Chính sách tiền tệ của FED và ECB: Xung đột tiềm ẩn
Bình luận - Ngày đăng : 06:57, 11/12/2015
![]() |
Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008, Mỹ và châu Âu đã đồng hành trong chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, mới đây, ECB đã cắt giảm chi phí vay và mở rộng gói nới lỏng định lượng, trong khi FED có khả năng sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 9 năm.
Đọc E-paper
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất tiền gửi thêm 10 điểm phần trăm, xuống -0,3% từ -0,2% trước đó. Theo Bloomberg, đây là một động thái được đưa ra nhằm thúc đẩy cho vay và với quyết định này, Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết thúc đẩy lạm phát càng nhanh càng tốt, lên mục tiêu 2%.
ECB cũng phát tín hiệu sẵn sàng mở rộng chương trình mua trái phiếu trị giá 1,1 ngàn tỷ euro (1,2 nghìn tỷ USD) bắt đầu từ tháng 3 vừa qua. ECB buộc phải hành động mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc và giá năng lượng lao dốc. Lạm phát tại Eurozone 19/11 bất ngờ không tăng, giữ nguyên ở mức 0,1%, theo số liệu của Văn phòng Thống kê EU. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, giảm xuống 0,9%.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors dự báo ECB có thể phải mở rộng quy mô gói QE lên gấp đôi mức 60 tỷ euro hiện nay hoặc có thể cam kết tiếp tục gia hạn chương trình nới lỏng định lượng mà trước đó dự kiến kết thúc vào tháng 9/2016.
Tuy nhiên, lập trường của ECB là hoàn toàn trái ngược với Mỹ. Lạm phát không phải là một vấn đề trước mắt ở Mỹ, nhưng tình hình việc làm và tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này tốt hơn so với ở khu vực châu Âu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngưng chương trình nới lỏng định lượng cách đây một năm và đang xem xét tăng lãi suất và dự kiến để thực hiện việc này vào cuối tháng này.
Trước những lời đồn đoán về động thái của FED, Chủ tịch FED Janet Yellen tuyên bố bà "mong đợi" về việc nâng mức lãi suất ngân hàng trung ương khi lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ trong vài năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Bà cảnh báo việc duy trì mức lãi suất gần bằng 0% trong thời gian dài sẽ tạo ra những nguy cơ đối với thị trường kinh tế và tài chính Mỹ.
Trong một thế giới hoàn hảo, các nhà hoạch định chính sách đánh giá tiềm năng kinh tế thế giới và đưa ra một loạt công cụ để đảm bảo sự liên kết tốt hơn giữa các nền kinh tế. Thật không may, sự phân cực chính trị và rối loạn chính sách chung ở cả Mỹ và Liên minh Châu Âu ngăn cản nỗ lực này.
Hậu quả là kinh tế thế giới thiếu một chính sách phản ứng toàn diện hơn với các bất ổn hiện tại. Do đó, sự khác biệt giữa chính sách tài chính trên cả hai bờ Đại Tây Dương đã mở rộng đáng kể. Và cùng lúc, đồng USD đã tăng giá không chỉ so với đồng euro, mà còn đối với hầu hết các đồng tiền khác. Nếu không kiểm soát được, xu hướng này có thể sẽ kéo dài.
Việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản đẩy mạnh các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế phần nào tạo áp lực cho FED nâng lãi suất. Tuy nhiên, có một số vấn đề chính phải theo dõi cẩn thận trong những tháng tới.
Đầu tiên, kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu USD tăng giá và khả năng cạnh tranh quốc tế bị suy giảm đáng kể. Nhiều công ty lớn của Mỹ đã phàn nàn về việc họ chịu áp lực do đồng USD tăng giá, một số thậm chí còn yêu cầu chính phủ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc chống lại một "cuộc chiến tiền tệ” đang tiềm ẩn. Tác động của tình trạng tăng giá đồng USD sẽ khiến các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư ở Mỹ, làm giảm nhu cầu xuất khẩu, từ đó tác động đến ngành sản xuất và các ngành nghề khác của Mỹ.
Thứ hai, vì đồng USD được sử dụng như một loại tiền tệ dự trữ, nên việc tăng giá nhanh của đồng tiền này có thể gây áp lực lên những người đã sử dụng. Đặc biệt, các công ty tại thị trường mới nổi với các khoản vay bằng USD chịu rủi ro cao nhất. Và, cuối cùng, cuộc chạy đua lãi suất và tỷ giá có thể gây ra biến động tại các thị trường khác, đáng chú ý nhất đối với thị trường chứng khoán.
Về kế hoạch tăng lãi suất của FED, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định có thể châm ngòi cho những thay đổi lớn trong luồng vốn đầu tư toàn cầu và khiến thị trường bất ổn, cũng có thể đẩy đồng USD lên giá, gây hiệu quả tiêu cực với xuất khẩu của Mỹ. IMF kêu gọi FED thận trọng trong quyết định nâng lãi suất, đồng thời cảnh báo rằng việc thắt chặt tiền tệ quá nhanh có thể phản tác dụng và làm giảm uy tín của thể chế này.
Sự khác biệt về chính sách giữa FED và ECB được dự báo tác động lên thế cân bằng của các thị trường không chỉ năm nay, mà còn một thời gian dài nữa. Cả hai sẽ họp để đưa ra quyết định quan trọng trong tháng 12 này và dự báo về những đối đầu tiềm tàng trong chính sách của những ngân hàng trung ương quyền lực nhất trên thế giới. Tin tốt là sự chia rẽ có thể giải quyết bằng chính sách. Nhưng tin xấu là cả hai, vì những tính toán riêng, chưa tìm được ý chí chính trị để hành động dứt khoát.
>ECB hạ lãi suất xuống âm 0,3%
>ECB cho lưu hành đồng 20 euro mới với tính bảo mật cao
>IMF: FED chưa nâng lãi suất vào năm 2015