Bức tranh truyền thông về hoạt động đầu tư của DN CNTT
Xu hướng - Ngày đăng : 06:34, 06/11/2015
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) – một xu hướng đầu tư chủ chốt hiện nay tại Việt Nam - được đưa tin trên các kênh báo chí như thế nào?
Đọc E-paper
Nhờ vào hệ thống thu thập dữ liệu tiên tiến bậc nhất MediaPortal với dữ liệu thu thập được hơn 11 nghìn tin bài trên kênh truyền thông chính thống (báo và tạp chí in, 9 kênh truyền hình trung ương và kênh báo online) trong khoảng thời gian từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015, Công ty phân tích truyền thông Isentia đã tìm ra câu trả lời.
Có thể nói, nước ta đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhiều DN CNTT&TT trên thế giới trong những năm trở lại đây. Với sự nhanh nhạy của mình, giới truyền thông trong nước đã thể hiện một bức tranh tương ứng với lượng tin bài liên tục về rất nhiều kế hoạch mở rộng phát triển kinh doanh và đầu tư của các DN CNTT&TT.
Lượng tin bài về đầu tư luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyền thông DN của các công ty CNTT&TT, tăng trưởng từ khoảng 20% trong tổng lượng tin trong năm 2014 lên khoảng 30% trong năm 2015.
“Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất cho toàn thế giới của Intel, Microsoft, Nokia, Samsung và LG”, đó là thông điệp trên bài báo Courting foreign investment for a strong economic outlook (Vietnam Investment Review, ra ngày 31/8/2015). Đây cũng là thông điệp được nhấn mạnh trong rất nhiều bài viết về hoạt động đầu tư của các công ty CNTT&TT lớn tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn đã nhận thấy tương lai đầy tiềm năng của Việt Nam và bày tỏ kế hoạch mở rộng sự có mặt của họ tại nước ta, trong đó Samsung nhận được lượng đề cập vượt trội về hoạt động đầu tư trong thời gian phân tích.
Ở khía cạnh khác, Nhật Bản là quốc gia mang đến số lượng nhà đầu tư nổi tiếng lớn nhất như Hitachi, Panasonic, Toshiba và Canon. Một số tập đoàn hàng đầu thế giới, nổi bật là Microsoft, Intel, GE cũng tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Thuộc top 5 công ty CNTT&TT về độ phủ truyền thông liên quan đến hoạt động đầu tư trên truyền thông Việt Nam là Samsung, LG, Intel, Microsoft, GE trong đó Samsung đạt 74% mức độ chia sẻ tiếng nói.
Samsung cũng thể hiện rõ quyết tâm trở thành nhà đầu tư quốc gia số 1 tại Việt Nam và có nhiều hoạt động đầu tư đa dạng ở các ngành kinh doanh khác như phát triển dự án điện, tham gia dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Viettel - công ty viễn thông hàng đầu trong nước đứng thứ ba về các hoạt động đầu tư trên truyền thông, với sự mở rộng kinh doanh ở nhiều nước như Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique và Nepal. Một đại diện khác từ doanh nghiệp nội địa ở hàng top đầu là FPT, đầu tư và phát triển sang nước khác như Singapore.
Một số tin hoạt động đầu tư nổi bật sau đây thể hiện theo các xu hướng nội dung chủ chốt trên các phương tiện truyền thông.
Về chủ đề mở rộng hoạt động và quy mô đầu tư tại Việt Nam, Samsung vẫn dẫn đầu về các nội dung tin, bài, chẳng hạn Samsung chính thức khởi công dự án 1,4 tỷ USD ở TP.HCM, hay Samsung đầu tư tiếp 3 tỷ USD vào Bắc Ninh…
Chủ đề xây dựng hoạt động sản xuất/chuyển trung tâm sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, nổi bật có Microsoft (Microsoft có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất của mình từ các nước khác đến Việt Nam, Microsoft chọn Việt Nam để sản xuất điện thoại thông minh…).
Chủ đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam cũng được quan tâm, chẳng hạn: Samsung tổ chức hội thảo công nghiệp phụ trợ tại Hà Nội, Canon Việt Nam mong muốn Việt Nam phát triển mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể giúp cho Canon tăng tỷ lệ nội địa…
>Cổ phiếu viễn thông có hấp dẫn nhà đầu tư?
>Nhà đầu tư nước ngoài: Mua gì, bán gì?
>40 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015