Nga: Tác động hai mặt của việc thả nổi đồng Rúp
Quốc tế - Ngày đăng : 06:42, 02/11/2015
Trong quý Ba vừa qua, với việc đồng ruble tiếp tục xu hướng giảm giá bên cạnh giá dầu vẫn quanh quẩn mức thấp và các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây, kinh tế Nga đã sụt giảm tới 4,3%, tiếp nối đà giảm trong quý Một, Hai.
Đáng chú ý, mức giảm trong quý Hai đánh dấu sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở Nga kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 9 dự đoán kinh tế Nga sẽ giảm 3,8% năm 2015, mức giảm mạnh hơn so với mức giảm 2,7% dự kiến trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ khiến Nga mất khoảng 9% GDP trong trung hạn.
Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Standard &Poor's (Mỹ) mới đây cho hay triển vọng kinh tế Nga vẫn yếu và dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 0,4%/năm trong giai đoạn 2015-2018.
Thiệt hại to lớn
Theo các nhà kinh tế, đồng ruble giảm giá mạnh trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế Nga.
Với khoảng 30-40% rổ hàng hóa tiêu dùng ở Nga được cho là hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nên khi đồng ruble mất giá, giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là thực phẩm chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Hồi tháng 10/2014, khi đồng ruble mới chỉ mất giá khoảng 20% so với USD, một chuyên gia Nga đã ước tính sự mất giá 20% của đồng ruble sẽ làm cho giá thực phẩm ở Nga tăng khoảng 30%.
Vì vậy, khi đồng ruble mất giá thì đối tượng bị thiệt hại trước tiên và nhiều nhất sẽ là người dân có thu nhập thấp và cố định khi những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày tăng giá mạnh.
Ngoài ra, đồng ruble mất giá còn gây ra sự bất ổn xã hội vì người dân lo ngại lạm phát tăng khiến họ mua USD để bảo toàn tài sản hay kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng để bán đi kiếm lời.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ Nga buộc phải can thiệp bán USD ra từ các quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời nâng mạnh lãi suất tiền gửi đồng ruble, để ổn định lại tỷ giá và tâm lý người dân.
Tuy vậy, sau khi tiến hành các biện pháp cắt giảm lãi suất và bán ngoại tệ để cứu đồng ruble, Ngân hàng Trung ương Nga cuối năm 2014 đã có một quyết định cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ khi hủy bỏ hành lang ngoại hối đối với giỏ ngoại tệ USD và euro đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ năm 1995 tới nay, đồng thời chấm dứt can thiệp vào thị trường.
Sau quyết định này, chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga triển khai sẽ hướng tới lạm phát mục tiêu, đảm bảo ổn định giá cả, chứ không nhằm duy trì tỷ giá đồng nội tệ, đồng nghĩa với việc từ bỏ "các biện pháp quản lý tỷ giá."
Động thái trên cho thấy Chính phủ Nga kỳ vọng sẽ thu được những kết quả tích cực của việc đồng ruble mất giá hồi năm 1998, đã thực sự kích thích tăng trưởng sản xuất, dòng ngoại tệ đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào nền kinh tế, giúp tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu nhờ nền kinh tế được bảo đảm bởi lợi nhuận cao với rủi ro tương đối thấp.
Đây chính là lý do tại sao sự mất giá của đồng ruble lại tạo nên sức hấp dẫn và có tác động tích cực đến vậy.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay tương đối khác khi đồng ruble đang mất giá song triển vọng kinh tế của Nga dường như chưa rõ ràng.
Kinh tế Nga đang rơi vào tình trạng trì trệ, không thể thu hút các nhà đầu tư khi rủi ro tăng cao và thu nhập giảm.
Theo Standard & Poor, tăng trưởng kinh tế của Nga trong những năm tới vẫn loanh quanh mức trung bình 0,5%/năm.
Các chuyên gia nhận định, sự mất niềm tin vào đồng ruble càng kéo dài thì thiệt hại lớn đối với dự trữ ngoại hối nói riêng và cả nền kinh tế nói chung của Nga do lãi suất bị đẩy cao.
