Vì sao cổ phiếu hàng không trở nên hấp dẫn?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:32, 08/12/2015

Trong vòng 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam vào khoảng 7,3%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của thế giới là 4,6%/năm.
Vì sao cổ phiếu hàng không trở nên hấp dẫn?

Với quy mô lớn và lợi thế về kinh doanh, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam được nhà đầu tư đặc biệt chú ý khi IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đọc E-paper

ACV hút nhà đầu tư

Sự kiện Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ bán 77,8 triệu cổ phần ra công chúng (IPO) vào ngày 10/12 tới được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phòng phân tích của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), đơn vị tư vấn của ACV, cho biết, trong đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, ACV sẽ bán trên 77,8 triệu cổ phiếu, chiếm 3,47% vốn điều lệ của ACV.

Ngoài bán ra công chúng, ACV sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 20% vốn, công đoàn 0,13%, người lao động 0,99%, còn lại nhà nước nắm giữ 75% vốn sau cổ phần hóa.

Mức giá khởi điểm là 11.800 đồng/CP. "Cổ phiếu ACV rất hấp dẫn, đặc biệt với các nhà đầu tư dài hạn. Đây là cơ hội để họ tham gia vào lĩnh vực quan trọng, có tốc độ tăng trưởng bền vững và có vai trò không thể thay thế”, ông Long đánh giá.

Giá khởi điểm 11.800 đồng/CP là mức giá được các chuyên gia chứng khoán nhận định là rất hấp dẫn. Bởi, ACV là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành với quy mô khai thác vận chuyển, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất nước.

Với vốn điều lệ 22.431 tỷ đồng, ACV là công ty có vốn hóa lớn nhất trong ngành hàng không khi khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng quốc tế. 

Trong ba năm qua (từ 2012 - 2014), ACV đã phục vụ trên 132,608 triệu lượt hành khách, tăng 16%/năm, vận chuyển trên 2,284 triệu tấn hàng hóa - bưu kiện, tăng 15,29% với tổng doanh thu đạt 28,114 tỷ đồng, tăng 14,86%/năm.

Riêng trong năm 2014, tổng doanh thu của ACV là 10.569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.437 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm nay, ACV đã vận chuyển trên 46,5 triệu hành khách, tăng 22,3% so với cùng kỳ và trên 716.000 tấn hàng hóa, tăng 16,1%.

ACV đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu sau cổ phần hóa hằng năm khoảng 3%, sau 5 năm là 12%, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 12% trong 5 năm, cổ tức 5%/năm.

ACV sẽ tiếp tục khai thác các cảng hàng không hiện hữu và đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Long Thành.

Cũng theo ông Trần Thăng Long, sự hấp dẫn của ACV còn nằm ở vị thế độc quyền đối với hạ tầng hàng không, dòng tiền mạnh mẽ, doanh thu và lợi nhuận ổn định và các khoản vay lãi thấp từ đồng yên Nhật không chịu nhiều ảnh hưởng của tỷ giá USD.

Nhiều tiềm năng

Theo các chuyên gia tài chính, nếu niêm yết trên sàn, cổ phiếu hàng không sẽ rất hấp dẫn vì đa phần là độc quyền, lợi nhuận ổn định. Riêng với ACV, sau khi niêm yết sẽ trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, GAS.

Lý do để các chuyên gia đánh giá cao ACV ngoài hạ tầng cơ sở hiện có là khả năng thực hiện dự án của DN này cũng như tiềm năng của ngành hàng không. Hiện các công trình của ACV đều thực hiện đúng quy hoạch, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng theo thiết kế.

Các cảng hàng không được đầu tư hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn. Năng lực khai thác của ACV tăng từ 45,15 triệu hành khách/năm vào năm 2011 lên gần 70 triệu hành khách/năm vào năm 2015.

Hai sân bay chủ lực là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận của ACV thời gian qua.

Trong đó, Tân Sơn Nhất có công suất hoạt động 111% với hơn 22 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu gần 3.600 tỷ đồng, đóng góp 45% doanh thu bán hàng và dịch vụ cho ACV.

Sân bay Nội Bài vận chuyển trên 14 triệu lượt hành khách với doanh thu gần 2.500 tỷ đồng trong năm 2014. Sau khi khai thác nhà ga T2 đã nâng mức khai thác của Nội Bài lên 57%.

Theo dự báo của BSC, doanh thu thuần của ACV năm 2015 có thể đạt 10.130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.719 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2015 - 2020 đạt lần lượt là 7% và 9%.

Trong đó, doanh thu hàng không được dự báo đạt 8.204 tỷ đồng năm 2015 và 11.122 tỷ đồng vào năm 2020, tăng trưởng 8%/năm; doanh thu tài chính đạt 823 tỷ đồng năm 2015 lên 987 tỷ đồng vào năm 2020.

Cũng theo BSC, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2014 khoảng 16%, cao gấp ba lần mức tăng trung bình của ngành hàng không thế giới.

Bên cạnh đó, dựa vào các yếu tố thuận lợi như nền kinh tế phục hồi, dân số đông và tầng lớp trung lưu tăng nhanh cùng cơ hội hội nhập kinh tế thế giới từ các hiệp định thương mại tự do mang lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ACV tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Một thuận lợi nữa của ACV là ngành hàng không Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn.

Vì hiện nay, Việt Nam có 90 triệu dân nhưng chỉ mới có hơn 10% dân số di chuyển bằng phương tiện hàng không trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 30 - 40%. Dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cũng cho thấy về tiềm năng của ngành.

Theo đó, trong vòng 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam vào khoảng 7,3%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của thế giới là 4,6%/năm.

Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng hàng không nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, số lượng hành khách sẽ tăng thêm khoảng 97 triệu người.

>Hàng không giá rẻ:Kẻ khoe lời, người kêu lỗ

>Thị trường hàng không VN bùng nổ tăng trưởng

>Ngành vận tải hàng không sẽ cải tiến theo hướng nào?

>Bảo hiểm hàng không: cần hay không?

MINH HÀO