An Giang không mùa nước

Du lịch - Ngày đăng : 06:32, 04/12/2015

Đã ba lần hẹn em rồi cả ba lần lỡ hẹn. Không phải tại tôi mà tại trời. Tại ba năm liền nước hầu như không về châu thổ sông Cửu Long.
An Giang không mùa nước

Đã ba lần hẹn em rồi cả ba lần lỡ hẹn. Không phải tại tôi mà tại trời. Tại ba năm liền nước hầu như không về châu thổ sông Cửu Long.

Đọc E-paper

1. Từ Huế, em muốn biết mùa nước nổi nó thế nào. Từ thành phố Hồ Chí Minh tôi hẹn đưa em đi Mộc Hóa Long An, xuôi xuống Hồng Ngự Đồng Tháp rồi qua Chợ Mới, Phú Tân, Châu Đốc An Giang, những vùng đất "điển hình" ngập nước mỗi năm vài tháng. Quá tam ba bận nước không về, trời đất và con người dọc thượng nguồn Mê Kông không chiều em thì làm sao tôi đúng hẹn được!

Không thể chờ con nước lớn, mà có chờ, sang năm, năm sau nữa chắc gì nước đã về, tôi đành đi An Giang mà không có em, cũng chỉ chọn hai điểm đến là sông Vàm Nao và rừng Trà Sư, để hiểu thêm cái giá Mê Kông thiếu nước, Cửu Long bị chặn dòng...

2. Nam Bộ có đến mấy chục "vàm", không những để chỉ cửa sông mà còn là tên chung những vùng đất trũng rộng lớn. Nhưng không có "vàm" nào lạ lùng như Vàm Nao, bởi nó là một con sông dài 6,5km, rộng bình quân 700m, có nơi trên 1km, nơi nông nhất 17m. Vàm Nao không sinh ra đồng thời với sông Tiền, sông Hậu, nó được tạo nên bởi voi và trâu rừng.

Từ Tây Tạng, sông Mê Kông đi hết một quãng đường gần 5.000km, khi vượt qua biên giới Campuchia - Việt Nam bỗng rẽ thành hai nhánh, người Việt đơn giản gọi là sông Tiền, sông Hậu.

Nhưng lạ lùng thay, mực nước sông Tiền luôn cao hơn mực nước sông Hậu, vì thế khi voi và trâu, theo bản năng đi kiếm ăn theo con đường quen thuộc đã tạo nên con rạch nhỏ nối hai con sông theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, thì sông Tiền có cơ hội "san nước" cho sông Hậu.

Nước được san chảy mạnh đến mức, năm này qua năm khác, phá băng rừng rậm, khoét sâu vào lòng đất, biến con rạch thành con sông mà chiều ngang hút tầm nhìn, được con người đặt tên là Vàm Nao, một bờ thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới, một bờ thuộc xã Tân Trung, huyện Phú Tân sau này.

Mùa nước đổ năm 1849, sĩ phu, nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa bị vua Tự Đức bắt đi trấn đồn Vĩnh Thông, Tịnh Biên, khi qua Châu Đốc, đã ứng tác:

Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà

đã phần nào cho thấy sự dữ dội của con sông "chảy ngang" này, nhất là những khi giông chướng, giông bấc giành ngọn, sóng lừng đến mấy mét cao.

Trong lưu vực sông Mê Kông thì Biển Hồ (Campuchia) là vựa cá nước ngọt của thế giới, nhưng những con cá hô, cá tra dầu, cá đuối, cá heo, cá đao, cá mập trung bình từ 40 đến 200kg mỗi con, lại thuộc về Vàm Nao, đơn giản là con sông ngắn ngủn này vừa rộng, vừa sâu (có nơi đến 30m), lại có những hốc nước bí ẩn cắm vào đôi bờ, nước chảy quanh năm, giàu oxy, chuỗi thức ăn gần như khép kín.

Tôi từng được theo ông Mười Dùm hai đêm hai ngày lênh đênh trên Vàm Nao bắt cá hô, câu cá đuối, cá chình. Ông Mười là người rất rành những chỗ nông sâu, chỗ chảy xiết, chỗ nước xoáy nguy hiểm trên con sông này. Ông có một kho chuyện cá Vàm Nao.