Tác động tiêu cực lớn nhất của đồng ruble mất giá mạnh là dẫn đến lạm phát và lãi suất tăng cao gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Lợi ích không nhỏ
Dù vậy, đồng ruble giảm giá vẫn mang lại những lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế Nga.
Cụ thể, đồng nội tệ giảm giá mạnh sẽ tác động tích cực tới ngân sách của Nga, bù đắp cho sự thất thu lớn từ giá dầu thô sụt giảm (đóng góp từ xuất khẩu dầu thô chiếm hơn 50% nguồn thu ngân sách của Nga), cũng như cho các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của nước này.
Theo tính toán của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tháng 3, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì kim ngạch xuất khẩu của Nga bị giảm sút 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi tỷ giá USD/ruble tăng thêm 1 ruble (tức là đồng ruble giảm giá) thì thu ngân sách Nga lại được hưởng lợi tới 200 tỷ ruble.
Mức độ mất giá của đồng ruble so với USD như trên dễ dàng bù đắp cho mức giảm giá dầu thô xuất khẩu tính bằng USD trên thị trường thế giới hiện tại.
Nếu nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu, thu nhập của họ bằng đồng ruble thậm chí còn tăng nhờ mức giảm giá của đồng nội tệ mạnh hơn mức rớt giá của dầu thô.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga cũng hưởng lợi nhờ giá thành khai thác và xuất khẩu dầu của họ được tính bằng đồng ruble trong khi giá xuất khẩu được tính bằng USD.
Khi mức độ phá giá đồng ruble lớn hơn mức độ sụt giảm giá dầu thô xuất khẩu thì nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn thu về được nhiều hơn ruble so với giai đoạn ổn định.
Dù sau này, tỷ giá đồng ruble có được ổn định, nhưng vẫn đứng ở mức thấp hơn so với trước đây, thì sự thiệt hại của nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga từ việc giá dầu thô suy giảm vẫn được giảm thiểu nhờ nguồn thu tính theo ruble vẫn tăng mạnh.
Các chuyên gia cho rằng quyết định thả nổi tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ gây khó khăn cho những kẻ đầu cơ và trong ngắn hạn sẽ giúp ổn định tỷ giá đồng ruble so với USD và euro.
Trước đó, việc Ngân hàng Trung ương Nga áp dụng một biên độ hẹp đối với biến động của đồng ruble đã khuyến khích nhà đầu tư mua vào khi đồng tiền này xuống gần đến ngưỡng dưới trong biên độ giao dịch, thời điểm Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có hành động can thiệp để đẩy giá lên.
Ngoài ra, việc Nga chấm dứt can thiệp vào thị trường tiền tệ còn liên quan đến vấn đề dự trữ ngoại tệ của nước này.
Dự trữ ngoại tệ của Nga hiện khoảng 400 tỷ USD song nước này cần một nguồn vốn dự phòng lớn để ứng phó với tình trạng thoái vốn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nợ nước ngoài tăng cao, kinh tế trì trệ và lạm phát cao.
Về phần mình, nhà kinh tế hàng đầu của ngân hàng Alfa Natalia Orlova cho rằng với chế độ tỷ giá cố định, ngân sách của Nga chỉ cân bằng nếu giá dầu lên tới 110 USD/thùng, còn khi đồng ruble thả nổi, ngân sách có thể cân bằng với giá dầu ở mức 70 USD/thùng.
Hiện tại, trái với dự báo trước đó của các nhà kinh tế rằng kinh tế Nga sẽ suy giảm mạnh trong năm 2015, nhiều quan chức Nga cho rằng khủng hoảng kinh tế trong nước đã "chạm đáy."
Dù vậy, khi giá dầu thế giới chưa thể hồi phục mạnh và đồng ruble vẫn xuống giá trong thời gian, nhận định cho rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất lại bị đặt dấu chấm hỏi.
>Thả nổi đồng franc - Thụy Sĩ nghi ngờ tương lai đồng euro?
>Thụy Sĩ thả nổi đồng franc, giá vàng tăng vọt