Tổng giám đốc MOG Việt Nam: Khởi nghiệp lần thứ... n

Start up - Ngày đăng : 03:22, 21/10/2015

Thất bại nhiều lần nhưng chính thất bại lại mang đến cho Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc MOG Việt Nam, những cơ hội để anh có thể bắt đầu lại và mở đường cho thành công đến với mình.
Tổng giám đốc MOG Việt Nam: Khởi nghiệp lần thứ... n

Thất bại nhiều lần nhưng chính thất bại lại mang đến cho Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc MOG Việt Nam, những cơ hội để anh có thể bắt đầu lại và mở đường cho thành công đến với mình.

Đọc E-paper

Trên trang chủ của mình, Công ty Thanh toán di động Fortumo vừa công bố hợp tác với 1Pay, một dịch vụ thanh toán do Công ty MOG Việt Nam cung cấp. Cả hai sẽ cùng triển khai phương thức direct carrier billing - thanh toán trực tiếp thông qua tài khoản điện thoại tại thị trường Đông Nam Á.

Những thất bại dây chuyền

Fortumo là công ty toàn cầu cung cấp các dịch vụ thanh toán trên di động. Thành lập vào năm 2007 và được đầu tư bởi hai quỹ đầu tư lớn trên thế giới là Intel Capital và Greycroft Partners, Fortumo hiện nay có 7 văn phòng đại diện trên toàn thế giới.

Tính tới thời điểm 2015, Fortumo đã cung cấp dịch vụ carrier billing ở hơn 90 thị trường, trở thành công ty có độ phủ lớn nhất trong tất cả các công ty cung cấp dịch vụ carrier billing trên thế giới. Hợp tác giữa 1Pay và Fortumo thu hút được sự quan tâm của truyền thông quốc tế.

Trang tài chính Finextra của Anh cũng đã đưa tin về việc hợp tác này. Đây là một tín hiệu vui cho ngành công nghệ Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. "Chúng tôi bắt đầu từ việc đi tìm những miếng ghép cho thị trường", Trần Anh Dũng bắt đầu câu chuyện của mình.

Sinh năm 1979, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Dũng có được 8 năm làm việc đúng với chuyên ngành được đào tạo là kỹ sư phần mềm cho FPT. Những ngày làm gia công phần mềm đã cho anh khá nhiều kỹ năng cùng với cái nhìn tổng thể về quy trình sản xuất phần mềm, core banking... cũng như kinh nghiệm làm việc với các đối tác lớn.

Hết 8 năm thì... chán làm thuê và tập tành khởi nghiệp bằng việc kinh doanh một nhà hàng. Không lỗ, nhưng chẳng lời suốt hơn 1 năm, nhìn lại quyết định của mình, Dũng nhận ra, không mất tiền nhưng lại mất thời gian nên quyết định đóng cửa.

Đương khi còn "lông bông" với các ý tưởng khởi nghiệp thì anh được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gọi về, giao nhiệm vụ xây dựng Visky với 2 triệu USD vốn ban đầu để gây dựng một trung tâm sáng tạo các ứng dụng internet.

Quy tụ hơn 200 con người giỏi, đưa ra được những sản phẩm có thể gọi là "bắt đúng sóng" nhu cầu của người dùng internet hiện nay như sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng chat trực tuyến OTT, cổng thanh toán điện tử... cách đây 5 năm nhưng đáng tiếc, dự án này lại thất bại do nhiều nguyên nhân.

Người điều hành FPT thời điểm đó quyết định xé lẻ các bộ phận của Visky, trong vai trò Giám đốc Công nghệ Visky lúc đó, Trần Anh Dũng một lần nữa lại chia tay FPT, đầu quân về Công ty Công nghệ Tinh Vân với mong muốn tạo dựng xalo.vn, một công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt.

"Sau chuyến tham quan Google, tôi vỡ ra rằng, mình không thể làm tốt như "ông trùm" ấy nên quyết định bỏ cuộc", anh kể về lần thất bại cuối cùng của mình như thế.

Chìa khóa thành công

"Chẳng lẽ mình cứ thất bại mãi", Trần Anh Dũng đã tự hỏi như thế khi quyết định khởi nghiệp lần thứ... n. Năm 2011, dù smartphone chưa phổ biến nhưng nhu cầu giải trí bằng điện thoại đã nhen nhúm. Người dùng "khát" game cho điện thoại và những công ty viết phần mềm thì "khát" người dùng.

Chỉ có điều không có chiếc cầu nối nào giữa hai đầu cung - cầu ấy. Phát hiện ra miếng ghép còn thiếu của thị trường, Dũng quyết định dấn thân, bắt đầu từ việc tìm người cùng chí hướng. "Kinh nghiệm của tôi là tìm cộng sự không chỉ cần giỏi mà phải phù hợp", Dũng tiết lộ.

Sau 2 tuần, mWork, đứa con đầu tiên của MOG ra đời. Chỉ với giao diện đơn giản nhưng mWork lại có khả năng trở thành trung tâm phân phối game cho điện thoại duy nhất thời bấy giờ. Lợi nhuận thu được từ những người tải game được chia sòng phẳng cho cả 3 bên, nhà sản xuất, các đơn vị phân phối trực thuộc và mWork.

Dũng kể, những ngày đầu, anh và cộng sự đêm nào cũng phải thức đến 3 giờ sáng để... duyệt tài khoản đăng ký mWork. Và thành công của mWork đã tạo đà cho nhiều ý tưởng lẫn dự án khác của MOG.

Trong đó đáng kể có 1Pay, một công cụ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và tích hợp tất cả các hoạt động thanh toán qua di động cho các hoạt động thương mại và nội dung số một cách đơn giản và tự động. Theo Anh Dũng, nền tảng này ra đời xuất phát từ chính nhu cầu kiểm soát dòng tiền của các hoạt động kinh doanh mWork.

Năm 2013, 1Pay đã vượt qua tổng số hơn 35 dự án khởi nghiệp để giành giải nhất tại cuộc thi Demo Asia và đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự Demo Fall 2013 tại Thung lũng Silicon.

1Pay hiện tại là số 1 trong những nền tảng mở cho thanh toán di động tại Việt Nam với hơn 15 triệu giao dịch thanh toán trong năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tương đương 100%/năm.

"1Pay đã hợp tác được với hơn 3.000 khách hàng trong nước, 33 đối tác quốc tế đến từ 8 vùng lãnh thổ quốc gia khác nhau. Chúng tôi có tham vọng trở thành nền tảng thanh toán hàng đầu tại Đông Nam Á trong vòng ba năm tới", Dũng khoe.

Bước đầu tiên trong hành trình đó là việc Dũng đang ráo riết thành lập văn phòng MOG tại Indonesia trong quý IV/2015. Anh tiết lộ: "Điều kiện của Indonesia hiện nay khá tương đồng với Việt Nam lúc chúng tôi mới thành lập 1Pay. Đó là môi trường tốt để MOG có bàn đạp tiến ra thị trường thế giới".

>6 startup đáng chú ý đến từ Israel

>4 dấu hiệu cho thấy startup cần thay đổi định hướng

>5 lợi ích của thất bại

>11 yếu tố tạo nên thành công

ĐẶNG QUÝ YÊN