Hội nghị quốc tế về khí hậu Paris: Cam kết của các thương hiệu toàn cầu
Quốc tế - Ngày đăng : 09:39, 29/10/2015
Sự tham gia của các thương hiệu lớn nhất thế giới có giá trị vốn hóa thị trường của hơn 5 ngàn tỷ USD, sẽ thúc đẩy hiệp ước khí hậu ở Paris có kết quả tích cực.
Đọc E-paper
Johnson & Johnson, Procter & Gamble, Nike và IKEA là những thương hiệu mới tham gia ký cam kết cùng Chính phủ Mỹ hành động chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama muốn mang tới Hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.
Trước đó, Tổng thống Obama đã gặp các CEO của 5 công ty lớn gồm Johnson & Johnson, Intel, Hershey, PG & E và Berkshire Hathaway trong một thảo luận về cách thức các công ty tham gia cắt giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới. Ông Obama hy vọng rằng sự hỗ trợ từ các công ty có giá trị vốn hóa thị trường của hơn 5 ngàn tỷ USD sẽ thúc đẩy hiệp ước khí hậu ở Paris có kết quả tích cực.
Nếu thành công, đây sẽ là một di sản của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ cuối của mình. Tổng thống Obama đã loan báo "Kế hoạch năng lượng sạch", nhấn mạnh đây là bước tiến lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn còn đang chia rẽ chính trị ở Mỹ khi Đảng Cộng hòa chỉ trích ông Obama "vi hiến và có nguy cơ làm tổn thương khả năng cạnh tranh, kinh tế Mỹ”.
Mặc dù vậy, tại Mỹ, tổng cộng đã có 81 công ty ký cam kết hành động, trong đó bao gồm Dell, Hewlett-Packard, Siemens, McDonald, Sony, Starbucks... Đây là đại diện cho 30% của 50 công ty lớn nhất ở Mỹ, tuyển dụng hơn 9 triệu người tại 50 bang. Alex Gorsky, Giám đốc Điều hành của Johnson & Johnson, cho biết, khi ngày càng nhiều công ty lớn tham gia cam kết này sẽ có "tác động rất đáng kể” để thúc đẩy một thỏa thuận khí hậu.
Ngoài việc ký cam kết hỗ trợ một thỏa thuận chống thay đổi khí hậu ở Paris, nhiều công ty công bố cam kết bao gồm việc giảm lượng khí thải carbon đến 50%, cắt giảm sử dụng nước 80% và đảm bảo 100% năng lượng sử dụng là năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, IKEA cam kết sản xuất năng lượng tái tạo bằng với mức mà hãng này sẽ tiêu thụ trên toàn cầu vào năm 2020, trong khi Johnson & Johnson tuyên bố sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon bằng 80% vào năm 2050. Dell cho biết sẽ cắt giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2020, so với năm 2012, và 50% năng lượng sử dụng từ năm 2020 sẽ là năng lượng tái tạo. Nike có kế hoạch sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025...
Sự thay đổi tích cực này đến từ áp lực của chính người tiêu dùng trên toàn cầu. Thế giới đang ngày càng nhạy cảm với biến đổi khí hậu và người tiêu dùng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các công ty. Trong mục tiêu chung, các công ty đã nhận ra rằng, cắt giảm sử dụng năng lượng có thể tiết kiệm chi phí và tăng biên độ lợi nhuận. Ngày càng nhiều công ty đã bắt đầu nhận ra các hoạt động bảo vệ môi trường là một phần cốt lõi của chiến lược kinh doanh.
Các nước đã nhất trí với nhau, thỏa thuận của Hội nghị Paris là "phải khẳng định lại mục tiêu dài hạn của các thỏa thuận đã có trước đó”, nhất là duy trì gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C hoặc thậm chí là 1,5°C. |
Biểu giá Carbon (Carbon Pricing Panel) là nhóm hành động do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dẫn đầu, gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande, kêu gọi các nước và các công ty trên khắp thế giới cải cách buôn bán khí thải. Liên hiệp Châu Âu hy vọng thị trường carbon sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của quốc tế nhằm cắt giảm khí thải.
Reuters Thomson Point Carbon ước tính chương trình cải cách sẽ đẩy giá carbon lên tới mức 22 USD/tấn. Theo đề xuất mới, khoảng 1,6 tỷ USD tín dụng thặng dư sẽ được đưa ra khỏi thị trường carbon và gửi vào kho dự trữ hai năm trước khi châu Âu thực hiện cải cách. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc năm ngoái đã có thỏa thuận song phương mang tính bước ngoặt trong nỗ lực kiềm chế sự thay đổi khí hậu.
Trung Quốc sẽ triển khai thị trường giao dịch khí thải carbon quốc gia vào năm 2017 như một phần của tuyên bố chung với Mỹ về thay đổi khí hậu nhằm thúc đẩy triển vọng cho một hiệp ước khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, hành động về khí hậu càng sớm, thế giới càng có lợi, có thêm nhiều cơ hội đầu tư, việc làm và phát triển. Cải cách chậm trễ sẽ làm tăng giá kinh doanh và khiến người tiêu dùng phải chi trả cho khí thải thay cho các tập đoàn năng lượng.
>Người Mỹ trong "cơn sốt" năng lượng xanh
>Cục diện mới của thị trường năng lượng thế giới
>Các thương hiệu lớn tham gia chống biến đổi khí hậu