Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi: Bắt đầu từ đâu?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:31, 07/11/2015
Việt Nam đang ở thế yếu trong cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi (CN) nội khối TPP khi các nước Mỹ, Canada, New Zealand, Australia... có trình độ, không gian CN lớn hơn nhiều. Để cải thiện tình trạng này, Việt Nam phải tái cơ cấu, tổ chức lại ngành CN.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại hội thảo "Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi" diễn ra tuần qua tại TP.HCM.
Theo ông Dương, hiện nay, đối với CN lợn, Việt Nam đang đứng thứ sáu thế giới về sản lượng, thứ tư thế giới về số lượng, sau Trung Quốc, Mỹ, Brazil.
Tuy nhiên, giá thành sản xuất thịt lợn của Mỹ bình quân chỉ từ 28.000 - 30.000đ/kg (tương đương 1,4 USD/kg) trong khi tại Việt Nam, giá thành sản xuất ở mức 40.000đ/kg.
"Tôi biết hiện nay cũng có một vài doanh nghiệp (DN) lớn đã trang bị đầy đủ, đồng bộ từ khâu giống đến chuồng trại, thức ăn chăn nuôi (TACN)... nên đã đạt được giá thành sản xuất thịt lợn bình quân hơn 30.000đ/kg (khoảng 1,5USD/kg). Song điều đáng lo là việc sử dụng chất cấm trong CN vô tình đã tạo hình ảnh xấu cho ngành CN Việt Nam", ông Dương lo ngại.
Việt Nam đang cấm sử dụng tất cả các chất kích thích tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist, như salbutamol, clenbuterol và nhiều chất đồng vị (Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT, ngày 4/9/2014 của Bộ NN-PTNT).
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT đã cấm sử dụng 26 loại hóa chất và kháng sinh trong TACN.
Thế nhưng, theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, từ năm 2005 đến nay, tình trạng sử dụng tràn lan các chất cấm và kháng sinh trong CN ngày càng bùng phát đã góp phần làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng (NTD).
Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, nếu như trước kia, việc sử dụng chất cấm được phát hiện tại các cơ sở CN nhỏ lẻ thì bây giờ, ngay cả những trại CN lớn lẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về thuốc thú y, TACN bổ sung cũng sử dụng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, và một khi NTD quay lưng thì ngành CN Việt Nam sẽ chết.
Chia sẻ tại một diễn đàn về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn mới, ông Cao Trần Quốc Hải - Đại sứ Việt Nam tại Israel cảnh báo: Đối với các FTA, như FTA Việt Nam - EU, bên cạnh những thuận lợi đối với các ngành hàng như thủy sản, gạo, tỏi, đường... thì ngành CN Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.
Cụ thể, Việt Nam sẽ mở cửa mặt hàng thịt bò sau 3 năm, thịt lợn sau 7 năm và thịt gà sau 10 năm. Điều này cho thấy cạnh tranh của các mặt hàng này là rất lớn và đó là nguy cơ cho ngành CN Việt Nam nếu không tuân thủ tiêu chuẩn CN của thế giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, ngành CN Việt Nam không ngại TPP. Bởi, hiện nay Việt Nam đang chiếm 70% thị trường thịt lợn, do NTD có thói quen sử dụng thịt tươi.
Vì thế, nếu các nhà sản xuất gia súc, gia cầm làm được sản phẩm an toàn, giá thành thấp thì sẽ cạnh tranh được với cùng mặt hàng nhập khẩu, bởi vì, tuy được miễn thuế nhưng các nhà sản xuất nước ngoài phải gánh khoảng phí không nhỏ về vận chuyển, giữ thịt đông lạnh ở nhiệt độ thấp... Nhưng nếu Việt Nam không tự hoàn thiện ngành CN sạch thì chắc chắn sẽ thua họ.
Trước giải pháp làm thế nào để loại bỏ chất cấm trong CN, ông Lê Bá Lịch cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra đột xuất các hộ CN, trang trại CN lẫn nhà máy TACN.
Đồng thời, phát động chương trình không sử dụng chất cấm trong CN, tẩy chay khỏi cộng đồng CN những cơ sở sử dụng chất cấm.
Bên cạnh đó phải phạt hành chính thật nặng người vi phạm và tiêu hủy toàn bộ vật nuôi và thức ăn, cùng phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, đơn vị đang bao tiêu sản phẩm hơn 300 trại CN lợn tại TP.HCM và một số tỉnh - thành theo tiêu chuẩn VietGAP, kiến nghị: "Khi phát hiện chất cấm trong gia súc, gia cầm, cơ quan quản lý nhà nước phải truy tới cùng nguồn gốc từ trang trại, cơ sở CN nào, từ đó có biện pháp phạt thật nặng để răn đe".
>Thịt heo sạch VietGAP: Xuống chợ
>Thịt heo Việt đắt hơn thịt heo Mỹ
> Nhập khẩu thịt heo và sự bất đồng của cơ quan quản lý