bị chia cắt, cuộc chiến tranh kéo dài, sự can thiệp của Mỹ, và ngày nay đã thống nhất, hòa bình. Và những người cuối cùng của một giai đoạn đang suy nghĩ thế nào về quá khứ là cách đạo diễn Đoàn Hồng Lê sẽ diễn đạt trong bộ phim tài liệu này, thông qua câu chuyện về người cha 80 tuổi.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê diễn giải: "Những lời cuối cùng của cha tôi là ký ức về "mối tình đầu" của cha tôi với cách mạng. Vào năm 1945, khi làn sóng cách mạng tràn qua các làng quê Quảng Nam, ông đã đi theo những "đoàn giải phóng quân một lần ra đi, là có sá chi đâu ngày trở về” bằng một tình yêu hồn nhiên, đẹp đẽ.
Cha tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, ông bị bệnh Alzheimer - chứng bệnh lấy đi trí nhớ trong hiện tại nhưng lại giữ được những ký ức từ rất xa trong quá khứ. Chính vì vậy, những kỷ niệm về "mối tình đầu" lãng mạn, thơ ngây của tuổi trẻ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, và cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, khi mọi thăng trầm của đời sống và thời cuộc qua đi hết trong lãng quên thì trong lòng ông chỉ còn lại một tình yêu đó”.
Cũng có người hỏi đạo diễn, phải chăng chiến tranh Việt Nam là một mỏ vàng có thể khai thác mãi mãi, nữ đạo diễn trẻ trả lời dứt khoát: "Cuộc sống hiện tại là một mỏ vàng sống động và ta phải khai thác ở thì hiện tại, không cần nương tựa vào chiến tranh, lịch sử hay bất cứ giá trị nào khác. Chỉ nhìn vấn đề đó ở góc độ toàn cầu thì sẽ được chấp nhận.
Bộ phim của tôi nương theo cuộc đời của người cha, nhưng vẫn là cái nhìn thời đại về một giai đoạn lịch sử. Số tiền thưởng cho dự án phim này sẽ được sử dụng cho việc mời các chuyên gia dựng phim, hậu kỳ từ nước ngoài về làm việc để bộ phim có chất lượng kỹ thuật đúng chuẩn quốc tế. Từ đó bản phim hoàn chỉnh chính thức sẽ được giới thiệu không chỉ với khán giả trong nước mà còn được Varan đưa đi giới thiệu tại các liên hoan phim quốc tế với tư cách phim độc lập".
Và thế giới đang làm gì với phim tài liệu? Đạo diễn Hồng Lê kể thêm: "Những dự án đã được tuyển chọn tham dự liên hoan phim này đều là những câu chuyện thú vị. Có thể thấy, phim tài liệu dù thuộc loại phim hiện thực, thể nghiệm, hoạt hình hay tài liệu - truyện thì vẫn là tấm gương phản chiếu trung thực nhất về tình hình chính trị - xã hội ở các quốc gia.
Phim đến từ các nước đang phát triển thì đề cập những vấn đề của phát triển: đô thị hóa, nông dân mất đất, cuộc sống của tầng lớp lao động, các mâu thuẫn xã hội. Phim đến từ các nước giàu thì lại là những mối ưu tư của xã hội đã ổn định: già hóa dân số, chính sách, sự cô đơn của con người, truyền thống và hiện đại... Phim tài liệu cho thấy sự chuyển động của hiện thực xã hội một cách tinh tế từ bên trong, chính vì vậy, nó vẫn luôn có một chỗ đứng riêng bên các loại hình nghệ thuật khác".
Vậy bắt đầu một phim tài liệu như thế nào? Đạo diễn trẻ nói: "Bạn hãy cầm máy quay phim lên và suy nghĩ về những gì đang xảy ra sau ống kính!".
>Phim lịch sử đặc biệt "Người cộng sự" lên sóng VTV
>7 phim tài liệu truyền cảm hứng cho doanh nhân trẻ
>Bí mật về ‘chiến tranh kinh tế’ của Trung Quốc
>Ký họa chiến tranh VN tại triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới