Doanh nghiệp sản xuất nhựa: Lộ diện "người mua"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:04, 15/11/2015

Hiện Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp nhựa nhưng có đến 90% là DN nhỏ và vừa đang gặp bất lợi về vốn, thiết bị công nghệ...
Doanh nghiệp sản xuất nhựa: Lộ diện

Hiện Việt Nam có 2.000 doanh nghiệp (DN) nhựa nhưng có đến 90% là DN nhỏ và vừa đang gặp bất lợi về vốn, thiết bị công nghệ. Đây chính là cơ hội tốt cho các tập đoàn nước ngoài đẩy nhanh các thương vụ thâu tóm, khiến thị trường mua bán, sáp nhập trong ngành nhựa trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Đọc E-paper

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Công ty CP Nhựa Bình Minh và Công ty Nhựa Tiền Phong.

Thông tin này đồng thời với việc nới room cho DN nước ngoài càng làm cho thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực nhựa sôi động.

Xu hướng này được ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, xác nhận, hiện có nhiều tập đoàn nước ngoài đang đàm phán để mua lại các công ty nhựa Việt Nam và đã có bốn DN tên tuổi trong ngành nhựa bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, chưa kể nhiều DN hiện đang được các nhà đầu tư Thái Lan đàm phán để mua 100%.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn 10 - 20% so với thị giá của cổ phiếu đang giao dịch khi có thông tin nới room.

Trong đó, Tập đoàn SCG rất muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh (mã CK BMP). Số tiền để mua cổ phiếu BMP từ phần sở hữu của SCIC không lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài (dự tính khoảng 1.800 tỷ đồng so với 5 - 6 tỷ USD tổng ngân sách dự phóng SCG dự kiến sẽ đầu tư cho thị trường M&A của tập đoàn tại Việt Nam đến năm 2020).

SCG đang có nhiều cơ hội "nuốt trọn" các DN ngành nhựa xây dựng thông qua đợt bán vốn tới đây của SCIC. Thực tế, giá cổ phiếu của BMP đã tăng mạnh sau khi Chính phủ công bố chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước do SCIC nắm giữ tại BMP.

Cụ thể mới đây, thông qua một công ty con là Nawaplastic Industries (Saraburi), SCG đã mua 20,4% cổ phần của BMP và 23,84% cổ phần của Nhựa Tiền Phong (NTP).

BMP và NTP hiện đang chiếm đến 50% thị trường ống nhựa xây dựng tại Việt Nam. Với việc thâu tóm hai DN này, SCG sẽ dễ dàng đạt mục tiêu thống trị ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường bao bì ở Việt Nam, SCG thông qua công ty con là TC Flexible Packaging (TCFP) đã mua 80% cổ phần của Công ty CP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).

Batico là công ty thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì, có công suất 230 triệu m2/năm.

Với việc thâu tóm DN này, SCG đã nâng số lượng nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lên con số 4, trong đó có hai nhà máy tại Việt Nam.

Ngoài 4 DN nêu trên, hiện SCG còn nắm cổ phần tại 18 DN khác ở Việt Nam như Công ty TNHH Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, Công ty CP TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty TNHH Công nghiệp Tân Á, Công ty TNHH Bao bì AP (Hà Nội), Công ty TNHH Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty TNHH Sản xuất bao bì Packamex (Việt Nam),...

Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP, cho biết: "Nhựa Bình Minh cũng đang tiến hành sáp nhập Công ty Nhựa Đà Nẵng.

Nhựa Đà Nẵng là công ty nhỏ, hiệu quả kinh doanh thấp nên việc sáp nhập sẽ không tốt ngay cho Bình Minh. Tuy nhiên, sáp nhập với Nhựa Đà Nẵng sẽ giúp cho Bình Minh có thêm cơ sở để phát triển sản xuất, thương mại ở khu vực miền Trung".

Trước thực tế DN nhựa Việt Nam còn nhiều yếu thế, việc M&A khó tránh khỏi, ông Trịnh Chí Cường cho rằng: "Việc mua bán, sáp nhập công ty nói chung và trong ngành nhựa nói riêng là việc bình thường và chúng ta nên nhìn theo hướng tích cực.

Cũng có nhiều hình thức sáp nhập mà các DN có thể tuỳ cơ áp dụng. Việc mở cửa thị trường cần những DN cỡ lớn và cỡ vừa có đủ sức mạnh để cạnh tranh.

Trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 2% DN cỡ vừa nên chúng ta cần liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu không đủ sức, việc kết nối hoặc sáp nhập là giải pháp không thể né tránh.

Chính các DN mua lại họ cũng cần quy mô lớn hơn với năng lực tốt hơn. Hiện nay, DN nhựa trong nước đang tập trung vào nhóm nhựa gia dụng và đang chiếm lĩnh thị phần nhóm hàng trung bình khá trở xuống.

Để cạnh tranh và phát triển ở quy mô lớn hơn, phải nghĩ đến việc sản xuất các sản phẩm nhựa cao cấp, nhựa công nghiệp, các sản phẩm xuất khẩu có tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu".

>Hướng đi nào cho M&A ngành nhựa?

>Ngành nhựa trong cơn bĩ cực

>Doanh nghiệp ngành nhựa: Giữ thăng bằng

>Doanh nghiệp sản xuất nhựa: Tự bán hoặc bị mua

LỮ Ý NHI