Thống nhất phương hướng duy trì quan hệ Việt - Trung
Trong nước - Ngày đăng : 09:56, 06/11/2015
Chiều 5/11, lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã được tổ chức tại quảng trường Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chủ trì lễ đón.
Ngay sau lễ đón, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại trụ sở Trung ương Đảng.
3 phương hướng duy trì quan hệ
Tại cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đi vào chiều sâu.
Tổng bí thư đã đề xuất một số phương hướng lớn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai đảng, hai nước thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy hiệu quả các cơ chế hợp tác và tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân. Hai bên cần thường xuyên duy trì các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước với nhiều hình thức linh hoạt để trao đổi tình hình và các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề tồn tại và nảy sinh.
Triển khai hiệu quả các chương trình, cơ chế giao lưu, hợp tác đã thỏa thuận giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa cơ quan Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước.
Phát huy vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh.
Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, nhân sĩ và trí thức hai nước, phối hợp tổ chức tốt Liên hoan Thanh niên Việt-Trung vào năm 2016, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
>>Chủ tịch Trung Quốc hy vọng củng cố tình hữu nghị Trung - Việt
Hai là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phát triển thực chất, cân bằng, hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đã đạt được, đồng thời tích cực triển khai các biện pháp hữu hiệu, mở rộng và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi.
Đề nghị hai bên triển khai các biện pháp thiết thực thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng và bền vững; phát huy vai trò của nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, tích cực nghiên cứu, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác liên quan sớm có tiến triển thực chất; thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với những nội dung phù hợp trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với trình độ và nhu cầu của hai bên.
Tổng bí thư cũng hoan nghênh Chính phủ Trung Quốc chuyển khoản vay ưu đãi bên mua 300 triệu USD sang sử dụng cho dự án đường cao tốc Móng Cái-Vân Đồn và bổ sung khoản vay ưu đãi Chính phủ 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; cảm ơn Trung Quốc tuyên bố cung cấp viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện.
Tổng bí thư cho rằng, hai bên cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hai nước, nhất là các địa phương chung biên giới thực hiện tốt 3 văn kiện về biên giới trên đất liền, tăng cường giao lưu, hợp tác hiệu quả, thực chất.
Ba là, kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình.
Đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC); không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở biển Đông; tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí.
Đề nghị hai bên triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài hai bên đều chấp nhận được. Việt Nam có thái độ tích cực đối với vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển tại khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Sau cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, trong đó có “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020”, “Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.
4 lĩnh vực hợp tác Trung - Việt
Cũng trong chiều 5/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức chung quan trọng mà Tổng bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm trước về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi cấp cao để tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai bên; tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ và đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống hữu nghị Việt-Trung.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại cuộc hội kiến. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng thăm Việt Nam cũng như những thành tựu nổi bật mà nhân dân Việt Nam đã đạt được; cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm tăng cường trao đổi chiến lược, trao đổi các phương hướng mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai nước Trung-Việt. Với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt, đồng thời cho rằng, quan hệ Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.
Trên tinh thần đó, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra 4 phương hướng lớn hợp tác Trung-Việt trong thời gian tới.
Theo đó, về chính trị, hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược. Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp.
Về kinh tế, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, kết nối chiến lược phát triển; hợp tác về năng lực sản xuất giữa hai nước trong các lĩnh vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các dự án có tính chất tiêu biểu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả của một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình...; tăng cường hợp tác biên giới; tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương.
Về vấn đề trên biển, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng; thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch Tập khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tiến trình khu vực và quốc tế. Đề nghị hai nước tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng với nhận thức chung quan trọng đạt được, với nỗ lực của hai bên, quan hệ song phương Trung Quốc-Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đưa quan hệ hai nước tiếp tục tiến lên vững chắc.