Vì sao DN nước ngoài "ngại" tăng lương tối thiểu?

Trong nước - Ngày đăng : 09:57, 02/12/2015

Theo ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng 15,1% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát...
Vì sao DN nước ngoài

Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài tỏ ra lo ngại việc Việt Nam tăng lương tối thiểu cao như hiện nay. 

Theo ông Shimon Tokuyama - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng 15,1% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát.

"Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng lương tối thiểu lên thành 4 triệu đồng vào năm 2018, nên đã đưa ra phương án điều chỉnh tăng hàng năm để đạt được mục tiêu đề ra. Chúng tôi không phản đối việc người dân Việt Nam sẽ hưởng một đời sống tốt đẹp hơn, vì đó cũng là một trong những yếu tố cần thiết để thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, để khuyến khích DN phát triển và cống hiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, chúng tôi mong rằng mức tăng lương tối thiểu nên được tính toán dựa trên xem xét chính xác tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ GDP dự kiến", đại diện JBAV cho biết.

Ngoài ra, ở những DN đã trả cao hơn lương tối thiểu, người lao động thường so sánh mức tăng lương của mình với mức tăng lên của lương tối thiểu hay mức lương ở DN bên cạnh.

Trong trường hợp mức tăng lương của họ ít hơn, tranh chấp lao động có thể phát sinh. Cần phải đưa ra định nghĩa thống nhất về tiền lương trong Luật lao động để có thể tuyên truyền rộng rãi giúp người lao động có thể hiểu một cách dễ dàng và phổ cập hơn về lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, JBAV cũng đề nghị xem xét lại mức chênh lệch 5%, 7% trong bảng lương. Điều 7.2 và 7.3 trong Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định: "Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải ít nhất bằng 5%" và "Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng".

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của JBAV, chế độ lương và trình độ chuyên môn cần thiết lại rất đa dạng, phụ thuộc vào loại ngành nghề và tình trạng của từng DN.

"Việc yêu cầu xây dựng khoảng cách chênh lệch một cách đồng nhất là 5% hay 7% mà bỏ qua tính đa dạng này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới việc đánh giá nhân viên một cách linh hoạt và thích đáng của DN. Chúng tôi mong muốn rằng quy định về khoảng cách chênh lệch trong tiền lương sẽ được xem xét bãi bỏ", JBAV khuyến nghị.

Ở một góc nhìn khác, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (KoCham), với những quy định hiện hành liên quan đến vấn đề tiền lương hiện nay, DN đang phải chịu gánh nặng chi phí.

Theo quy định mới của Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khái niệm “Tiền lương” được hiểu là khoản tiền thực tế người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Với khái niệm mới về tiền lương này, người sử dụng lao động sẽ phải chi trả thêm các khoản liên quan đến bảo hiểm xã hội, tiền lương làm thêm giờ và dẫn đến việc gia tăng gánh nặng chi phí nhân công.

Bảo hiểm xã hội nên được chi trả bằng ngân sách nhà nước, và với việc các DN phải gánh phần lớn chi phí ấy như ở Việt Nam thì đây đang trở thành một vấn đề cần xem xét.

"Không có quốc gia nào mà DN lại phải chịu chi phí bảo hiểm xã hội lớn như ở Việt Nam khi mà mức đóng của DN là 22% quỹ lương trả cho người lao động. Hơn thế nữa, mức lương tối thiểu vùng tại Việt Nam lại tăng khá nhanh với mức 10 - 15% mỗi năm", KoCham khẳng định.

Theo KoCham, cùng với việc thay đổi tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cũng như cách tính tiền lương làm thêm giờ cộng với chi phí tiền ăn cho người lao động thì chi phí nhân công tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể và dần đánh mất tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất.

"Do những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới cũng như cách tính tiền lương làm thêm giờ và các yếu tố khác sẽ tác động đáng kể tới gánh nặng chi phí nhân công của DN, chúng tôi xin kiến nghị dời thời điểm áp dụng việc đóng bảo hiểm xã hội theo cách tính tiền lương của quy định mới sang năm 2016", KoCham kiến nghị.

>Tăng lương tối thiểu 12,4%, DN vừa và nhỏ lao đao

>Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

>Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương

>Tăng lương tối thiểu: Doanh nghiệp "theo" không kịp