Hùng vĩ xứ sơn khê

Du lịch - Ngày đăng : 06:45, 23/10/2015

Đi dọc con sông với nhiều thác nước để được chứng kiến tài nghệ vượt thác của người lái đò, hay thưởng thức văn hóa bản địa là cơ may hiếm hoi trong đời.
Hùng vĩ xứ sơn khê

Ấy là con sông Long Đại ở thượng nguồn hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) - nơi lưu dấu và sinh sống của người dân tộc Vân Kiều. Tên sông có nghĩa là "Rồng Lớn", và nó chứa đựng vô số bí tích kỳ lạ. Đi dọc con sông với nhiều thác nước để được chứng kiến tài nghệ vượt thác của người lái đò, hay thưởng thức văn hóa bản địa là cơ may hiếm hoi trong đời. 

Đọc E-paper

Bờ bãi Long Đại là xứ sơn khê hùng vĩ với những ngọn núi in bóng xuống phá Hạc Hải ở miền xuôi và ẩn chứa bên trong nó là vô số câu chuyện kỳ bí về tự nhiên và lòng người. Những ghi chép này chỉ là phần nhỏ về con sông thơ mộng với anh em Vân Kiều và mát mẻ với đồng bào Kinh.

Bí ẩn Răng Lược

Giọt nước đầu tiên của Long Đại là đỉnh cao 1.001m ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy bên Tây Trường Sơn. Người Vân Kiều gọi tên nó và một phần khác của dãy Trường Sơn trên quê hương mình là núi Răng Lược. Nơi họ sống có chỏm núi bốn mái, một đổ về phía Lào, một đổ về phía Bắc, một đổ về phía biển và một đổ về phía Nam được gọi tên là Răng Lược trung tâm.

Núi Răng Lược như một bái vật giáo của người Vân Kiều ở Làng Ho, nó tượng trưng cho sức mạnh bền bỉ của con người ở bản làng xung quanh, đó cũng là ngọn núi đoàn kết và thủy chung của những tộc người sống ở vùng biên giới Lào - Việt.

Già làng Hồ Cao (hoặc Hồ Thanh Bình), đã sống qua 80 mùa rẫy giữa vùng Làng Ho, nói: "Núi ở đây là tinh thần, cũng là chốn linh thiêng của bản làng Vân Kiều ta và anh em Lào bên dưới mái núi Răng Lược".

Nước nguồn từ rặng Răng Lược được phân bố thành từng dòng nhỏ và tạo ra các dòng suối, chia đều cho người Vân Kiều ở thượng nguồn Kiến Giang, người anh em Kinh phía đồng bằng, và những bản làng của người Lào phía bên kia biên giới.

Từ dãy Răng Lược, người Vân Kiều có nhiều truyền thuyết và tục lệ thể hiện qua các lễ hội, sinh hoạt dân gian từ dưới suối, trên rẫy, khi sinh nở và lúc qua đời. Một trong số đó là truyền thuyết lạ lẫm về nòi giống của họ: Từ rất xa xưa, Giàng đã sai thần Tha Xa Vắn cùng nữ Thơ Ly Chăn xuống khai phá đất đai. Hai người yêu nhau, sinh con đẻ cái ở vùng đất Làng Ho, tạo ra hậu thế Vân Kiều phía Việt Nam và Lào.

Có người kể rằng, hai vị thần này tạo ra dòng sông Long Đại để con cháu họ được hưởng dòng nước mát quê hương và có nước tưới tắm cây cối, trồng rẫy, sinh tồn. Vì thế mà với họ, Long Đại rất linh thiêng.

Bên sông Long Đại, xứ Pay Pa Rùng đẹp như tranh thủy mạc

Dòng sông trăm thác đổ về Đông

Chúng tôi có dịp ngược dòng Long Đại để tìm về cội nguồn bí tích Vân Kiều. Ngược xuôi con nước ở đây chỉ có thuyền vỏ nhôm mới vượt qua được thác ghềnh hiểm trở.

Hà - tay lái đò máy ở xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), thông thạo từng đợt nước, từng con thác, từng khúc cua đầy đá lởm chởm, kể: "Em hành nghề chở gỗ keo, bạch đàn cho đồng bào Vân Kiều nên chạy được ở đây chứ người khác không quen là chìm đò khi vượt thác".

Hà quả là một tay lái đò cừ khôi ở thượng nguồn Nhật Lệ. Có 13 thác nước hiểm trở như Tam Lu, Lôộc Côộc, Đá Búa, Nước Đắng,... Hà đều vượt qua với tài nghệ điêu luyện.

Mỗi lần đi qua thác nước, Hà bảo chúng tôi cứ ngồi yên, dù thuyền có lắc, có rung, có gần chìm, nước có tràn vào cũng ngồi im. Chúng tôi răm rắp nghe theo và cùng Hà vượt qua những mỏm đá đội nước đến thót tim.

