Chỉ số PMI tháng 10 của Việt Nam tăng trưởng trở lại
Trong nước - Ngày đăng : 00:53, 02/11/2015
Sản lượng tăng và chi phí đầu vào giảm là những nhân tố tích cực giúp chỉ số sản xuất - PMI tháng 10 của Việt Nam nhích lên, sau khi giảm tháng trước.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Việt Nam (PMI) do Nikkei và Markit Research công bố trong tháng 10 đã đạt mức 50,1 điểm, tăng trưởng trở lại sau khi giảm xuống dưới ngưỡng 50 hồi tháng 9. Điều này cho thấy điều kiện sản xuất kinh doanh của Việt Nam đã ổn định trở lại.
"Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã ổn định trong tháng 10, từ đó cho thấy sự suy giảm trong tháng 9 không phải là khởi đầu cho một xu hướng đi xuống kéo dài", Andrew Harker - Chuyên gia của Markit Research nhận định.
Nhân tố giúp chỉ số tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm là sản lượng của các doanh nghiệp đã tăng nhẹ. Đây là mức tăng có được sau khi giảm trong tháng trước. Những người trả lời khảo sát báo cáo cho biết nguyên nhân là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Tuy nhiên, do sản lượng đã bị giảm nên lượng đơn đặt hàng mới tổng thể giảm nhẹ trong tháng 10, là tháng giảm thứ hai liên tiếp.
Lý do được đưa ra là nhu cầu khách hàng giảm, mà đây cũng là nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng thứ năm liên tiếp.
Số lượng đơn đặt hàng mới sụt dẫn đến tăng năng lực dự phòng của các nhà sản xuất Việt Nam, và từ đó giảm lượng công việc tồn đọng. Điều này cũng đã làm cho tốc độ tạo việc làm chậm lại lần thứ ba liên tiếp.
Ngoài ra, trong tháng 10, giá nguyên vật liệu giảm dẫn đến chi phí đầu vào và giá cả đầu ra cũng điều chỉnh đi xuống. Hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết lượng lưu trữ hàng hóa đầu vào đã đủ để đáp ứng yêu cầu đầu ra.
Đây là tín hiệu phù hợp với việc tồn kho hàng mua đã tăng nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài ba tháng. Tồn kho hàng thành phầm cũng đã tăng giống như trong tháng 9.
Theo những người trả lời khảo sát, sản lượng tăng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm và sự chậm trễ trong khâu phân phối sản phẩm đến khách hàng, tất cả đã góp phần làm tăng tồn kho hàng hóa sau sản xuất.
Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp khi các báo cáo cho biết khối lượng công việc giảm đã giúp họ giảm thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm, có vẻ từ lâu đã không còn khi các thị trường nước ngoài trở thành nhân tố kìm hãm. Các công ty hy vọng các điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện để hỗ trợ cho sự tăng trưởng trở lại.
>Nhiều doanh nghiệp tính cắt giảm sản xuất và lao động
>Ưu tiên hàng Việt: từ Chính phủ đến nhà sản xuất
> Nhà sản xuất Mỹ hết chuộng châu Á