Khi tín dụng biến "đen" thành "trắng"
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:38, 28/10/2015
Thị trường "tín dụng đen" tại Việt Nam lại phát triển mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, con số này đã ở mức 50 tỷ USD.
Theo số liệu từ Bộ Công an, chỉ trong 4 năm, từ 2010 đến 2014, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến "tín dụng đen", trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng.
Là người có kinh nghiệm đầu tiên trong việc tư vấn thành lập công ty tài chính (CTTC) tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa tỏ ý bức xúc trước thực trạng này và nhấn mạnh: "Tín dụng đen vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động, quy mô có thể lên tới hàng chục triệu USD. Sở dĩ có tình trạng này là do pháp luật không nghiêm, chế tài còn quá yếu. Có thể nói tín dụng đen là ung nhọt của thị trường tín dụng cần phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể”.
Có lẽ hình thức tín dụng đen tồn tại quá lâu và bành trướng đến nỗi người tiêu dùng Việt Nam dù đã tiếp nhận sự ra đời của CTTC song vẫn bị nhầm tưởng việc cho vay tiêu dùng lãi suất cao đều là "tín dụng đen".
Từ thực trạng này, người ta kỳ vọng các CTTC phát triển nhiều hơn nữa, nhiều đến mức có thể đẩy lùi tín dụng đen ra khỏi suy nghĩ của người tiêu dùng.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần hỗ trợ phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng của các CTTC.
Bởi chỉ CTTC mới có loại hình cho vay tài chính này hoạt động như một tổ chức tín dụng (TCTD), đăng ký công khai, có sự quản lý từ các cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Phần lớn các chuyên gia thống nhất quan điểm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững là cách bảo vệ quyền lợi khách hàng, góp phần giảm tình trạng cho vay nặng lãi...
Muốn vậy, thời gian tới, cần quy định về cho vay tiêu dùng đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các TCTD theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam, đi đôi với việc nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động của các TCTD, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.
Việc biến "đen" thành "trắng" đối với thị trường tài chính Việt Nam là không khó đối với các CTTC vì họ đang làm rất tốt phần việc của mình. Ước tính, riêng TP.HCM có khoảng 12 CTTC đang hoạt động trong lĩnh vực này, với các sản phẩm từ vay trả góp mua xe gắn máy, mua điện thoại, máy tính, vay tiêu dùng...
Thị phần của các công ty không ngừng gia tăng, do nhu cầu từ người dân là rất lớn, nhất là những người không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng (NH).
Điểm trừ duy nhất đối với CTTC lúc này vẫn là lãi suất cao. Theo đó, với mức lãi suất cho vay phổ biến từ 39 - 49%/năm, cao gấp nhiều lần so với NHTM làm nhiều người vay phật lòng.
Chính ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng thừa nhận lãi suất nếu tính theo dư nợ gốc thì có nhiều ưu đãi nhưng khi tính toán kỹ thì tổng lãi phải trả cao hơn rất nhiều lãi suất trên dư nợ giảm dần.
Còn theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, nợ xấu phân khúc cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 5% nhưng lãi suất lên tới gần 50%/năm là khá cao. Ông Nghĩa cho rằng, cần có cơ chế từ quản lý từ phía NHNN để lãi suất đừng tăng quá cao hoặc cho nhiều tổ chức tài chính cùng hoạt động để cạnh tranh, giảm lãi suất.
Rõ ràng, vay tiêu dùng tại các CTTC có điểm tích cực là thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh kể cả những món vay nhỏ lẻ, vay trả góp đang hấp dẫn những người có nhu cầu.
Song, dù có vài trò quan trọng nhưng các CTTC lúc này vẫn phải giải quyết mức lãi suất sao cho hợp lý nhất, để không làm mất lòng người vay.
Và khi xét về lãi suất cao, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn giữa lãi suất NH với lãi suất vay tại CTTC. Sản phẩm người dân vay tại CTTC so với lãi suất phi NH là không cao.
Chưa kể, các NH cũng tham gia thị trường bán lẻ với những món cho vay nhỏ lẻ ở các chợ nhưng không đi sâu vì không chấp nhận rủi ro.
Trong khi đó, hiện nay, các nhân viên của các đơn vị này xuống tận các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh xe máy, ô tô, điện tử, hàng gia dụng, thậm chí ở các chợ để tư vấn trực tiếp hoặc thông qua các hình thức khác như điện thoại, tin nhắn.
Như vậy, CTTC cho vay liều hơn, rủi ro cao hơn, lãi suất cũng cao hơn. Đây chính là mô hình kinh doanh chuẩn của CTTC.
Thế nhưng, việc lấy lãi suất lắp rủi ro của CTTC hiện nay đang đẩy rủi ro cao về phía người vay tiêu dùng.
Theo đó, một số người đặt câu hỏi: Việc rủi ro mất vốn từ những khách hàng chây ì phải do CTTC cân nhắc sẽ hay hơn là cào bằng sang lãi suất cho vay đối với người đang hoàng. Chỉ khi nào giải quyết được điều đó, thì thị trường tài chính chuyên nghiệp mới có thể phát triển như kỳ vọng.
>Vì sao nhiều người "sập bẫy" tín dụng đen?
>Tái cấu trúc ngân hàng tạo nên "quỹ tín dụng đen"?