Liên hoan Phim Việt: Khi nào mới hết cảnh "cả nhà cùng vui"?

Đời thường - Ngày đăng : 09:25, 10/12/2015

Bên cạnh nhiều dấu ấn đáng ghi nhận trong khâu tổ chức, Liên hoan phom năm nay vẫn tồn đọng vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ở các giải thưởng.
Liên hoan Phim Việt: Khi nào mới hết cảnh

Diễn ra từ 1 -5/12 tại TP.HCM, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XIX được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc cho ngành công nghiệp điện ảnh đang ngày một phát triển với những sự đổi mới. Bên cạnh nhiều dấu ấn đáng ghi nhận trong khâu tổ chức, LHP năm nay vẫn tồn đọng vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ở các giải thưởng.

Đọc E-paper

LHP Việt Nam lần thứ XIX có tổng cộng 125 phim dự thi thuộc các thể loại: Phim truyện, tài liệu, khoa học và hoạt hình, trong đó có 20 phim điện ảnh, với 9 phim được Nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ, 10 phim của tư nhân và 1 phim của Điện ảnh Quân đội. Trong số này có thể kể đến nhiều bộ phim đình đám từng "làm mưa làm gió” ngoài rạp chiếu, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chàng trai năm ấy, Những đứa con của làng, Trúng số...

Đặc biệt, một số phim trong danh sách đã được vinh danh tại các LHP nước ngoài, như: Đập cánh giữa không trung giành giải Phim hay nhất của Tuần lễ phê bình phim tại LHP Venice 2015 cùng một số giải quốc tế khác, Nước 2030 giành giải Phim hay nhất tại LHP San Pedro (Mỹ)...

Điểm khác biệt nhất là hệ thống phân loại phim được chia thành hai hạng mục rõ ràng: Phim dự thi và Phim toàn cảnh (không tranh giải), trong khi các năm trước chỉ có phim dự thi được mời theo đăng ký của hãng sản xuất. Chính vì vậy, chất lượng phim đồng đều hơn và được đánh giá cao hơn các kỳ trước, do đã qua khâu tuyển chọn, các phim hài nhảm, "thảm họa" giảm dần.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - đánh giá đây thực sự là một dấu mốc của LHP. Bởi, sau 45 năm của giải, đây là lần đầu tiên BTC có đủ phim để tuyển lựa. Và là tín hiệu đáng mừng khi điện ảnh Việt ngày càng hướng đến sự cạnh tranh và ổn định với nhiều tác phẩm chất lượng.

Song song đó, ở kỳ liên hoan này, Ban tổ chức chú trọng khâu mang tác phẩm đến gần hơn với khán giả. Do đó, bữa tiệc phim hoành tráng đã được mở và phục vụ tận tình với sự hỗ trợ của tiểu ban phụ trách vé tặng. Khán giả đến rạp có nhân viên hướng dẫn, phát phiếu bình chọn, đánh giá về tác phẩm vừa xem.

Qua 4 ngày tổ chức, các cụm rạp chiếu phim liên hoan tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải về lượng khán giả ở đủ độ tuổi. Đặc biệt là những suất chiếu phim điện ảnh vào chiều tối, khán giả phải ngồi ghế xúp, thậm chí đứng dọc theo hành lang vẫn không đủ chỗ, đành ngậm ngùi ra về.

Tuy nhiên, càng kỳ vọng vào sự đổi mới của LHP năm nay bao nhiêu thì giải thưởng lại khiến không ít nhà phê bình và khán giả thất vọng bấy nhiêu. Với tiêu chí "dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập", không quá ngạc nhiên khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - phim Nhà nước bỏ vốn, tư nhân thực hiện (80 tỷ đồng doanh thu so với 20 tỷ kinh phí) - của đạo diễn Victor Vũ nhận được giải Bông Sen vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim trong trẻo này đã tạo được cơn dư chấn trong suốt thời gian qua. Đây đồng thời là bộ phim được khán giả bình chọn là "Phim hay nhất" ở hạng mục Phim dự thi.

Các hạng mục giải thưởng còn lại hầu như thuộc về các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, với đề tài cũ kỹ, sáo mòn và nặng tính tuyên truyền. Gây tranh cãi nhất là Cuộc đời của Yến (Đinh Tuấn Vũ) - một bộ phim luộm thuộm từ kịch bản, đề tài cũ kỹ và vụng về trong chuyển biến tâm lý nhân vật nhưng vẫn đoạt 5 giải, trong đó có Bông Sen bạc, đồng giải với Những đứa con của làng (một bộ phim tuy cũ nhưng chỉn chu).

Những bộ phim đậm tính nhân văn không kém của tư nhân như: Chàng trai năm ấy (Nguyễn Quang Huy), Trúng số (Dustin Nguyễn, phim được Cục Điện ảnh chọn là tác phẩm đại diện Việt Nam tham gia tranh giải "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" Oscar 2016), Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp, giải Nam phụ xuất sắc cho Thanh Duy...) gần như ra về với giải phụ. Riêng "Phim hay nhất" do khán giả bình chọn ở hạng mục Phim toàn cảnh thuộc về Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chỉ mới công chiếu cách đây vài ngày.

Sự cào bằng, cả nhà cùng vui sẽ còn "nói hoài nói mãi" nếu Ban tổ chức không bớt cả nể và tư duy "sợ mất lòng".

>Khi Việt kiều tham gia thị trường phim

>Kinh phí làm phim: Bài toán không quá khó!

>Đạo diễn loay hoay tìm phong cách

>Phim lịch sử: Cơn khát dài tập

HOÀNG LINH LAN