Chặn nguồn tài chính của khủng bố: Một cuộc chiến khác

Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 25/11/2015

Nguồi tài chính khổng lồ là một trong những yếu tố mang lại sức mạnh tàn bạo cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Chặn đứng nguồn tiền bẩn này cũng quan trọng như các cuộc dội bom để tận diệt IS.
Chặn nguồn tài chính của khủng bố: Một cuộc chiến khác

Nguồi tài chính khổng lồ là một trong những yếu tố mang lại sức mạnh tàn bạo cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Chặn đứng nguồn tiền bẩn này cũng quan trọng như các cuộc dội bom để tận diệt IS.

Đọc E-paper

Sau vụ khủng bố tại nước Pháp, máy bay chiến đấu của Mỹ, Pháp và Nga liên tục ném bom, bắn tên lửa dữ dội nhắm vào IS trên lãnh thổ Syria và Iraq.

Ngoài mục tiêu tiêu diệt các tay súng IS, bên tấn công cũng nhắm tới mục tiêu phá hủy các nhà máy dầu đang nằm trong tầm kiểm soát của IS - một trong những nguồi tài chính tạo nên sự giàu có của đội quân khủng bố tàn bạo này.

Các cuộc không kích được Mỹ thực hiện dồn dập sau khi chính quyền Obama tìm cách sửa một sai lầm lớn. Đó là năm ngoái, tình báo Mỹ đánh giá thấp việc phá hủy các nhà máy sản xuất dầu của IS. "Chính quyền Obama đã sai lầm khi không ưu tiên phá hủy các cơ sở kinh tài của IS", Benjamin Bahney - một nhà phân tích chính sách quốc tế tại Rand Corp (một công ty phân tích quân sự do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ) cho biết.

Những vụ tấn công tối 13/11 vừa qua ở Paris (Pháp) cho thấy khả năng lên kế hoạch và phối hợp giữa các nhóm khủng bố, cực đoan. Dường như các nhóm này còn có một nguồn tiền khá dồi dào để huấn luyện các tay súng và triển khai tấn công ở nhiều địa điểm khác nhau.

>>Paris tan hoang, hoảng loạn sau hàng loạt cuộc tấn công

Giới chức an ninh Pháp nhấn mạnh rằng, cần phải tìm ra nguồn gốc của lực lượng khủng bố và nguồn tiền mà chúng có được. Trên thực tế, trong thời gian qua, nỗ lực nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cung cấp cho khủng bố đã không thành công.

Với 8 điểm khai thác dầu tại Iraq và Syria, theo ước tính của Daveed Gartenstein-Ross, một chuyên gia của Foudation for Defense of Democraties tại Washington, với mức bán 30 - 40 USD/thùng dầu thô thì mỗi ngày IS thu về từ một đến hai triệu USD. Nguồn thu đáng kể nữa của IS là bán các cổ vật chúng tìm được trên lãnh thổ chiếm giữ trái phép.

Theo The Guardian, IS kiếm được 36 triệu USD từ al-Nabuk - một khu vực đồi núi phía tây Damas, Syria gồm có các cổ vật có niên đại lên đến 8.000 năm.

IS còn thu thuế của người dân thuộc lãnh thổ mà chúng kiểm soát. Chúng cũng nhận được nguồn tiền từ các cá nhân ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh nhằm lật đổ chế độ Bashar al-Asad, nơi hỗ trợ người Hồi giáo dòng Shia ở Syria. Hiện nguồn thu này đã bị giảm xuống, chỉ còn khoảng 40 triệu USD/năm.

Tổ chức khủng bố này đã có đồng "dinar vàng", được đúc từ vàng thật để củng cố tầm ảnh hưởng như một nhà nước chính danh. Để đúc tiền phải cần đến nhiều tiền, ngoài số tiền chiếm được từ ngân hàng trung ương của Iraq ở Mossoul, IS phải còn có nhiều nguồn thu khác. Trong đó, đáng chú ý là IS kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn và màu mỡ, nằm dọc theo thung lũng sông Tigris và Euphrate.

Theo ước tính, mỗi năm, IS thu được khoảng 200 triệu USD từ lúa mì và đại mạch, bán ra thị trường chợ đen. 1/3 các địa danh khảo cổ của Iraq đang dưới quyền kiểm soát của IS nên cổ vật tuồn ra thị trường đen ngày càng diễn ra trầm trọng.

Nguồn thu lớn đáng kể khác của nhóm phiến quân là tiền chuộc các con tin. Theo ước tính của Bloomberg, IS kiếm được khoảng 35 - 45 triệu USD trong năm 2014 từ những món tiền trả cho con tin.

Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tổ chức khủng bố này cũng rất tích cực trong việc buôn nội tạng người, được lấy từ các tù binh, lính chết trận hay tù nhân bị thương. Hiện vẫn còn hơn 250.000 phụ nữ và trẻ em vẫn bị IS giam giữ rồi đem bán.

>>Cách thức huy động tài chính tinh vi của IS

Michael Knights - một chuyên gia Iraq tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông cho biết, sau khi Mỹ và liên quân triệt phá một số mỏ dầu mà IS chiếm giữ tại Iraq và Syria, IS đã tìm cách tuồn dầu mỏ ra chợ đen bằng cách sản xuất dầu ở các nhà máy lọc dầu di động rải rác trên sa mạc Syria và Iraq.

Lầu Năm Góc cũng thừa nhận trong hơn một năm, họ tránh tấn công xe tải chở dầu để hạn chế thương vong cho dân thường. Điều này đã thay đổi vào ngày 16/11, khi 4 máy bay tấn công của Mỹ đã đánh bóm phá hủy 116 xe tải dầu. Người phát ngôn của quân đội Mỹ - Đại tá Warren - cho rằng "dầu hỏa tài trợ cho hơn 50% hoạt động của IS, và đây là thứ mà chúng tôi cần phải loại trừ".

Chính nguồn tài chính khồng lồ trên giúp IS dù chỉ là một tổ chức tự phong nhưng có thể kiểm soát cả một vùng đất rộng tương đương lãnh thổ Anh Quốc, và có thể đương đầu cả với những cường quốc trên thế giới.

Nhận thức được sự nguy hiểm của dòng tiền bẩn này, các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị G20 mới đây cho biết sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đóng băng các tài sản khủng bố, ngăn chặn các nguồn hỗ trợ tài chính cho khủng bố.

Liên minh Châu Âu đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch truy quét các hình thức thanh toán ẩn danh và tiền ảo, trong nỗ lực để giải quyết vấn đề tài trợ khủng bố sau cuộc tấn công tại Paris.

Bên cạnh các cuộc tấn công trực tiếp để tiêu diệt các phần tử IS, việc cắt đứt mạch máu tài chính của IS cũng nằm trong chiến lược chung chống khủng bố.

Theo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nỗ lực phong tỏa nguồn tài chính của IS không đạt được kết quả nếu không giải quyết được điểm mấu chốt. Đó là phải thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời. Giới lãnh đạo thế giới cần phải xác định hai điểm này là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách tiêu diệt IS.

>>Bốn bước chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo

LAM HỒNG