Ông kể: "Lúc mới 20 tuổi ngoài, sau khi "chờ tài" (thuyền từ nhà ra bến phải xếp hàng đợi đến lượt mới được đi), thuyền vừa xa bờ vài trăm mét, qua đã được ông nược "hộ tống". Qua hô: "Nược đua! Nược đua!", lập tức mấy ổng xếp hàng ngang, xé nước lướt tung tăng trước mũi thuyền.

Có lẽ biết qua là người kỳ cựu của Vàm Nao, lâu lâu mấy ổng lại ghé, cạ cạ mạn thuyền, đập đuôi hỏi thăm sức khỏe. Dân trong nghề "bà cậu" ở Vàm Nao gọi cá heo là ông nược, xem như thần sông, trước đây không bao giờ đánh bắt, có vô tình dính lưới cũng được cứu. Nhưng vui nhất là dùng ong vò vẽ săn cá vồ đém, cá vồ cờ.

Ong vò vẽ bị hớt một cánh, thả ra sông cho trôi theo dòng nước, vỗ cánh vè vè, cá vồ bắt hơi ngoi lên đớp, bị ong chích nổi phình bụng. Cá đuối Vàm Nao là khó bắt nhất vì chúng chỉ ngoi lên mặt sông khi trời sáng trăng.

Có một lần qua thấy con cá đuối bằng chiếc đệm bàng, cả trăm ký lô, nổi lên mặt nước tắm trăng, sợ hết hồn. Khó bắt vì cá đuối ăn chìm, chủ yếu sống ở đáy sông. Bắt được cá đuối cỡ bảy tám chục ký phải bằng loại lưới sợi to, bền chắc, nhưng muốn kéo chúng lên bờ thì phải dùng một túm 4 lưỡi câu kết lại như mũi neo 4 cạnh, rồi thả xuống cho vây nó đập dính, hãm bớt sức mạnh.

Những mùa nước ngày xưa, dân Vàm Nao ít lưới cá linh, dù chúng bơi kín mặt sông, để cho ra đồng bà con nơi khác bắt làm mắm. Cá kèo thì nổi đầu cản thuyền, dân hạ bạc như qua chỉ xúc vài ba vợt nướng hay thả lẩu nhậu chơi. Mà loại cá nào cũng nhiều, mỗi lần đem chài ra quăng là dính cá từ mí chì lên tận chóp"...

Du khách giữa rừng tràm Trà Sư khi mực nước đã thấp hơn năm 2014 gần 1m

Xuống Vàm Nao lần này tôi không gặp được ông Mười Dùm. Những người kế nghiệp ông, dù chưa nổi tiếng bằng ông, như Tám Hổ, Tám Chăn, Sáu Duyên nói ông Mười buồn nên không muốn ra sông nữa, chứ không phải do cái tuổi 85.

Ổng buồn vì nhiều năm liền nước thượng nguồn Mê Kông không về, có về thì nước không đủ đạp mạnh từ sông Tiền qua sông Hâu. Vàm Nao cạn dần. Vàm nao hết cá. Ông nược mấy chục năm qua lặn đâu mất tăm. Con thu, con đuối không còn dính lưới. Ngay như con linh, con kèo vào mùa, canh cả ngày cũng chỉ lưới đủ kho lạt, nấu chua.

Nước bắt đầu cạn đồng, dòng Vàm Nao dao động theo triều, cũng là lúc vào vụ cá bông lau, từ cuối tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhưng hình như người đánh bắt nhiều hơn cá. Hàng trăm giềng lưới đèn giăng kín mặt sông. Con cá bông lau bắt được cũng nhỏ dần, từ vài chục kg nay đa phần chỉ vài kg một con.

Ở Việt Nam, cá bông lau chỉ sống trong lưu vực sông Cửu Long, nhiều nhất là ở Vàm Nao, nhưng việc đánh bắt trong mùa sinh sản của chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến trữ lượng. Ông Mười Dùm buồn là phải.

