Thị trường trực tuyến: "Cá nhanh nuốt cá chậm"
Xu hướng - Ngày đăng : 06:42, 14/11/2015
Năng lực mua sắm của Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày. Vì những tiện ích về cơ sở hạ tầng cũng như kết nối xã hội thuận tiện khiến hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, ông Vaughan Ryan - CEO Nielsen Vietnam cho biết.
Theo ông Vaughan Ryan, trong một môi trường trực tuyến đang thay đổi hàng giờ, hàng phút thì quan điểm “cá lớn nuốt cá bé” đã dần được thay bằng quan niệm “cá nhanh nuốt cá chậm”. Do đó, chỉ cần nắm bắt được xu hướng thị trường và đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ thành công.
Chẳng hạn, gia đình tại Việt Nam không còn nhiều mô thức tập trung nhiều thế hệ mà thế hệ trẻ hiện nay tự lập sớm hơn, có người trẻ thành đạt sớm và mua căn hộ ở riêng ngay khi chưa lập gia đình…
Điều này tạo nên một quan điểm mới về cách sống và quan điểm mới về tiêu dùng, họ sẽ tiêu dùng cho bản thân nhiều hơn và có thể vay tiền ngân hàng để chi tiêu chính đáng.
Đặc biệt, việc mua hàng trên mạng của giới trẻ đang gia tăng mạnh với các trang mạng bán hàng trực tuyến như: Zalora, Lazada… Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ trong kết nối cộng đồng của các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter… ngày càng nhiều các trang bán hàng qua mạng được người tiêu dùng nhận dạng và ghi nhớ thông qua các trang quảng cáo được “đẩy” liên tục lên mạng xã hội này.
>>Facebook - mạng xã hội quan trọng nhất cho marketing
Theo nhận định của ông Vaughan Ryan, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu trên thế giới đang gia tăng mạnh và đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần. Đây sẽ là tầng lớp mua hàng đông đảo trong tương lai. Riêng tại Việt Nam, hiện nay TP.HCM là nơi mua sắm sầm uất nhất, vượt qua cả Hà Nội.
Tuy nhiên, có tới 60% dân số Việt Nam vẫn tập trung tại các vùng chưa phát triển. Do đó, CEO Nielsen Vietnam cho rằng: "Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội phát triển tiêu dùng tại các thị trường xa xôi và đầy tiềm năng này. Khi chúng tôi làm nghiên cứu xem người tiêu dùng tin tưởng như thế nào về các thương hiệu sản phẩm trên thị trường thì người tiêu dùng Việt Nam phần lớn lựa chọn các sản phẩm do Việt Nam sản xuất mà không chọn sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc".
Theo ông Vaughan Ryan, chiều hướng tiêu dùng luôn thay đổi và luôn luôn kết nối. Trạng thái xã hội online trên thế giới ngày một tăng trong thế hệ 21 - 34 tuổi và họ sử dụng các thiết bị điện tử rất nhiều.
Thế giới bây giờ là "thế giới tốc độ" nên phải chọn phương thức bán hàng nhanh nhất. Rất nhiều hoạt động mua bán hiện nay đang được thực hiện hàng ngày qua mạng như: mua vé máy bay, mua hàng trên các trang mạng trực tuyến... Vì vậy, việc nắm bắt xu hướng bán hàng qua mạng là hướng đi khôn ngoan mà những người làm kinh doanh không nên bỏ lỡ để bắt kịp xu hướng hội nhập.
Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công thương, với khoảng 39% dân số sử dụng Internet, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của ngành thương mại điện tử và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Theo số liệu báo cáo, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang trên tăng trưởng. Năm 2013, tổng doanh thu từ thương mại điện tử đạt con số 2,2 tỷ USD. Dự báo, trong năm 2015, tổng doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt đến con số hơn 4 tỷ USD. |