Thuốc lá gây ra các loại bệnh nguy hiểm nào?
Trong nước - Ngày đăng : 06:21, 03/12/2015
Trong khói thuốc lá có chứa 7.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, phụ gia, chất nhựa hắc ín, monoxit cacbon và nicotin (1 – 3mg/điếu). Do đó, việc hút thuốc lá làm gia tăng khả năng mắc các bệnh sau đây:
1.Các bệnh về đường hô hấp
Hút thuốc lá làm tăng nhiễm virus, vi khuẩn thường, tăng lao phổi và các bệnh phổi mạn tính (hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn, do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy.
Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Người hút thuốc ở độ tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn.
2.Các bệnh ung thư
Hút thuốc lá gây ra 30% các căn bệnh ung thư ở người, như ung thư thanh quản, thực quản, vòm họng…
Thuốc lá chính là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Khoảng 87% trong số 177.000 ca mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác như ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền.
90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc.
3.Các bệnh về tim mạch
Nicotin tăng trong máu gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm tim phải làm việc nhiều hơn, có thể gây ra rối loạn nhịp tim.
Monoxit carbon trong thuốc lá làm giảm lượng máu và oxy đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thiếu máu đến tim.
Người hút thuốc có nguy cơ cao mắc các bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Trong đó, bệnh mạch vành là phổ biến nhất (ước tính chiếm khoảng hơn 50% trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc).
Hút thuốc còn làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp.
4.Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Nam giới hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần so với người không hút (do gây xơ vữa động mạch ở dương vật làm giảm tưới máu) và làm giảm số lượng tinh trùng (các chất chuyển hóa chính của khói thuốc được tìm thấy trong tinh dịch kìm hãm hệ thống enzym cần thiết cho tinh trùng hoạt động).
Khói thuốc gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, như: hạn chế hiệu quả điều trị vô sinh, gây mãn kinh sớm, sinh non… Đồng thời, phụ nữ hút thuốc có tỷ lệ sinh đẻ thấp hơn khoảng 30% và nguy cơ sảy thai cao gấp 1,5 lần so với người không hút.
Việc hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, bao gồm khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra) cũng làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai ngoài tử cung và sinh non cho phụ nữ có thai.
Năm 2012, người Việt Nam chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới (trung bình cứ 2 nam giới thì có 1 người hút thuốc), 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em Việt Nam thường xuyên hút thuốc thụ động. Theo WHO, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, con số này có thể tăng lên đến 70.000 người/năm. |
>Thực hư tác hại của nước ngọt có gas không cồn
>Mầm bệnh trong công sở