3. Rời Vàm Nao chan nắng, ngồi ô tô khoảng hai tiếng đồng hồ qua huyện Tịnh Biên, tôi đã được hưởng cái mát mẻ giữa rừng Trà Sư. Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu, rộng hàng ngàn hecta, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, nhưng những năm 1990, dân tụ về đông, họ triệt hạ rừng, phần ít trồng rau màu, phần nhiều trồng lúa.

Hồi ấy, vùng thấp An Giang ngập nước 5 tháng, vùng trũng như Trà Sư ngập nước quanh năm, không đắp nổi bờ bao, không thể lên liếp cao mãi để trồng trọt, đất canh tác hoang hóa trở lại.

Để phục hồi hệ sinh thái ngập nước độc đáo Trà Sư, được Chính phủ đầu tư, An Giang xẻ kênh, đắp bờ trồng lại 850ha tràm, chủ yếu là tràm cừ. Tràm mươi tuổi đã cao bảy tám mét. Nương theo tràm là 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài cây thuốc, 22 loài cây cảnh, 70 loài cỏ tái sinh và phát triển.

Dưới tán rừng là 70 loài chim, có 2 loài quý hiếm là giang sen và điên điển, 11 loài thú, trong đó có loài dơi chó tai ngắn phải đưa vào Sách Đỏ Việt Nam; 10 loài cá có mặt quanh năm và 13 loài xuất hiện vào mùa nước nổi.

Khu bảo tồn cảnh quan rừng ngập nước Trà Sư đã được đưa vào khai thác du lịch sinh thái, hằng năm thu hút hàng vạn du khách. Vậy mà Trà Sư đang trong tình trạng báo động vì... thiếu nước!

Theo International Rivers- một tổ chức chuyên nghiên cứu về các dòng sông xuyên lãnh thổ, Trung Quốc đã xây 6 siêu đập thủy điện trên sông Lan Thương - đầu nguồn sông Mê Kông và đã khảo sát để xây thêm 14 đập nữa trong 10 năm tới, trong đó có tổ hợp thủy điện Nọa Trác Độ hoạt động năm 2012, nơi có gần một nửa số đập nước cao nhất thế giới.

Lào và Campuchia đã xây 12 đập thủy điện trên sông Mê Kông và hiện nay Lào tiếp tục xây đập thủy điện Don Sahong, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thái Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các chuyên gia đã cảnh báo những đập chắn nước ấy sẽ tác động nghiêm trọng đến nguồn nước hạ du và cá di cư, làm cho hệ sinh thái đất ngập nước và sự đa dạng sinh học, vốn là đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long bị hủy diệt, không thể phục hồi.

Mê Kông bị chặn dòng, Trái đất nóng lên, El Nino ngày một mạnh, lượng mưa giảm. Không nói đâu xa, Vàm Nao đã giảm 80% lượng cá tôm, nước không lên khỏi bờ, Trà Sư 4 năm liền phải ngăn đập không cho nước thoát để làm du lịch, hậu quả là tràm ngưng phát triển và đã xuất hiện những thảm thực vật chết do "ngộp nước" lâu ngày.

Mê Kông là dòng sông xếp thứ 6/10 về lượng phù sa trên thế giới. Bốn triệu héc ta đất tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhờ sự bồi tụ phù sa của con sông này, nay hồ chứa nước - đập - nhà máy thủy điện chặn dòng chính khiến lượng phù sa giảm 70%.

Người ta ước tính nguồn lợi thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 440 ngàn tấn/năm (trị giá khoảng 1 tỷ Mỹ kim) sẽ mất dần. Đó là chưa nói nước biển dâng cao thêm 0,6m, rồi 1m, gần 40% đất đai ngập chìm trong nước mặn, 22 triệu người sẽ đối mặt nguy cơ mất nhà cửa, ruộng đồng.

Những con số ấy quả là bi quan, phải không em? Nhưng chưa sao, em cứ vào Phương Nam, vẫn còn bao điều thú vị chờ em, giả như nghe tôi hò:

Ở trên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới
Anh ngồi chắc lưỡi
Không biết chừng nào mới cưới đặng em...

>Đồng bằng sông Cửu Long mùa con nước đỏ

>Đi qua vùng đất thiêng của người Chăm

>Tàu đò

>"Chợ đẩy" dọc sông Tiền

PHƯƠNG HÀ