Hà - người lái đò vượt thác trên dòng Long Đại

Những người già nhất ở Vân Kiều như già Hồ Thao tự hào với con sông dài chỉ 100 cây số mà có đến 100 thác nước lớn nhỏ. Có người nói phải đến 120 thác, bởi có những thác nước hùng vĩ chỉ xuất hiện vào mấy tháng mùa mưa.

Già Hồ Thao tiết lộ: "Thác Chàn Lụa chỉ xuất hiện 4 tháng thôi nhưng nước chảy từ trên núi xuống sông, bên trên mây phủ, đẹp không thể tả”.

Cả trăm thác nước mùa Hạ chảy êm như ru, nhưng mùa Thu - Đông thì nước đổ ầm ào. Gần như ở xứ nào trên các dòng sông cũng hiện diện các nhà máy thủy điện bậc thang, riêng Long Đại không có bóng dáng một nhà máy thủy điện nào. Đây là điều may mắn vì trăm thác được đổ về Đông mà không bị cản trở - một quang cảnh hiếm hoi của các con sông Việt Nam.

Căn nguyên là ngày trước người ta từng quy hoạch hơn 15 nhà máy thủy điện bậc thang trên con sông này, nhưng mới đây, HĐND tỉnh Quảng Bình đã biểu quyết không cấp phép đầu tư thủy điện bậc thang để bảo vệ tài nguyên cảnh quan.

Các chuyên gia đánh giá đây là quyết định sáng suốt, vì cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái đặc hữu cả rừng núi và thủy sinh rất hiếm nơi có.

Hào khí Cần Vương

Đến bản Lâm Ninh (Trường Xuân), ngồi với già Hồ Thao trong ngôi nhà mặt hướng ra dòng sông của ông, nghe ông kể ở xã này xưa từng có một thủ lĩnh Cần Vương mộ dân lập cứ chống người Pháp theo gương vua Hàm Nghi. Anh em người Kinh, người Vân Kiều đều tập hợp dưới ngọn cờ khởi nghĩa của phong trào Cần Vương.

Thời đó có cụ Dương Tỵ người gốc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chiêu mộ dân rồi ngược ngàn lên xứ Pay Pa Rùng lập cứ theo hịch Cần Vương. Sử sách còn ghi lại tráng sĩ Vân Kiều, văn thân người Kinh một lòng yêu nước. Dân được thu nạp ngược sông để lập cứ và được gọi là làng Mộ, có nghĩa là chốn mộ dân kháng Pháp.

Ngày nay, làng Mộ ấy được đổi thành làng Mô vì một thời bản đồ Pháp phiên âm Mộ thành Mo. Người Vân Kiều còn nhớ, khi thủ lĩnh Dương Tỵ qua đời, để tránh tai mắt thực dân, các tráng sĩ Vân Kiều đã an táng ông sâu trong hẻm núi Pay Pa Rùng. Những năm cuối thế kỷ XX, con cháu ông định cư ở xã Hàm Ninh đã theo chỉ dẫn vào bốc cốt, lúc đào xuống huyệt mộ thấy một tổ mối vàng óng.

Ngày còn bóng cờ Cần Vương, vùng Pay Pa Rùng tuy hiểm trở, bí mật nhưng núi rừng rộng lớn không thiếu vắng hào khí Cần Vương.

Bến sông Hôi Rấy ngày đó đông đúc, rộn ràng, vậy mà giờ đây chỉ còn sót lại một cái lán nhỏ buôn bán ven sông. May còn bản làng ở đây lưu dấu hào khí một thời mà họ vẫn kể cho con cháu nghe những tấm gương oanh liệt của tráng sĩ ngày xưa chiến đấu để giành lại nước non.

Anh em Vân Kiều và người Kinh ở lưu vực sông Long Đại đều nương nhờ bóng núi linh thiêng ở đây. Nổi trội nhất là hai ngọn núi đứng xa cả 50 kilomet vẫn còn thấy dáng hình, đó là núi Thần Đinh và núi Đầu Mâu. Vẻ đẹp của hai ngọn núi này được mô tả trong sách xưa bằng câu: "Đầu Mâu vi bút/ Hạc Hải vi nghiên".

Người xưa xem núi Đầu Mâu như bút, phá Hạc Hải như nghiên mực, biểu trưng cho nhân cách đáng kính của các bậc tiền nhân đã sinh ra, lớn lên ở đây và được lưu danh muôn thuở, như người mở cõi phương Nam Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và nhiều danh nhân khác.

Bài 2: Văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều

>Lang thang qua Mỏm Đá Chim

>Nam Tây Nguyên mùa xanh lá

>Về nơi đất lành quả ngọt

>Cung đường trà cổ

HÀN THƯ